Việc người tị nạn ồ ạt đổ về Đức trong những ngày qua khiến cho nước này phải ra lệnh kiểm soát biên giới để tránh tình trạng di dân tràn ngập vượt quá tầm kiểm soát. Thành phố Munich của Đức là điểm tiếp nhận chính của làn sóng tị nạn này. Cộng đồng người Việt tại đây đã phản ứng thế nào với sự kiện này? Khánh An hỏi chuyện một số người Đức gốc Việt đang sinh sống tại Munich.
Chỉ trong ngày đầu tiên chính thức mở cửa tiếp nhận người tị nạn hôm 5/9, số di dân tràn vào Đức đã lên đến gần 10.000 người. Thành phố Munich của Đức được mô tả là ‘tràn ngập di dân’ khiến nước này phải quyết định kiểm soát biên giới từ hôm 13/9 để tránh tình trạng người tị nạn tràn vào vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên số người tị nạn sang Đức từ biên giới Áo được biết vẫn còn khoảng 1.800 người mỗi ngày.
Việc Đức chi ra 6 tỉ USD để lo cho người tị nạn, cùng với thái độ tiếp đón di dân nồng nhiệt trong những ngày qua đã khiến nước Đức và nữ thủ tướng Angela Merkel được ca ngợi như những ‘anh hùng’, trong khi Hungary bị chỉ trích vì đối xử không tử tế với người tị nạn.
Cô Nguyễn Phan Châu Hợp, một người Đức gốc Việt, cho biết cô cũng như nhiều người Việt khác cùng chung tay giúp đỡ cho người tị nạn.
“Rất nhiều người bạn của tôi họ tự lập ra những tổ chức giúp đỡ trên Facebook, bên cạnh một tổ chức lớn chuyên lo về chuyện này. Qua họ, tôi biết được khi nào thì cần có sự giúp đỡ. Chẳng hạn như họ nói: ‘Này, có một chuyến tàu mới đến đấy nhé, có một số người cần được giúp đỡ’, thế là tôi và bạn trai ra nhà ga chính và đem các thứ vật dụng mà tôi biết là họ sẽ cần đến, hoặc những thứ mà tôi quyên góp được từ công ty để cho họ”.
Nếu như không có những nhóm tình nguyện tự họ đứng ra điều khiển với nhau thì thành phố Munich sẽ bất động, tê cứng luôn. Nhưng dân chúng rất hiệu quả. Mới thấy nể người Đức ở chỗ đó. Họ tự làm với nhau hết và rất hay!Cô Diệu Vân - cư dân Munich.
Cô Diệu Vân, một giáo dân Công giáo Việt đang sống ở Munich, cho biết Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình của cô cũng sắp có chương trình bán thức ăn để quyên tiền để giúp đỡ di dân, bên cạnh việc hưởng ứng những hoạt động chung của người bản địa.
“Đa số người Đức họ giúp đỡ nhiều và nhiệt tình lắm. Đa số những người Vân biết là thấy họ đi làm về là lo sắp xếp giờ, đem vợ con ra đó giúp, hoặc gửi con chỗ khác rồi ra đó giúp, biểu diễn âm nhạc, làm concert cho người ta, rồi đi cắt tóc, có nhiều người bỏ tiền túi ra mua cả trăm đôi giày hoặc quần áo lót này nọ. Nói chung là người ta giúp đỡ nhiều”.
'Nể' người Đức
Mặc dù con số người tị nạn đổ vào thành phố Munich tính cho đến nay đã lên tới khoảng 70.000 người, nhưng nhờ tinh thần tự nguyện và khả năng tổ chức của dân chúng nên cuộc sống thường ngày của người dân địa phương đã không bị ảnh hưởng nhiều. Cô Diệu Vân cho biết:
“Xe cộ không bị ảnh hưởng gì hết. Chỉ có ở chỗ nhà ga chính (main station) thì hôm Chủ Nhật không ai được tới đó hết vì có bị dọa đánh bom. Vân đi lễ về là phải đi ngang qua là phải đi đường khác luôn vì cảnh sát chặn lại hết”.
Cô nói thêm:
“Công sức tiếp đón dân tị nạn hơn 30.000 người vừa qua ở Munich 95% là ‘volunteer’ của dân chúng hết. Nhà nước, qua cảnh sát và các đội này kia, chỉ có 5% và chỉ tổ chức những việc như tàu lửa đi chỗ này chỗ kia. Còn lại các hoạt động khác, nếu như không có những nhóm tình nguyện tự họ đứng ra điều khiển với nhau thì thành phố Munich sẽ bất động, tê cứng luôn. Nhưng dân chúng rất hiệu quả. Mới thấy nể người Đức ở chỗ đó. Họ tự làm với nhau hết và rất hay!”.
Trong khi đó, anh Phạm Hoàng Hải, một người tị nạn Việt Nam đang sống tại Munich, cho biết anh hoàn toàn không lo ngại về những ảnh hưởng của làn sóng người tị nạn lên nền kinh tế Đức.
