Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam hiện đang sống ở Mỹ cho rằng Việt Nam ‘tương đối thành công’ trong việc chống dịch Covid-19 nhưng lên án các biện pháp chống dịch mà ông cho là ‘vi phạm nhân quyền’ của nước này.
Tính đến ngày 15/6, Việt Nam đã trải qua hai tháng không báo cáo thêm ca lây nhiễm virus corona nào trong cộng đồng cũng như chưa báo cáo ca tử vong nào vì COVID. Tổng số ca nhiễm được báo cáo tới nay ở Việt Nam là 334, xếp thứ 156 trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mỹ hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới với gần 2,2 triệu ca nhiễm và gần 120 ngàn người chết, cũng tính đến ngày 15/6, theo trang thống kê trực tuyến theo thời gian thực Worldometers.
Việt Nam đã dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội kể từ cuối tháng Tư trong khi tất cả các tiểu bang của Mỹ cũng từng bước mở cửa lại nền kinh tế kể từ cuối tháng Năm sau khi đường cong đồ thị lây nhiễm đã được kéo thẳng.
‘Rất tự giác’
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, một cựu tù nhân chính trị của Việt Nam hiện đang sống lưu vong ở tiểu bang California, nói rằng ông mong muốn chính quyền Mỹ lẽ ra phải có biện pháp phòng dịch ‘nhanh hơn và quyết liệt hơn’ thì đã có thể giảm bớt thiệt hại.
Theo những gì ông Hải chứng kiến nơi ông sống, lúc chính quyền liên bang và tiểu bang chưa có động thái gì thì cộng đồng người Việt ở Little Sài Gòn ‘đã có động thái chuẩn bị sẵn các phương tiện chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay’.
Điều này, theo ông, là do cộng đồng người Việt ‘đã lan tỏa thông tin về dịch bệnh khá sớm’.
“Trong nhóm cộng đồng châu Á, người Việt ở Mỹ phản ứng với dịch bệnh sớm hơn phản ứng của chính phủ,” ông khẳng định.
Ông Hải cũng khen ngợi ý thức của đa số người dân Mỹ trong việc chống dịch mà ông cho là ‘rất tự giác’ và chấp hành tốt dù vài nơi có diễn ra biểu tình đòi mở cửa trở lại hay vài bãi biển có người tập trung trong thời gian có lệnh ở nhà.
“Các cửa tiệm, hàng quán ở khu vực Nam California đều đóng cửa hoặc chỉ cho mua mang về. Tôi ra đường cảm thất rất vắng vẻ. Xe cộ rất ít.”
Bản thân ông Hải ‘cảm thấy rất an toàn khi đi đến nơi công cộng’, ông cho biết, chẳng hạn như khi đi siêu thị thì ‘ai cũng đeo khẩu trang, găng tay và được siêu thị bố trí các chỗ để rửa tay’.
‘Không thể so sánh’
Khi được hỏi về hiệu quả chống dịch giữa Mỹ và Việt Nam, ông Hải nói ‘không thể đánh giá Việt Nam tốt hơn hay Mỹ tốt hơn’ vì sự khác biệt trong hoàn cảnh giữa hai nước.
“Tất nhiên ở một số chính phủ độc tài họ có một số biện pháp chống dịch quyết liệt, gay gắt hơn. Trong khi ở Mỹ còn có vấn đề phải tôn trọng quyền con người. Các biện pháp đưa ra mang tính khuyến khích là chính,” ông phân tích.
Ông cũng bày tỏ nghi ngờ thống kê báo cáo về số người nhiễm và người chết vì virus corona ở Việt Nam. “Các báo cáo, số liệu của Việt Nam đưa ra đều có sự chỉ đạo của chính quyền,” ông nói.
‘Không nên dùng biện pháp độc tài’
Nhà báo tự do này nói rằng ông phản đối các chính phủ ‘sử dụng biện pháp độc tài để chống dịch’.
“Nhiều nước lợi dụng tình trạng chống dịch cấp bách để áp đặt những vi phạm về nhân quyền chẳng hạn như theo dõi thân nhiệt của người dùng trên điện thoại di động và dùng các biện pháp kỹ thuật để theo dõi hành tung của người dân,” ông lên án.
“Đối với những người đấu tranh như chúng tôi thì bất cứ những ai làm gì đi ngược với dân chủ và nhân quyền thì chúng tôi phản đối hoặc ít nhất là không a dua theo,” ông phân tích.
Do đó, ông ca ngợi việc Mỹ kiểm soát bệnh dịch ‘nhưng vẫn tôn trọng nhân quyền’ và lên án Trung Quốc ‘nhốt người dân trong nhà không cần biết sống chết ra sao’.
Đối với một nước sát Trung Quốc như Việt Nam mà không để xảy ra thảm họa lớn cho cộng đồng là ‘khá thành công,’ ông Hải nói.
“Thành công đó là do người dân Việt Nam nhận thông tin từ rất sớm, đặc biệt từ cộng đồng mạng xã hội.”
“Ngay từ đầu chính quyền Việt Nam đã hạn chế thông tin về dịch bệnh y như Trung Quốc và phạt cả những người đưa tin trên mạng xã hội,” ông tiếp lời và bày tỏ bất bình về việc Đảng Cộng sản Việt Nam ‘nhận vơ tất cả thành quả về mình.’