Phim tài liệu Vietnamerica về thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam do Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) thực hiện vừa ra mắt tại Viện Bảo Tàng Truyền Thông Hoa Kỳ - Newseum (VBTTT) ở thủ đô Washington hôm qua, thứ Bảy 17/10/2015. Phim sẽ được trình chiếu tại rạp Loehmans ở Virginia vào ngày Chủ nhật 18/10. Tuần trước Ban Việt ngữ đã gửi đến quý vị cuộc phỏng vấn bà Triều Giang tức Nancy Bùi, nhà sản xuất phim. Mục Đời Sống Văn Hoá tuần này xin được dành để mời quý vị theo dõi nội dung câu chuyện giữa Hoài Hương với đạo diễn Scott Edwards, giám đốc công ty truyền thông Edwards Media, về trải nghiệm của anh trong việc thực hiện phim tài liệu Vietnamerica, đặc biệt là đoạn phim ngắn ‘Võ sư Hoá đi tìm mộ’.
Thưa quý vị, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, Đạo diễn Scott Edwards cho biết cơ duyên đã đưa đẩy anh vào ngành làm phim và trở thành một đạo diễn:
“Thời còn đi học, tôi chọn theo đuổi các môn về nghệ thuật sáng tạo, trong đó có hội hoạ, cho nên tôi luôn luôn thích thú tìm hiểu cách biểu đạt ý tưởng của mình bằng các phương tiện nghe-nhìn. Cách đây 5,6 năm tôi tham gia một lễ hội phim ảnh kéo dài 48 giờ đồng hồ, tôi cùng một nhóm bạn vô cùng hứng khởi trong khi thực hiện một phim ngắn cấp tốc nội trong hai ngày cuối tuần về một võ sĩ quyền anh. Tôi đâm ra yêu cái khung cảnh nơi trường quay, tính năng động của nó và cả tiến trình sáng tạo trong điện ảnh.”
Scott nói ngay từ phim ngắn đầu tiên, anh đã cảm thấy như bị thôi thúc, cần phải chuyển hướng đi của mình trên con đường sự nghiệp, và vì thế thay vì tập trung vào lĩnh vực thiết kế đồ hoạ tự do (graphic design) anh đã chuyển sang sản xuất các phim quảng cáo và phim tài liệu, để theo lời anh có thể ‘đến gần nhất với nghệ thuật thứ Bảy’. Công ty truyền thông Scott Media được thành lập với trang nhà Scott Edwards Media.com.
Đam mê và tài năng đã sớm mang lại kết quả, Scott và các bạn đoạt một số giải cho phim ngắn đầu tay, và cảm thấy được khích lệ để tiếp tục tham gia các lễ hội điện ảnh trong hai năm tiếp theo, và như lần đầu, cũng thành công khi các nỗ lực của Scott và các bạn được bình chọn là phim hay nhất tại Austin trong hai năm tiếp theo.
Khi được Chủ tịch Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt, Triều Giang, tiếp xúc và mời cộng tác, Scott nói anh không biết gì mấy về cộng đồng Mỹ gốc Việt, hay nền văn hoá Việt Nam.
“Lúc đó tôi không biết gì về Việt Nam, tôi biết rất ít về Việt Nam. Tôi biết về cuộc chiến tranh đã gây nhiều tranh cãi… Nhưng tôi chú ý tới dự án làm phim tài liệu của VAHF là bởi vì tôi cảm nhận nơi Nancy (Triều Giang) một sự trân quý đối với nước Mỹ và các giá trị của tự do”.
Kể lại cuộc hành trình của chính anh đến với cộng đồng người Mỹ gốc Việt qua phim Vietnamerica, Đạo diễn Scott Edwards kể lại vì sao anh đồng ý cộng tác với nhà sản xuất Triều Giang và những cố gắng của anh để tìm hiểu về chiến tranh và văn hoá Việt Nam:
“Lắng nghe câu chuyện của Nancy, làm cách nào chị ấy đã vượt biển cùng với các con khi là một người mẹ đơn thân làm cho tôi xúc động vô cùng. Chúng tôi đồng ý cộng tác với nhau, thế là chúng tôi tại công ty này phải lao vào tìm hiểu và học hỏi về Việt Nam. Chúng tôi xem rất nhiều bộ phim kể cả các phim tài liệu về Việt Nam, chúng tôi nghiên cứu các cuộc phỏng vấn trên You Tube, chúng tôi đọc tất cả những gì có liên quan tới Việt Nam trên mạng internet, và chúng tôi bắt đầu từ đó.”
Về dự án làm phim Vietnamerica, Đạo diễn Scott Edwards nói dự án này hấp dẫn là vì nó kể lại một câu chuyện hay.
“Câu chuyện hay nào cũng là về cái giá của sự hy sinh. Một người hy sinh vì muốn thực hiện một ước vọng hay một ước nguyện nào đó. Đối với người Mỹ gốc Việt, đó là ước nguyện được tái định cư tại một xứ sở tự do và nuôi dạy con cái trong tự do. Họ phải sẵn sàng trả một cái giá rất đắt và hy sinh lớn lao khi họ bước lên một con tàu mà không có gì bảo đảm họ sẽ sống sót. Đối với tôi, đây là một câu chuyện hết sức lôi cuốn.”