“Về mặt kinh tế thì không thành vấn đề, nước Đức giàu lắm. Công việc cũng thiếu nhiều công nhân. Họ nghĩ về lâu về dài thì tiềm năng là những người qua đây sẽ mang sức lao động và có thể là kiến thức qua cho họ nên đây là tình huống hai bên đều có lợi. Họ không có lo. Còn mình thì về mặt nhân đạo, với lại trước mình cũng ở trong hoàn cảnh đó nên mình không thấy có gì ngại hết”.
Ưu tiên giúp đỡ
Trong khi cũng có luồng dư luận phản đối chính sách mở rộng cửa tiếp nhận người tị nạn của Đức vì những lý do an ninh hay sức khỏe, nhiều người Việt cho rằng giúp đỡ người tị nạn vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Cô Châu Hợp nói:
“Tôi tin là có nguy cơ ISIS hoặc những tổ chức khủng bố khác trà trộn vào. Nhưng tôi cho đó là công việc của cảnh sát và của chính phủ, tôi tin là họ sẽ tìm ra ai là kẻ khủng bố và ai không phải. Đây thực sự là một thách thức lớn. Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc mọi người chỉ vì nghĩ rằng trong đó có một số người có thể là khủng bố, bởi vì hầu hết mọi người đang cần được giúp đỡ. Tôi nghĩ đó phải là vấn đề ưu tiên. Mọi chuyện khác, chúng ta có thể giải quyết sau”.
Your browser doesn’t support HTML5
Ngoài ra, cô Châu Hợp cho biết người Đức khá có kinh nghiệm trong việc tiếp nhận người tị nạn qua những kinh nghiệm trong quá khứ, không chỉ với người Việt mà còn với nhiều sắc dân khác.
“Tôi thấy những người tị nạn đến từ những nơi mà chúng tôi không biết nhiều lắm về họ, cũng giống như tình cảnh của người Việt Nam đi tị nạn sang Đức. Người Đức lúc đó cũng không biết là xã hội của họ sẽ ra sao khi chúng ta sang đây, nhưng cuối cùng thì kết quả lại trở nên tốt đẹp. Tương tự, những người tị nạn từ Trung Đông sang Đức bây giờ, chúng ta cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với xã hội Đức hay cộng đồng người Việt, nhưng tôi tin là mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp”.
Đồng cảm
Câu chuyện của người tị nạn hôm nay đã khiến nhiều người Việt ở Đức xúc động, một phần vì những nhắc nhớ về hoàn cảnh tị nạn trước đây.
Chúng ta không thể bỏ mặc mọi người chỉ vì nghĩ rằng trong đó có một số người có thể là khủng bố, bởi vì hầu hết mọi người đang cần được giúp đỡ. Tôi nghĩ đó phải là vấn đề ưu tiên. Mọi chuyện khác, chúng ta có thể giải quyết sau.Cô Nguyễn Phan Châu Hợp.
“Tôi rất xúc động bởi câu chuyện của những người tị nạn đến Đức, vì họ đã chịu rất nhiều đau khổ. Tôi cứ nghĩ đến chuyện này cả ngày, ngay cả trên đường đi hay khi nghe bất kỳ tin tức nào về họ”.
“Chúng ta [người Việt] đã trải qua chuyện này trước đây. Mặc dù không phải là thuyền nhân, nhưng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những thuyền nhân Việt Nam trước đây, họ đã trải qua đau khổ như thế nào khi lênh đênh trên biển và những khó khăn khi tạo lập cuộc sống nơi đất khách. Tôi thực sự nghĩ đến cha mẹ tôi và những người Việt mà tôi biết đã phải chịu đau khổ rất nhiều. Đúng là có một mối liên hệ”.
Một số người Việt cho biết chính phủ Đức, đặc biệt tại thành phố Munich, khá nghiêm khắc đối với những ý kiến có ý định chia rẽ giữa các sắc dân trong cộng đồng. Chính vì vậy mà những hoạt động giúp đỡ thường không giới hạn trong một cộng đồng cụ thể nào, mà các sắc dân thường tổ chức và thực hiện cùng với nhau.
Hôm thứ 15/9, các cơ quan nhân đạo lên tiếng bày tỏ sự thất vọng sâu sắc khi các bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu không thỏa thuận được với nhau về kế hoạch cùng nhau ‘gánh’ 120.000 người tị nạn.
Các cơ quan này cảnh báo điều đó có thể dẫn đến nhiều cái chết hơn nữa ở vùng biển Địa Trung Hải khi người tị nạn vẫn tiếp tục liều mạng vượt biển trên những chiếc thuyền không đủ tiêu chuẩn an toàn để vào được châu Âu, trong khi lượng người tị nạn được tiếp nhận tại một số nước như Đức, Áo đã trở nên ‘quá tải’ khiến các nước này không thể tiếp nhận nhiều người tị nạn như trước nữa.
Your browser doesn’t support HTML5