Your browser doesn’t support HTML5
Nhiều người tỵ nạn Campuchia đã tái định cư ở Long Beach, California, 35 năm trước đây. Trong số đó có cô Sara Pol-Lim.
"Tôi đã được bảo rằng tự do và cơ hội là chìa khóa khi đến đây sống. Nhưng có một điều chắc chắn là thứ mà chúng tôi đã không được chuẩn bị trước đó là rào cản ngôn ngữ."
Cô Sara Pol-Lim đã không biết nói tiếng Anh khi cô tới Mỹ năm cô 14 tuổi. Ký ức kinh hoàng về cảnh tượng ba người anh em của cô đã chết trong vụ diệt chủng Khmer Đỏ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí cô.
"Người anh em cuối cùng đã chết trong khi ngủ cùng với tôi trên nền đất là một khoảnh khắc tôi không thể nào quên, về việc cậu ấy đã cố gắng chống chọi để sống như thế nào, về cái cách mà cậu ấy đã tự nhủ với lòng rằng nếu mình chỉ cố gắng thêm một chút nữa thôi thì có thể sẽ chạm tay tới tự do rồi," cô Pol-Lim nhớ lại.
Rất nhiều người tỵ nạn đã tìm thấy được tự do khi đặt chân tới Long Beach, nhưng đã phải vượt qua rất nhiều thử thách. Nhà hoạt động cho cộng đồng Campuchia Chan Hopson dẫn ra một vài ví dụ:
"Không có ai nghĩ tới hay chú ý chút nào tới sức khỏe tâm thần của chúng tôi. Họ có giúp đỡ chúng tôi với những nhu cầu căn bản để có thể sống sót về mặt thể chất, nhưng về mặt cảm xúc, tâm lý, và tinh thần thì chúng tôi không có bất cứ sự giúp đỡ nào."
Rất nhiều những người lớn là nạn nhân của vụ diệt chủng tuy sống sót nhưng đã phải trải qua chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý hay còn gọi là PTSD. Rất nhiều phụ nữ đã mất chồng và con trai ở Campuchia. Nhiều người con của họ đã phải tự chăm sóc và tự lo liệu cho bản thân. Cô Pol-Lim cho biết:
"Giờ đây chúng tôi đang nhìn thấy sự ảnh hưởng tâm lý này đang truyền tiếp cho những thế hệ thứ hai, thứ ba bởi vì chưa bao giờ có ai nhắc tới việc trợ giúp về mặt cảm xúc và những nhu cầu về cảm xúc."
Cô Sophya Chum, hiện đang làm việc với những bạn thanh niên có chung hoàn cảnh với cô, là những bạn trẻ Mỹ được sinh ra trong gia đình tỵ nạn Campuchia, cũng có cùng suy nghĩ giống cô Pol-Lim:
"Thậm chí cho tới bây giờ họ mắc bệnh kinh niên và những khuyết tật thể chất chỉ bởi vì những chấn thương tâm lý này. Và tôi nghĩ đó là lý do vì sao chúng ta vẫn rất chật vật và phải cố gắng làm sao để sống sót. Nhiều người vẫn không thể kiếm được việc làm chỉ bởi vì những việc như thế này."
Giáo dục bậc cao thường là điều mà không thể đạt được bởi lẽ nghèo đói đã vây chặt lấy cộng đồng người Mỹ gốc Campuchia. Cô Alisha Sim nói rằng vì nghèo đói mà em trai cô đã đi ăn cắp xe và bị trục xuất:
"Lúc mới đầu thì chỉ là ăn cắp đồ ăn nhưng sau đó cậu ấy đã chuyển sang những thứ to, có giá trị hơn. Cậu ấy bắt đầu đánh cắp những bộ phận của xe hơi chỉ để kiếm một cái xe tử tế cho chúng tôi, để đưa chúng tôi đi đây đi đó."
Cô Sophya Chum cho biết thêm:
"Thông thường thì không có nhiều dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ y tế, dịch vụ về học thuật mà có thể giúp đỡ những người đầu tiên đến đây tỵ nạn để họ có thể chăm sóc cho bản thân và cho gia đình họ."
Một số những người tỵ nạn đã tự thành lập những tổ chức của riêng họ để đáp ứng được những nhu cầu. Bà Chan Hopson đã đồng sáng lập Hiệp hội Phụ huynh Khmer cùng với chồng bà để giúp đỡ những gia đình Campuchia hiểu rõ hơn về hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ. Bà nói rằng những thất bại trong quá khứ trong quá trình tái định cư đã không nhất thiết phải lặp lại nếu như những người tỵ nạn mới nhận được thêm nhiều sự giúp đỡ hơn.
Theo bà, "những sự giúp đỡ về cảm xúc, tâm lý, tinh thần, thể chất, và xã hội" sẽ giúp cho làn sóng kế tiếp những người tỵ nạn có thể được phục hồi và chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc sống mới tại Hoa Kỳ.