Scott nói anh thấy ý kiến thực hiện một bộ phim tài liệu là một ý kiến rất hay, theo sự đánh giá của anh thì đây là một dự án đầy hứa hẹn. Tuy nhiên đây cũng là một dự án đầy khó khăn và thử thách khi Scott, một đạo diễn trẻ người Mỹ lần đầu tiên làm việc với cộng đồng Mỹ gốc Việt, những khó khăn theo anh, phần lớn là do môt số khác biệt quan diểm xuất phát từ những khác biệt về nhân sinh quan và khác biệt văn hoá, bất đồng về ngôn ngữ. Scott Edwards nói:
“Người Mỹ gốc Việt là những người tuyệt vời, rất chịu khó làm việc nhưng cũng có nhiều khác biệt về văn hoá. Nền văn hoá nơi tôi xuất thân và nền văn hoá Việt Nam tiếp cận nghệ thuật một cách khác nhau và ngôn ngữ cũng khác nhau. Tôi nghĩ rằng đây là thách thức lớn nhất. Tôi rốt cuộc mới nhận thức được là có một loại ngôn ngữ ngầm, ngôn ngữ của hình ảnh mà tôi hấp thụ khi lớn lên trong nền văn hoá Mỹ, nó rất khác với loại ngôn ngữ hình ảnh quen thuộc đối với một số người Mỹ gốc Việt.”
Đạo diễn Scott Edwards cho rằng chính những trở ngại do sự khác biệt về ngôn ngữ hình ảnh và lối tiếp cận nghệ thuật là những thách thức lớn trong dự án làm phim Vietnamerica. Ngoài ra vì bất đồng ngôn ngữ, tất cả những cuộc phỏng vấn đều phải dịch sang tiếng Anh với những khó khăn riêng của nó. Scott Edwards cho biết mục đích của anh là làm thế nào cho bộ phim tài liệu trở nên hấp dẫn đối với cộng đồng chính mạch, đối với những người Mỹ chưa hề nghe qua câu chuyện về người tỵ nạn Việt Nam, không biết về quan điểm của người dân miền Nam về cuộc chiến Việt Nam, nhưng trong một số trường hợp, vì trở ngại ngôn ngữ, khó có thể biểu đạt một cách hữu hiệu trên màn ảnh. Hơn nữa, còn có những khác biệt về cách tư duy:
“Người Mỹ không muốn người khác bảo họ nên suy nghĩ như thế nào. Khi tôi nói chuyện với một số người Việt, họ muốn bộ phim phải chuyển tải một thông điệp rõ rệt, mạnh mẽ hơn, quan điểm của tôi là phải cố gắng không đưa ra thông điệp nào, mà phải cung cấp cho khán giả những thông tin, cho họ thấy những gì đã thực sự xảy ra, rồi để cử toạ suy nghĩ lấy, đi đến kết luận của riêng họ.”
Đạo diễn Scott Edwards nói thoả mãn các cử toạ khác nhau, người Mỹ, người Việt, bạn bè của anh… với những mức độ thưởng ngoạn nghệ thuật khác nhau, nhân sinh quan khác nhau quả là một thách thức to lớn. Được hỏi về những thành quả mà phim Vietnamerica đã gặt hái được cho tới nay, điều gì làm cho anh cảm thấy hãnh diện nhất, đạo diễn Scott Edwards nói anh đặc biệt hài lòng về quyết định thực hiện phim ‘Võ Sư Hoá Đi tìm Mộ’, giảm thiểu tối đa những chi tiết để câu chuyện của một người có thể gây ấn tượng sâu đậm hơn, và đại diện cho thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam nói chung.
“Tôi rất vui mừng về việc bộ phim đã ra mắt. Tôi đặc biệt hài lòng với câu chuyện về võ sư Hoá. Bộ phim này là phim nói về nhiều người: các thuyền nhân Việt Nam. Nhưng rất khó có thể quan tâm tới một tập thể nếu người ta không quan tâm tới ít nhất là một người trong đó. Cho nên câu chuyện về võ sư Hoá được nhiều người biết đến, cử toạ có thể coi như đó là khuôn mặt của tập thể người Việt tỵ nạn nói chung. Chúng tôi đã tìm cách thể hiên câu chuyện theo cách đó, và vâng, có lẽ đó là điều làm tôi hãnh diện nhất.”
Thưa quý vị, phim ‘Master Hoa’s Requiem’ đã được nhà điểm phim Kaori Shoji của nhật báo Japan Times liệt kê trên danh sách ‘các phim phải xem - must see list’ tại Lễ Hội Phim Ngắn ở Tokyo. Về bộ phim này và về Đạo diễn Scott Edwards, nhà điểm phim nói: “Không thể theo dõi câu chuyện ‘Võ Sư Hoá đi tìm Mộ’ mà không rơi lệ. Càng kinh ngạc hơn khi Đạo diễn Scott Edwards nói ông hầu như khỏng biết gì về Việt Nam trước khi tham gia dự án. Trong khi đạo diễn Edwards giữ một khoảng cách với nhân vật chính, chúng ta vẫn cảm nhận được một sự cảm thông sâu sắc và vô cùng thành thực. Phim Võ sư Hoá đi Tìm Mộ chứng minh là trong một phim ngắn, một đạo diễn có thể cắt ngắn phim xuống mức tối đa mà vẫn thực hiện được một bộ phim có chiều sâu”.
Phim tài liệu Vietnamerica của Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) sẽ được chiếu hai xuất 1 giờ và 4 giờ chiều Chủ nhật 18/10, tại rạp Loehmanns ở bang Virginia. Muốn biết chi tiết, quý vị có thể truy cập trang Facebook: www.facebook.com/vietnamerica