Đường dẫn truy cập

Người tị nạn bị nghi là người Uighur bị giam giữ ở Thái Lan


Những người Hồi giáo sắc tộc Uighur ở miền nam Thái Lan, xếp hàng cạnh chiết xe cảnh sát 15/3/14
Những người Hồi giáo sắc tộc Uighur ở miền nam Thái Lan, xếp hàng cạnh chiết xe cảnh sát 15/3/14
Tại miền nam Thái Lan, khoảng 200 người nhập cư Hồi giáo chưa xác định được nguồn gốc tìm cách tái định cư ở Thổ Nhĩ Kỳ đang bị nhà chức trách Thái Lan giam giữ. Nhiều người nghi rằng họ là người Uighur Trung Quốc, và các tổ chức nhân quyền làm áp lực giới hữu trách Thái để không trả họ về lại Trung Quốc. Thông tín viên Steve Sandford tường trình từ Hat Yai, Thái Lan, nơi giới hữu trách tìm cách thâu thập thông tin để biết họ là ai và nên trả họ về đâu.

Tại miền nam Thái Lan này, trò chơi chờ đợi vẫn tiếp tục đối với nhóm di dân Hồi giáo đang bị giam giữ tự nhận mình là người sắc tộc Thổ Nhĩ Kỳ – vào lúc cộng đồng Hồi giáo ở địa phương làm phận sự cung cấp cứu trợ.

Khác với hàng ngàn thuyền nhân Rohingya Hồi giáo chạy trốn khỏi sự đàn áp ở Miến Điện, nhóm này rõ ràng đã trả tiền cho các tay buôn lậu để đưa họ đi bằng đường bộ.

Các tổ chức nhân quyền nghi họ là người Uighur chạy trốn khỏi vùng Tân Cương phía tây Trung Quốc, nơi sắc tộc thiểu số từ lâu vẫn ta thán là bị nhà chức trách Trung Quốc phân biệt đối xử và đàn áp tôn giáo.

Thế nhưng nhóm này không sốt sắng lên tiếng, theo ông Ismail Mat-Adam, đứng đầu Hiệp hội Hồi giáo Quốc gia Thái Lan, người có thể giao tiếp với một vài người trong số họ bằng phương ngữ Ả Rập cho biết:

“Chúng tôi đã nói chuyện với họ nhưng họ không cho chúng tôi thêm thông tin. Đây là một vấn đề. Chúng tôi đã tiếp xúc với họ thông qua một người phiên dịch và họ muốn đến Thổ Nhĩ Kỳ”.

An ninh được thắt chặt ở khu vực nơi 150 phụ nữ và trẻ em đang bị giam giữ tách biệt với đàn ông. Trong khi các thông dịch và các nhân viên cứu trợ tìm cách phân tích sự việc, các giới chức từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thăm để trợ giúp cho giới hữu trách di trú của Thái Lan.

Đối với cố vấn đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đến Thái Lan, ông Ahmet Idem Akay, mục tiêu nhắm nhiều hơn vào việc bảo đảm sự quan tâm thích hợp hơn là nhận diện họ là ai. Ông nói:

“Đây là một tình hình nhân đạo. Có hơn 200 con người ở đây. Hơn một nửa trong số họ là trẻ em dưới 18 tuổi. Có rất nhiều em bé. Có những phụ nữ đang mang thai”.

Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc và một toán công tác an ninh đã ghé thăm chớp nhoáng trung tâm giam giữ những người đàn ông.

Các tổ chức nhân quyền lo ngại là nếu nhóm này được xác định là người Uighur thì họ có thể phải đối diện với sự trừng phạt nếu như bị trả về Trung Quốc. Đại sứ cho biết chuyến thăm của ông là một cử chỉ thiện chí:

“Nhiều tổ chức quốc tế thích quan tâm đến chúng tôi. Chúng tôi không muốn bất cứ nước này can thiệp vào công việc của chúng tôi. Họ chỉ tìm cách gây áp lực về vấn đề này để đạt lợi ích chính trị”.

Trong khi đó, những người bị giam giữ đang đối mặt với một tương lai mờ mịt, gia nhập vào với con số ngày càng nhiều người Rohingya và những người tị nạn khác đang sống trong tình trạng bấp bênh ở Thái Lan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG