Đường dẫn truy cập

LHQ chỉ trích cách đối xử của Hungary đối với di dân


Cảnh sát chống bạo động Hungary được triển khai đến các cửa khẩu biên giới với Serbia ở thị trấn Röszke, ngày 16/9/2015.
Cảnh sát chống bạo động Hungary được triển khai đến các cửa khẩu biên giới với Serbia ở thị trấn Röszke, ngày 16/9/2015.

Croatia cho biết khoảng 5.600 di dân đã vào nước họ kể từ khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia, trong lúc Liên Hiệp Quốc lên án sự đối xử của Hungary đối với những người xin tị nạn là “không thể chấp nhận được”. Từ Serbia và Hungary, các thông tín viên VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Cảnh sát Croatia hôm nay cho biết khoảng 5.600 di dân đã vào nước họ từ biên giới phía đông kể từ khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia. Nhiều người giờ đây dùng Croatia làm tuyến đường mới để vào Liên hiệp Âu châu trong lúc họ chạy trốn bạo động ở những nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Iraq và Afghanistan.

Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic đang thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Áo Werner Faymann tại Zagreb. Ông Milanovic hứa để cho người di dân được tự do băng qua nước ông.

Hôm qua, những người di cư tại biên giới của Hungary giáp với Serbia đã xô xát với cảnh sát khi họ phản đối vụ đóng cửa biên giới. Cảnh sát đã dùng lựu đạn cay và vòi rồng để tìm cách trấn áp những người biểu tình ném đá. Một em bé 5 tháng tuổi nằm trong số những người bị thương.

Ông Mahmood Ibn el Mahmood, một người Syria tị nạn có mặt trong nhóm người biểu tình, cho biết như sau.

"Tôi có mặt ở đó. Em bé đó suýt nữa là chết. Những người bị thương rất khó bình phục. Em bé đó suýt chết vì hơi cay."

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói rằng hành vi trấn áp của Hungary là “không thể chấp nhận được”. Ông hối thúc tất cả các nhà lãnh đạo Âu châu chứng tỏ lòng thương cảm đối với những người di dân.

"Vì họ là những người chạy trốn chiến tranh và những sự đàn áp cho nên chúng ta phải chứng tỏ sự lãnh đạo với lòng trắc ẩn."

Di dân ném đá và chai lọ trong lúc cảnh sát chống bạo động Hungary xịt hơi cay và vòi rồng vào đám đông, ngày 16/9/2015.
Di dân ném đá và chai lọ trong lúc cảnh sát chống bạo động Hungary xịt hơi cay và vòi rồng vào đám đông, ngày 16/9/2015.

Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nói thêm rằng những người di dân phải được đối xử với một cách thức phù hợp với phẩm giá của con người.

Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic cũng lên án điều mà ông gọi là “sự đối xử thô bạo” của Hungary đối với những người di dân.

Bà Montserrat Feixas Vihe, một giới chức cấp cao của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc, phát biểu như sau tại Roszke, nơi xảy ra những vụ xô xát.

"Tôi hết sức đau lòng khi nhìn thấy những người bị thương, khi nhìn thấy những em bé khóc la vì bị lạc cha mẹ. Có những người bị thương, bị tách rời khỏi những người thân trong gia đình của họ. Chúng tôi cảm thấy đau xót vô cùng, đặc biệt là vì chúng tôi nghĩ rằng mức độ của bạo động lẽ ra đã có thể tránh được. Chúng tôi nghĩ rằng đối thoại là thật sự quan trọng và chúng tôi tới đây để điều giải, để tìm cách tạo ra một sự khác biệt. Chúng tôi hy vọng đề nghị của chúng tôi sẽ được cả hai bên chấp nhận."

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Âu châu vẫn còn đang tìm cách đạt được một sự đồng thuận về cách thức tốt nhất để ứng phó với làn sóng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi.

Từ đầu năm đến nay, hơn 430.000 người di dân, trong đó có những người tị nạn từ Syria và Iraq, đã vượt biên sang Âu châu. Các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người di dân cho biết gần 3.000 người đã thiệt mạng trong lúc vượt biên.

Thủ tướng Angela Merkel của Đức, là nước đồng ý tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn, mới đây đề nghị nới rộng hoạt động của hải quân Đức ở Địa Trung Hải để ngăn không cho những kẻ đưa lậu người chở thêm người di cư từ Libya và những nơi khác tới Hy Lạp và Ý trên những chiếc tàu ọp ẹp và chở qua đông người. Nếu đề nghị được quốc hội Đức chấp thuận, gần 1.000 binh sĩ hải quân Đức sẽ tham gia công tác này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG