Mặc dù Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất thế giới, nhưng những người Việt đang sinh sống ở đây mà VOA hỏi thăm cho biết họ đều ‘yên tâm’ và ‘cảm thấy bình thường’ vì chính phủ Bỉ ‘có chính sách an sinh xã hội rất tốt’.
Với tỷ lệ 834 người chết trên 1 triệu dân, Bỉ là nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, bỏ xa các nước đứng sau là Anh, Tây Ban Nha và Ý với lần lượt là 618, 580 và 569 người chết trên 1 triệu dân, theo số liệu của trang thống kê trực tuyến theo thời gian thực Worldometers.
Cũng theo trang thống kê này, tính đến ngày 16/6, Bỉ đã có gần 10.000 người chết trong hơn 60.000 ca nhiễm, với thêm 2 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Quốc gia châu Âu này đã mở cửa trở lại gần hết các hoạt động xã hội từ gần một tháng nay sau khi tình hình dịch bệnh virus corona có chiều hướng khả quan sau hai tháng phong tỏa để chống dịch.
Kể từ hôm thứ Hai ngày 15/6, Bỉ cùng với Pháp cũng vừa mở cửa biên giới để cho đi lại giữa các nước châu Âu.
Chăm sóc y tế tốt
Từ Brussels, vốn được mệnh danh là thủ đô của Liên minh châu Âu và là nơi đặt trụ sở của khối đồng minh quân sự NATO, ông Nguyễn Kim Quang định cư ở Bỉ từ năm 1979 tới nay cho biết lúc đầu chính phủ Bỉ bị chỉ trích vì tỷ lệ chết quá cao.
“Mới đầu Bỉ bị chê vì nước nhỏ mà chết gần 10.000 người. Nhưng sau này mới thấy là những người chết trong viện dưỡng lão mà không kịp khám bệnh mà chết họ cũng tính vô con số chết vì Covid-19 luôn,” ông Quang giải thích về tỷ lệ tử vong cao của Bỉ.
Ông cho biết Bỉ, nước có dân số 11,5 triệu dân, cũng như các nước Tây Âu khác có chính sách an sinh xã hội và chăm sóc y tế ‘rất tốt’.
“Bệnh tật, xét nghiệm, điều trị không có tốn tiền gì hết,” ông nói.
Theo lời ông, người có triệu chứng nhiễm virus corona trước hết phải gọi đến bác sỹ chứ không được đi khám, bác sỹ sẽ kêu ở nhà 10 ngày tự mua thuốc uống, ‘còn nếu không hết thì bác sỹ mới làm giấy chứng nhận cho mình nhập viện’.
Ngoài chăm sóc y tế, chính phủ Bỉ cũng hỗ trợ đầy đủ cho đời sống của người dân bị ảnh hưởng vì dịch, ông Quang nói. Theo đó, những người kinh doanh nhỏ như chủ tiệm cà phê, chủ nhà hàng, tiệm hớt tóc tùy theo quy mô lớn nhỏ sẽ được lãnh từ 2 cho đến 4 ngàn euro một tháng trong vòng hai tháng bị đóng cửa vừa qua.
Còn những người làm hãng xưởng mà phải ở nhà thì được lãnh 70-80 % lương mỗi tháng trong hai tháng nghỉ dịch, ông cho biết thêm.
“Ở châu Âu khi đi làm họ lấy thuế dữ lắm nên mấy vấn đề an sinh xã hội chính phủ lo hết,” ông giải thích và cho biết bản thân hưu trí đã có lương hưu nên không được hỗ trợ gì thêm.
Ông dẫn báo chí Bỉ cho hay trong hai tháng nghỉ dịch, dân Bỉ tự dưng có một số tiền lớn trong tài khoản tiết kiệm vì họ ‘không đi ăn ngoài, không đi giải trí, không đi chơi, không tốn tiền xăng’. Theo lời ông thì số tiền không tiêu xài của dân Bỉ lên đến mấy chục tỉ euro.
“Mỗi tối vào lúc 8h dân khu phố đứng trên cửa sổ vỗ tay 5 phút để cảm ơn các bác sỹ và y tá trên tuyến đầu. Họ làm đều đặn trong hai tháng mới vừa hết hai tuần nay,” ông nói.
‘Còn hơn chiến tranh’
Theo lời ông kể thì trong thời gian phong tỏa, ‘đường phố vắng hoe’ nên ông ‘cảm thấy lạnh người’.
“Từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ tôi mới thấy cảnh này. Còn hơn chiến tranh hồi xưa,” ông ví von. “Ở Việt Nam hồi Tết Mậu Thân 1968 dân chúng xóm giềng còn ra coi bắn đạn sao, còn cái này hổng ai được ra đường hết.”
Về tinh thần tương trợ lẫn nhau của người Việt, ông cho biết những người lớn tuổi như ông thường gọi điện hỏi thăm nhau còn những người trẻ thì ‘hỏi người lớn tuổi có cần mua gì không để họ đi chợ mua giùm luôn’.
Còn về người Việt ở Bỉ, ông Quang nói nếu có quốc tịch rồi thì ‘cũng được hưởng đầy đủ quyền lợi như người Bỉ’ nên cũng không lo lắng gì nhiều.
Ông cho biết ở thủ đô Brussels ‘chỉ có 2-3 gia đình người Việt bị nhiễm virus corona và chưa nghe nói có ai người Việt tử vong vì bệnh này’.
Ông cho biết tình hình sinh hoạt ở Bỉ giờ đây ‘đã bình thường trở lại’ và tình hình dịch bệnh đến giờ ‘là tốt nhất’.
“Hôm qua cả gia đình tôi cả chục người đi nhà hàng ăn uống vì chung tôi hai tháng nay đâu có gặp nhau,” ông nói. “Nhà hàng đã đông rồi nhưng chưa được như xưa vì chỉ được phục vụ phân nửa công suất so với trước đó.”
Tuy nhiên, ông than phiền là dân Bỉ nói riêng và dân châu Âu nói chung ‘không chịu đeo khẩu trang’. “Chỉ có những chỗ nào bắt buộc như đi xe buýt, xe điện thì họ mới mang thôi. Đi ngoài đường 10 người thì chừng có 2 người mang khẩu trang thôi,” ông nói.
Nhận xét về phản ứng trước dịch bệnh của chính quyền nữ Thủ tướng Sophie Wilmes, ông Quang nói ‘làm tốt lắm’. Điều làm ông cảm thấy hài lòng là chính phủ gửi qua đường bưu điện cho từng nhà mỗi người 2 chiếc khẩu trang loại có thể giặt để dùng lại.