Đường dẫn truy cập

Trung Quốc định soạn luật chống khủng bố


Cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên đường phố gần ga xe lửa Côn Minh, nơi xảy ra vụ tấn công đẫm máu, ngày 3/3/2014.
Cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên đường phố gần ga xe lửa Côn Minh, nơi xảy ra vụ tấn công đẫm máu, ngày 3/3/2014.
Một cuộc tấn công thảm khốc và đẫm máu vào đầu tháng này tại một trạm xe lửa ở tây nam Trung Quốc đã nhanh chóng dẫn đến cuộc thảo luận về luật chống khủng bố của nước này. Nhà chức trách cho biết những kẻ khủng bố đến từ vùng Tân Cương đã tổ chức và thực hiện vụ tấn công đó. Các nhà lập pháp cho biết Trung Quốc vẫn đang thiếu luật lệ và công cụ để chống lại mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh quốc gia. Thông tín viên Rebecca Valli của đài VOA tại Hồng Kông có bài tường thuật sau đây.

Giới hữu trách Trung Quốc nói những kẻ khủng bố từ vùng Tân Cương đã tổ chức và thực hiện vụ tấn công tại ga Côn Minh, khiến 29 người thiệt mạng và 143 người bị thương. Vụ tấn công này nêu bật những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong lúc ứng phó với những vụ rối loạn xảy ra một lúc một nhiều ở Tân Cương, nơi mà nhà chức trách nói đã trở thành chiếc nôi của khủng bố.

Vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày trước khi một hội nghị chính trị lớn, là cuộc họp hàng năm của Quốc hội, khai mạc tại Bắc Kinh. Giờ đây, các nhà lập pháp đang thúc đẩy cho việc ban hành một đạo luật quốc gia để bảo vệ đất nước tốt hơn trước mối đe dọa khủng bố.

Ông Triệu Bỉnh Chí là hiệu trưởng trường luật của Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Ông nói rằng những cuộc tấn công khủng bố gần đây của những tổ chức như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan cho thấy một thực tế là chủ nghĩa khủng bố đang xâm nhập vào xã hội Trung Quốc.

Ông Triệu nói rằng Trung Quốc phải học từ các nước phát triển khác để xây dựng một đạo luật chống khủng bố có tính chất toàn diện, hệ thống và chuyên biệt.

Kể từ vụ tấn công 11/9 ở Mỹ vào năm 2001, thế giới đã phải đối mặt với thách thức mỗi ngày một tăng của chủ nghĩa khủng bố. Để ngăn ngừa khủng bố một cách có hiệu quả hơn, ông Triệu nói, các chính phủ cần phải có luật để tăng cường quyền hạn điều tra.

Tại Trung Quốc, khủng bố bị xem là một trong ba yếu tố chính đe dọa tới sự ổn định của đất nước, bên cạnh chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa ly khai. Đó là lý do tại sao các cuộc thảo luận về chủ nhĩa khủng bố có liên quan chặt chẽ đến tình trạng bất ổn lâu dài ở Tân Cương, quê hương của người sắc tộc thiểu số Uighur theo đạo Hồi.

Giáo sư Barry Sautman của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong là người chuyên nghiên cứu về cách chính sách sắc tộc của Trung Quốc.

“Ở một mức độ nào đó thì Trung Quốc đang lấp cái lổ hổng mà các nước khác đã lấp rồi. Nhưng dĩ nhiên điều này không có nghĩa là cho đến nay Trung Quốc không có một cơ chế để trừng trị những kẻ bị kết tội khủng bố.”

Để truy tố tội phạm khủng bố, Trung Quốc phải dựa vào một số các quy định khác nhau trong bộ luật hình sự và mức án phạt sẽ khác nhau tùy theo các tội mà tòa án định đoạt. Kể từ năm 2001, bộ luật hình sự sửa đổi đã bổ sung các quy định để trừng phạt những kẻ hỗ trợ tài chính cho khủng bố, cũng như tăng mức hình phạt cho các hành vi khủng bố.

