Bộ trưởng nội vụ các nước Châu Âu hôm thứ Hai không đồng ý với nhau về kế hoạch tái định cư cho 120.000 di dân được phân bổ cho khắp châu lục. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA.
Trong khi đa số các vị bộ trưởng tán đồng kế hoạch phân bổ có tính chất bắt buộc, nhiều ý kiến phản đối xuất phát từ các nước Đông Âu, trong đó có Hungary và Slovakia, là những nước có đường biên giới thuộc đích nhắm đến đầu tiên của các di dân tìm đường đến Tây Âu.
Bộ trưởng Nội vụ Áo, bà Johanna Mikl Leitner nói:
"Các nước Châu Âu phải ngồi lại với nhau càng sớm càng tốt và tiếp tục đàm phán. Ở thời điểm này, tôi không muốn đánh giá đây có phải là một vấn đề cần bộ trưởng các nước Châu Âu giải quyết, hay các nguyên thủ hay lãnh đạo ngành hành pháp giải quyết hay không. Tuy nhiên, tôi tin điều quan trọng là các cuộc thương thuyết và các nỗ lực giải quyết vấn đề hiện tại cần phải được tiếp tục càng sớm càng tốt bởi vì tất cả chúng ta đều hiểu rõ là chỉ có hai khả năng – hoặc là Châu Âu sẽ trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng di dân, hoặc là chúng ta sẽ cùng nhau ra sức đối phó với thách thức này nhằm tìm một giải pháp chung của Châu Âu cho cuộc khủng hoảng."
Các vị bộ trưởng tán đồng kế hoạch trước đây để tái định cư cho 40.000 di dân hiện ở Hy Lạp và Italia.
Trước đó trong ngày thứ Hai, Hungary đóng cửa khẩu chính ở biên giới với Serbia bằng hàng rào kẽm gai. Mấy chục cảnh sát viên với sự yểm trợ của cảnh sát cưỡi ngựa và quân đội, canh gác một đường ray xe lửa mà các di dân dùng để vượt biên vào Liên hiệp Châu Âu.
Người phát ngôn của chính phủ Hungary, ông Zoltan Kovacs nói:
"Người di cư, các di dân bất hợp pháp không thể tự do quyết định có muốn nộp đơn xin tị nạn hay không. Điều đó vi phạm các tiêu chuẩn và quy ước của Châu Âu và quốc tế. Chúng tôi, và Liên hiệp Châu Âu, sẽ giải quyết cho tất cả mọi người, nhưng họ cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản."
Trong khi đó, các điểm kiểm soát vừa được Đức dựng lên ở biên giới gây tắt nghẽn giao thông suốt 20 kilômét bên phía Áo. Slovakia cũng mở lại các chốt kiểm soát và Áo cũng cho hay sẽ làm theo như vậy.
Hơn 430.000 di dân đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó có những người tị nạn từ Syria và Iraq, đã vượt Ðịa trung hải đến Châu Âu trong năm nay. Các nhà quan sát nói rằng gần 3.000 người đã thiệt mạng ngoài khơi.
Giới hữu trách đang cảnh giác cao đối với những kẻ đưa lậu người vượt biên sau vụ 17 xác người thối rữa mà họ cho là các di dân được phát hiện ra trên một xa lộ ở miền đông nước Áo hồi tháng trước.
Một số nhà lãnh đạo Châu Âu quy lỗi cho Đức mở cửa đón nhận người tị nạn trốn chạy chiến tranh và khủng bố ở Syria và những nơi khác vào Châu Âu, trong khi Đức cảm thấy bất mãn vì một số thành viên trong liên hiệp không muốn chia sẻ gánh nặng.