Nước Đức, điểm đến được ưa chuộng của nhiều người trong làn sóng di dân đổ vào châu Âu, đang phải đối mặt với câu hỏi là làm thế nào đối phó với làn sóng người này. Người tị nạn đang vào nước Đức từ biên giới Áo với con số 1.800 người mỗi ngày, dù lệnh hạn chế qua biên giới được thi hành từ ngày Chủ Nhật vừa qua. Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA gởi bài tường thuật về từ Munich.
Khuôn mặt của nước Đức đã thay đổi trong nhiều thập niên và ít có nơi nào việc này rõ ràng hơn tại khu vực chung quanh một nhà ga xe lửa chính ở Munich.
Hàng trăm người di dân tiếp tục đến nhà ga mỗi ngày. Các giới chức địa phương hãnh diện về cách đối phó của họ.
Ông Christoph Hillenbrand, thủ hiến chính phủ Thượng Bavaria nói:
“Trong 14 ngày chúng tôi có khoảng 70.000 người đến Munich. Giúp cho họ có được nơi ăn chốn ở trong vài giờ đồng hồ, chăm sóc sức khỏe cho họ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và tôi nghĩ chúng tôi đã làm khá tốt việc này”.
Tuy nhiên với việc khuôn mặt truyền thống của nước Đức nhường chỗ cho một nước Đức đa văn hóa, một số sự lo âu đã xuất hiện cùng lúc với ý muốn giúp đỡ.
Một phụ nữ người Đức cho biết như sau:
“Chúng tôi đã có nhiều người thất nghiệp ở đây. Và làm thế nào để tất cả những người tị nạn này tìm được việc làm? Họ không nói được tiếng Đức. Tôi thật sự không biết làm thế nào”.
Sự nghi ngờ này giúp tăng thêm lập luận của các chính trị gia cực hữu cho rằng đây là một sai lầm quốc gia vì đã có thái độ hoan nghênh đón nhận những người có văn hóa rất khác biệt và một số người tin là vào một ngày nào đó những người di dân này sẽ trở thành khối dân đa số.
Ông Michael Stuerzenberger đã bị những người Hồi Giáo dọa giết và bị truyền thông chỉ trích kịch liệt vì lên tiếng phản đối di dân. Ông nói:
“Đó là quá khứ của chúng tôi. Nhiều người nhận thức được về Holocaust, việc tàn sát tập thể người Do Thái, Thế chiến thứ hai, và do đó họ nghĩ hiện nay chúng tôi muốn chứng tỏ lòng tốt đối với thế giới. Chúng tôi muốn chứng tỏ nước Đức là một quốc gia thân thiện, với những người dân thân thiện. Chúng tôi hoan nghênh tất cả mọi người và chúng tôi muốn chứng tỏ nước Đức hiện nay là một quốc gia tốt”.
Tại quảng trường ở trung tâm thành phố Munich, những người đạp xe thồ nói họ tặng số tiền kiếm được để giúp người tị nạn.
Một người lái xe nói:
“Chúng tôi quyết định làm nhiều hơn nữa. Tôi không biết tại sao. Thật là tuyệt vời. Ngay cả Thủ tướng cũng thay đổi lập trường của bà, và đây giống như là một làn sóng nhân đạo khổng lồ. Tôi mong ước mỗi quốc gia châu Âu đều làm việc này”.
Tuy nhiên, không phải tất cả châu Âu muốn hoan nghênh chào đón người tị nạn như nước Đức và các nhà lãnh đạo Đức đã phải đối đầu với thực tế này trong nước.
Ông Matthias Kortmann thuộc trường đại học Ludwig Maximilian ở Munich nói:
“Một mặt, họ biết họ phải tìm cách giảm bớt số người tị nạn hiện đang ở mức quá cao, vì vào một thời điểm nào đó thái độ người dân cũng có thể thay đổi vì dân chúng có cảm giác là quá nhiều. Nhưng mặt khác, vẫn còn có cảm tưởng là chúng ta có nghĩa vụ phải làm việc một việc gì đó cho cuộc khủng hoảng người tị nạn này”.
Trong lúc chuẩn bị cho lễ hội Oktoberfest, nhà cầm quyền địa phương muốn tránh xảy ra những vụ xung đột văn hóa. Họ đang sắp xếp những chuyến xe lửa riêng để đảm bảo là những người tham gia lễ hội uống bia không đi cùng nhau hay không lẫn lộn với nhau.
Thủ tướng Angela Merkel nói Đức là một nước mạnh và sẽ giải quyết được vấn đề này. Giữa lúc hàng ngàn người tiếp tục vào nước Đức, sẽ có thêm nhiều câu hỏi là nước này sẽ đối phó như thế nào vào lúc này và trong tương lai.