Người Uighur rủ nhau sang Đông Nam Á tị nạn

  • Gabrielle Paluch

Balloons are released during a celebration event at the Potala Palace marking the 50th anniversary of the founding of the Tibet Autonomous Region, in Lhasa, Tibet Autonomous Region.<br /> &nbsp;

Những người Hồi giáo sắc tộc Uighur ở Trung Quốc lâu nay vẫn có những mối quan hệ rất căng thẳng với chính phủ, mà họ tố cáo là áp dụng những chính sách có tính chất đàn áp về chính trị và văn hóa.

Trong nhiều năm qua, một số người Uighur đã trốn khỏi Trung Quốc để sống ở nước ngoài. Nhưng trong lúc Trung Quốc thực hiện một vụ trấn áp khác nữa ở Tân Cương, các nhân vật tranh đấu nói rằng số người chạy sang Đông Nam Á đang gia tăng và những người này đang đối mặt với một tương lai đấy bất trắc.

Các giới chức di trú Thái Lan cho biết ít nhất 400 người Uighur đang bị giam ở Thái Lan và nhiều người khác đang lẩn trốn ở vương quốc này. Tin tức cho hay 29 người Uighur được tìm thấy gần biên giới Campuchia hồi đầu năm nay.

Vụ nổ súng ngày 18/4 xảy ra tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh ở Quảng Ninh sau khi các di dân trái phép người Trung Quốc bị bộ đội biên phòng Việt Nam bắt giữ.


Tại Việt Nam, ít nhất 21 người Uighur dính líu tới một vụ chạm súng gần một cửa khẩu hồi tháng trước, khi họ chống lại việc bị gởi trả về Trung Quốc. Và tại Malaysia, các nhân vật tranh đấu nói rằng mấy trăm người Uighur đang định cư ở đây hoặc đang tìm cách xin tị nạn ở nước ngoài.

Thái Lan là nước có nhiều di dân bất hợp pháp, trong đó có hàng trăm ngàn công nhân Miến Điện và Campuchia. Nhưng ông Thatchai Pitaneelaboot, một giới chức sở di trú, nói rằng đây là lần đầu tiên nước ông có một số người Uighur di dân bất hợp pháp đông đảo như vậy. Ông cho biết tất cả những người Uighur tới Thái Lan, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đều có một thái độ kỷ luật khác thường và không chịu tiếp xúc với ai cả.

Ông Thatchai nói: “Dứt khoát là vậy. Họ hành xử một cách khác thường. Họ không nói nhiều. Họ không nói với người lạ, ngay cả các viên chức chính phủ họ cũng không muốn nói. Họ không nói chuyện với các viên chức chính phủ và rất ít khi nói chuyện với những người khác. Họ muốn giữ yên lặng. Thường thì họ cầu nguyện và họ giữ im lặng, không như những người Rohingya.”

Người Uighur xếp hàng cạnh xe cảnh sát ở Khlong Hoi Khong, miền nam tỉnh Songkhla, Thái Lan.


Ông Thatchai cho biết ông tin là những người Uighur này tới Thái Lan theo đường giây buôn người và chuyển lậu người đã có sẵn và thường được sử dụng bởi những người Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện. Hai mạng lưới này được cầm đầu bởi hai tay trùm đưa lậu người ở miền nam Thái Lan.

Việc người Uighur rủ nhau chạy tới các nước vùng Đông Nam Á đã làm cho một số người nêu lên câu hỏi là phải chăng vụ trấn áp an ninh ở Trung Quốc đang tạo ra một làn sóng người tị nạn. Các nhân vật tranh đấu nói rằng nhiều người đang tháo chạy vì các chính sách đàn áp của Trung Quốc làm cho những cơ hội về giáo dục và thăng tiến nghề nghiệp bị hạn chế và những biện pháp an ninh mạnh tay mà Trung Quốc áp dụng hồi gần đây tại những nơi có đông người Uighur sinh sống.

Đài VOA đã tiếp xúc với một người Uighur từng giúp đỡ những người di dân bất hợp pháp trước khi xin tị nạn ở Canada. Ông này nói rằng các chính sách an ninh của Trung Quốc đã được siết chặt thêm nữa sau những vụ tấn công khủng bố, làm gia tăng số người Uighur vượt biên theo những tuyến đường mà những người tu tập Pháp Luân Công đã dùng để trốn thoát sự bách hại của Bắc Kinh.