Với các hành vi bạo lực, các cá nhân bị buộc các tội như đứng đầu một tổ chức khủng bố, giết người, đốt phá hoặc phá hoại tài sản. Trong các trường hợp khác, chẳng hạn như vụ án của học giả người Uighur Ilham Tohti, các cá nhân đã bị buộc tội âm mưu chia cắt đất nước sau khi họ công khai chỉ trích chính sách của chính quyền đối với Tân Cương. Giáo sư Sautman nhận định thêm:

“Không hẳn là chính quyền Trung Quốc cảm thấy họ cần phải có một bộ luật lớn hơn để đối phó với hành động của bọn khủng bố. Mà thật ra, điều này có mục đích chứng tỏ là Trung Quốc cũng là một phần của cuộc chiến chống khủng bố, giống như các quốc gia khác trên thế giới, những nước cũng bị ảnh hưởng tương tự bởi hành động khủng bố”.

Kể từ khi các cuộc bạo loạn sắc tộc làm rung chuyển thủ phủ Urumqi của Tân Cương vào năm 2009, bạo lực đã gia tăng một cách đều đặn. Năm ngoái là năm đặc biệt có nhiều chết chóc, với hàng chục vụ tấn công.

Vụ tấn công ở ga xe lửa Côn Minh và một vụ việc khác ở Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 10 năm ngoái đã làm tăng mối quan ngại là sự bất mãn ngày càng tăng và bạo động ở Tân Cương giờ đây đã bắt đầu lan sang các khu vực khác của Trung Quốc, đe dọa tới an ninh công cộng.

Ông Raffaello Pantucci là một nhà nghiên cứu cấp cao củaViện Royal United Services, một tổ chức nghiên cứu an ninh và quốc phòng ở Anh. Ông nói rằng giới hữu trách Trung Quốc đang bị áp lực phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn khủng bố.

"Quí vị phải làm thế nào để chống lại những thông điệp mà một tổ chức khủng bố đưa ra để thuyết phục dân chúng thực hiện những hành động nào đó? Quí vị phải làm thế nào để ngăn chận sự phát triển của những mạng lưới ý thức hệ thành những tổ khủng bố? Quí vị phải làm thế nào để xác định những hành động nào sẽ trở thành những hoạt động bạo lực và những hành động nào sẽ trở thành những hành động chính trị? Chế độ ở Trung Quốc vẫn chưa nối kết được tất cả những khía cạnh của vấn đề này."

Chính phủ Trung Quốc nói rằng thủ phạm của những hoạt động khủng bố là những tổ chức muốn sử dụng bạo lực để làm cho đất nước bị chia cắt.

Các tổ chức của người Uighur lưu vong không tán đồng cách trình bày vấn đề của nhà cầm quyền. Họ nói rằng bạo động thường phát sinh từ những vụ tranh chấp có tính chất cá nhân giữa các gia đình người Uighur với chính quyền địa phương. Họ nói rằng động lực của những kẻ tấn công không phải là chủ nghĩa ly khai, mà là sự bất mãn của người dân ở Tân Cương đối với các chính sách mạnh tay và sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với sinh hoạt tôn giáo và văn hóa của người Uighur.

Hiện chưa rõ phải chăng luật mới của Trung Quốc về khủng bố sẽ giải quyết những vấn đề lâu nay vẫn được xem là nguồn gốc của bạo động.

Các nhà phân tích nói rằng qua việc tiêu chuẩn hóa luật lệ, vấn đề liên quan tới các yếu tố cấu thành tội phạm và vấn đề toà án cần có bằng chứng nào để kết án nghi can sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, giáo sư Sautman của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông cho rằng ngôn từ của luật lệ Trung Quốc thường mơ hồ và điều đó giúp cho giới hữu trách chính trị và tư pháp có thể xét xử các vụ án dựa trên căn bản từng vụ một.

Ông Triệu Bỉnh Chi, hiệu trưởng trường luật của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói rằng vì đây là một vấn đề rất phức tạp nên phải mất khá nhiều thời giờ để giới hữu trách có được đồng thuận về dự luật chống khủng bố.

Ông Triệu nói rằng công tác lập pháp chống khủng bố ở Mỹ và các nước khác ở Tây phương đã gây ra những vụ tranh cãi về vấn đề xâm phạm các quyền của người dân, và Trung Quốc cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự.

Vào lúc này, luật chống khủng bố không nằm trong danh sách các dự luật sắp được mang ra thảo luận tại Quốc hội. Ông Triệu Bỉnh Chi nói rằng ông không rõ dự luật có được đưa vào chương trình làm việc của năm 2014 hay không, nhưng chắc chắn lànhững cuộc thảo luận sơ bộ sẽ được thực hiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG