Đường dẫn truy cập

Người Uighur từ Trung Quốc vẫn trong tình trạng chờ đợi ở Thái Lan


Người Uighur xếp hàng cạnh một chiếc xe cảnh sát ở Khlong Hoi Khong, miền nam tỉnh Songkhla, Thái Lan.
Người Uighur xếp hàng cạnh một chiếc xe cảnh sát ở Khlong Hoi Khong, miền nam tỉnh Songkhla, Thái Lan.
Hơn 400 người bị nghi là thuộc sắc tộc Uighur từ Trung Quốc, trong đó có cả trẻ em, đã bị bắt ở Thái Lan trong những tuần lễ gần đây và đang chờ đợi để biết số phận của mình. Nhà cầm quyền Trung Quốc đang hối thúc chính phủ Thái Lan gởi trả họ về Trung Quốc, nhưng những người bị giữ phủ nhận họ là những người Uighur ở Trung Quốc và muốn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tín viên Đài VOA Steve Herman tại Bangkok ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Những cuộc thảo luận ngoại giao với các giới chức Thái Lan về 426 người đang bị giam giữ được một vài quốc gia khởi xướng, gồm cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Có hai nhóm người hiện đang bị giam giữ, một tại thủ đô Thái Lan và nhóm kia tại tỉnh Songhkla ở miền nam.

Nhóm lớn nhất được phát hiện trong một cuộc bố ráp ngày 12 tháng 3 vào một trại buôn người ở một đồn điền cao su.

Nhà cầm quyền cho biết sự kiện một nhóm người bị nghi là thuộc sắc tộc Uighur với khối lượng đông đảo, tương đối khá giả và đa dạng bị bắt ở Thái Lan là điều chưa từng xảy ra trước đây. Nhóm này còn gồm hàng chục trẻ em và những bà mẹ mặc áo choàng trùm kín người.

Các nhà điều tra tin chắc họ hầu hết là những người Uighur đến từ vùng Tân Cương, nơi những những sắc dân thiểu số bị kỳ thị và áp bức về tôn giáo.

Trung Quốc loan báo đang truy lùng những phần tử ly khai trong vùng đã xảy ra những cuộc xung đột gây tử vong giữa người Uighur và người Hán.

Ông Phil Robertson phó giám đốc tại châu Á của Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, kêu gọi Thái Lan đừng trả họ về Trung Quốc vì những người này có nguy cơ bị ngược đãi. Ông nói có những dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đã gán cho những người tỵ nạn các đặc điểm sai lạc để tìm cách mở đường cho họ bị trả về.

“Chúng tôi đã thấy những tin tức báo chí khác nhau bắt nguồn từ các giới chức không nêu danh tính nhưng rõ ràng là mang dấu tích Trung Quốc, nói rằng những người vừa từ Trung Quốc đến là các phần tử khủng bố, và có những ý đồ xấu đối với Thái Lan. Đây là một nhóm với thành phần đa số là phụ nữ và trẻ em. Mối quan tâm chính là Trung Quốc đang tìm cách bêu xấu họ để làm áp lực đòi Thái Lan gởi trả họ về Trung Quốc.”

Các giới chức tòa đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Bangkok đã nói chuyện với đại diện của nhóm, và tin tức cho biết là các nhà ngoại giao nghi ngờ việc họ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ vì họ không nói rành tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng các cuộc điều đình đang được tiến hành để một số hoặc tất cả những người này đến Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia chủ yếu theo Hồi Giáo nơi có nhiều người Uighur sinh sống.

Ông Robertson nói nếu những việc điều đình thất bại, những cơ quan liên hệ của Liên hiệp quốc cần phải can thiệp.

“Nếu mặt khác Thổ Nhĩ Kỳ quyết định họ không mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ thì việc này trở thành một vấn đề mà Thái Lan cần cho phép Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc được toàn quyền tiếp xúc với những người này để quyết định về tình trạng tị nạn của họ nếu sự thật họ là những người Uighur.”

Một số nhà hoạt động tin là nhóm này được đưa lậu từ Vân Nam ở miền tây nam Trung Quốc bằng đường bộ xuyên Việt Nam và Campuchia đến Thái Lan với ý định đến Malaysia.

Những tin tức được công bố mô tả Kuala Lumpur là một điểm xuất phát thuận lợi để đi châu Âu đối với những người dùng giấy tờ giả hay đánh cắp. Hai người Iran trên chuyến bay của hãng Hàng không Malaysia 370 bị mất tích đã dùng hộ chiếu mất cắp để tìm cách đến châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG