Một tổ chức theo dõi của LHQ cáo buộc Iraq là vi phạm nhân quyền của công dân nước này nhân danh việc chống lại các hành vi khủng bố. Iraq là một trong 7 nước bị Ủy ban Nhân quyền LHQ xem xét. Ủy ban này chuyên theo dõi các bên nhà nước thực thi Công ước Quốc tế về Quyền Chính trị và Dân sự. Thông tín viên Lisa Schlein tường trình cho đài VOA từ Geneva.
Ủy ban LHQ gồm 18 chuyên gia độc lập thừa nhận rằng Iraq cần phải áp dụng các biện pháp chống những hành vi khủng bố. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh các tội ác nghiêm trọng đang được thực hiện bởi tổ chức gọi là Nhà nước Hồi giáo trong đó có việc giết người, bắt cóc, bắt làm nô lệ, cưỡng hiếp và tra tấn.
Nhưng, ủy ban nói các hành vi khủng khiếp này không biện minh cho những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào thường dân mà tin ghi là do lực lượng an ninh Iraq và các nhóm vũ trang đồng minh thực hiện trong nỗ lực đánh bại IS.
Phó chủ tịch ủy ban, ông Yuji Iwasawa, nói rằng các chuyên gia lo ngại về những cáo buộc nói rằng cảnh sát thường dùng biện pháp tra tấn để lấy lời thú tội của những người bị nghi là khủng bố hay phạm các tội khác.
Ông Iwasawa nói: “Những lời thú tội do cưỡng chế đã được dùng làm bằng chứng ở tòa án, nói rằng nhiều phụ nữ bị mất tự do đã bị cưỡng hiếp hay tấn công tính dục và con số những người chết trong khi bị giam giữ là hậu quả của tra tấn.”
Cơ quan LHQ kêu gọi Iraq cứu xét việc bãi bỏ án tử hình, mà cơ quan cho là được sử dụng quá đáng và không hội đủ các tiêu chuẩn quốc tế là án tử hình chỉ được áp dụng cho “những tội ác nghiêm trọng nhất.”
Ủy ban nhận xét rằng 240 người đã bị hành quyết ở Iraq trong 2 năm vừa qua và hơn 1.700 người đang chờ bị hành quyết.
Một cuộc xét duyệt về thành tích quyền chính trị và dân sự của Hy Lạp đã diễn ra dưới bóng tối song hành của một vụ khủng hoảng kinh tế và một luồng người di trú và tỵ nạn khổng lồ đổ vào nước này.
Chuyên gia độc lập Yuval Shany nói ủy ban có ấn tượng rất mạnh về cách thức chính phủ Hy Lạp xử lý vụ khủng hoảng người tỵ nạn và hoan nghênh việc nới lỏng các luật lệ giam giữ người di trú.
Ông Shany nói: “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bày tỏ quan ngại trong cuộc đối thoại và trong nhận xét kết cục về thời gian giam giữ người di trú, về tình trạng nơi giam giữ ở nhiều cơ sở, về sự cần thiết phải đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng.”
Ủy ban cũng bày tỏ sự quan ngại rằng một số dân di trú có thể đã bị đẩy qua biên giới trên bộ mà không có quyền hợp pháp được làm như thế. Cơ quan LHQ yêu cầu chính phủ Hy Lạp cứu xét việc mở những tuyến an toàn vào lãnh thổ của họ để giảm thiểu tổn thất sinh mạng trên biển cả.