‘Người Giàu Cũng Khóc’

‘Người Giàu Cũng Khóc’

Hôm thứ Sáu tuần trước, tôi đã có dịp tham dự Đại Nhạc Hội “Việt Love 4 Japan” gây quỹ cho các nạn nhân động đất và sóng thần ở Nhật Bản do các anh chị em nghệ sĩ tổ chức ngay tại khu Little Saigon đông đúc người qua lại. Đặc biệt là người Việt vì nơi tổ chức được đặt ngay tại carpark nằm bên cạnh trung tâm Saigon Performing Arts Center và hoàn toàn…free. Miễn phí từ âm thanh cho đến hình ảnh trực tiếp truyền hình của cả 4 đài TV của người Việt ở đây.

Và dĩ nhiên những nghệ sĩ tham dự cũng đều trình diễn miễn phí.

Vậy mà hầu như hôm đó những gương mặt lớn trong làng văn nghệ hải ngoại đều có mặt. Từ chị Ý Lan cho đến anh Nguyễn Ngọc Ngạn. Quang Lê vừa mới bay từ Việt Nam về cho đến chị Mai Lệ Huyền trong cơn gió lạnh của buổi chiều hôm ấy vẫn thoải mái nhảy rất… sung. Mặc dù ai cũng chỉ được cho hát độc nhất có một bài. Vì có quá nhiều nghệ sĩ xin ghi tên tham dự vào giờ chót.

Thành thật mà nói cách đây khoảng hai tháng khi được ban tổ chức liên lạc hỏi xem tôi có thể tham dự chương trình hay không thì tôi cũng có ậm ừ OK cho qua chuyện. Lúc ấy tôi nghĩ nếu giúp được thì mình cũng nên giúp mặc dù tôi không mặn mà lắm với chương trình này. Một phần vì tôi ở xa quá và trong thời gian gần đây tôi đã đi quá nhiều. Một phần lớn khác tôi lại nghĩ dù gì đi nữa thì nước Nhật cũng là một trong những nước giàu nhất thế giới. Người Việt tỵ nạn, người Haiti, người Phi Châu mình lo còn chưa xong nói chi đến việc giúp người giàu.

Nhưng ngay trong đêm hôm ấy tôi đã thấy tôi sai. Vì sau khi xem lại những hình ảnh kinh hoàng của cơn sóng thần đập vào miền đông bắc của nước Nhật cách đây đúng một tháng trước, những mất mát, đau khổ chồng chất của họ vì nạn động đất, sau đó là sóng thần và mãi cho đến bây giờ là tình trạng hiểm nguy có thể bị nhiễm phóng xạ từ các lò nguyên tử đang bị rò rỉ… tôi thấy là tôi đã quá vội nhận định sự việc theo cảm tính. Mà không hiểu được rằng người giàu hay người nghèo thì cũng đều như nhau.

Họ cũng đau khổ nếu bị mất mát.

Và phải chống chọi với bệnh tật, đói khát như tất cả mọi người.

Họ cũng khóc như người nghèo. Đôi khi còn hơn vì sức chịu đựng của họ có giới hạn.

Bởi vậy tôi nghĩ đối với những hoàn cảnh thương tâm cần tìm đến sự ân cần giúp đỡ, chia xẻ cảm thông với người khác, chúng ta không nên so sánh. Không nên bao giờ so sánh.

Nếu có thể chúng ta nên cứu giúp. Nếu không thể chúng ta nên im lặng. Chứ đừng nói ra nói vào để biện minh cho việc tại sao mình không thể giúp lần này. Vì bất kể bạn là ai, nếu rủi ro gặp tai nạn, tôi nghĩ điều mà bạn cần nhất là sự cảm thông. Chứ không phải là sự phân tích, tại với bị, ai đúng ai sai, điều này nên làm, điều kia không. Ngay cả khi đó là trường hợp mà chính bạn đã góp phần để xảy ra tai nạn.

Như hôm tôi đứng trên sân khấu vừa làm MC vừa cố làm tròn vai trò thông dịch viên dã chiến cho ông Tổng Lãnh Sự Nhật, Junichi Ihara, ở Los Angeles đến tham dự và có lời cảm ơn tất cả các khán giả Việt Nam trên toàn quốc. Ông đã nhắc đến nhiều những gì chính phủ Nhật đang cố gắng làm tốt hơn cho những nạn nhân. Ông cũng không quên gửi lời tri ân đến tất cả mọi người đã và đang cứu giúp đất nước Nhật trong đó có cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Sau lời phát biểu của ông là đại diện của cơ quan American Red Cross bước lên sân khấu cảm ơn cũng như để tường trình về việc quyên góp ngay tại chổ và qua các đường dây điện thoại viễn liên từ khắp mọi nơi gọi về.

Sau đó là phần giới thiệu các quan khách khác và chào quốc kỳ, quốc ca Việt, Mỹ.

Trong cơn gió chiều lồng lộng của buổi chiều hôm ấy, tai nghe tiếng kèn mặc niệm trầm buồn để tưởng nhớ đến hơn 25.000 nạn nhân đã vĩnh viễn ra đi, như mọi người tôi đã cảm thấy thật sự xúc động.

Nhưng sau đó là một cảm giác vui mừng xen lẫn chút tự hào dân tộc lại dâng lên.

Vì ít nhất ra cũng có một lần người Việt chúng ta đã giúp được ngược trở lại người dân Nhật.

Không phải chỉ là vài trăm, vài ngàn hay vài ba chục ngàn như dự đoán. Mà chỉ riêng tính đến đêm hôm ấy, số tiền quyên góp đã lên đến trên 320.000 đô-la Mỹ.

Vâng, 320.000 ngàn đô-la Mỹ.

Nếu bạn là người Việt Nam, bạn có hãnh diện không?

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.