Ông cho biết: “Hầu hết những người này là phụ nữ và trẻ em. Một số phụ nữ có chồng đang bị cầm tù hoặc có chồng bị cảnh sát Trung Quốc giết chết. Một số người trong gia đình họ vượt biên vì hầu hết những người này sinh sống ở miền quê, chứ không phải ở thành thị. Họ tới đó rồi tới miền trung Trung Quốc. Những người Trung Quốc chuyên đưa lậu người ra nước ngoài đã tìm cách giúp họ. Đó là lý do tại sao họ tìm cách liên lạc với những người Pháp Luân Công đã trốn khỏi Trung Quốc.”

Người đàn ông này không muốn nêu tên vì e rằng người thân trong gia đình ông còn ở Trung Quốc có thể bị chính quyền trả thù.

Trung Quốc tố cáo một số tổ chức của người Uighur lưu vong ủng hộ chủ nghĩa đòi ly khai hoặc chủ nghĩa khủng bố, và Bắc Kinh không ngớt gây sức ép để đòi các chính phủ nước ngoài trả về cho họ những người Uighur di dân bất hợp pháp. Trong những năm gần đây, các nước láng giềng của Trung Quốc phần lớn đã thỏa mãn những đòi hỏi của Bắc Kinh, bất chấp sự phản đối của những tổ chức tranh đấu nhân quyền.

Giới hữu trách Thái Lan và Malaysia vẫn chưa quyết định về cách xử lý những người Uighur đang bị câu lưu ở nước họ.


Mặc dù vậy, giới hữu trách Thái Lan và Malaysia vẫn chưa quyết định về cách xử lý những người Uighur đang bị câu lưu ở nước họ. Những người Uighur này nói rằng họ muốn sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, là nước có những sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ và có một chính phủ có lẽ sẵn sàng tiếp nhận họ mặc dù có mối rủi ro làm cho Trung Quốc tức giận.

Nghị hội Uighur Thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ ước tính số người Uighur ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay lên tới 30.000 người.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chưa cho biết họ có tiếp nhận nhóm người xin tị nạn mới nhất này hay không, nhưng 35 người Uighur khởi hành từ Kuala Lumpur hôm 25 tháng 3 đã được phép thông qua trạm kiểm soát di trú sau khi bị mắc kẹt ở phi trường 18 ngày. Một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ở Bangkok nói với đài VOA rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “quan tâm sâu sắc tới nhóm người này.”

Ông Yitzchak Shichor là một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ của Đại học Haifa. Ông nói rằng Trung Quốc có thể chế tài Thổ Nhĩ Kỳ về việc tiếp nhận người Uighur. Họ có thể dùng tình trạng nhập siêu với Thổ Nhĩ Kỳ để gây áp lực kinh tế lên Ankara. Ông nói thêm như sau.

Việc người Uighur chạy tới các nước vùng Đông Nam Á nêu lên câu hỏi phải chăng vụ trấn áp an ninh ở Trung Quốc đang tạo ra một làn sóng người tị nạn


“Một việc khác nữa là quan hệ quân sự. Như quí vị đã biết, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua một hệ thống phi đạn của Trung Quốc. Quyết định về việc này chưa được chung quyết vì nó tạo ra rất nhiều vấn đề cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì Thổ Nhĩ Kỳ là hội viên của NATO. Nhưng vụ mua bán này là một trong những thứ có thể gặp rủi ro, và do đó, Trung Quốc có nhiều cách để gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đòi chấm dứt xung đột ở Tân Cương. Cho nên có nhiều thứ mà Trung Quốc có thể gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ.”

Hiện giờ, các giới chức Thái Lan cho biết họ đang chờ bằng chứng về quốc tịch để quyết định giao nhóm người Uighur này cho Trung Quốc hay cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nhân vật tranh đấu người Uighur, số phận của những người đang bị câu lưu ở miền nam Thái Lan sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ về việc có thêm người Uighur vượt biên sang Đông Nam Á để xin tị nạn hay không.