Mai Linh: Em tên Mai Linh. Năm nay em 24 tuổi, ở Hưng Yên. Em qua Nhật để làm việc và học hỏi kinh nghiệm làm việc của người Nhật. Em sang đây được 2 năm rưỡi.
Quang Hải: Em là Vũ Quang Hải, năm nay 29 tuổi, quê ở Phú Thọ. Em qua Nhật được 2 năm 10 tháng, với tư cách tu nghiệp sinh, vừa học tập vừa làm việc.
Danh Ngọc: Em là Nguyễn Danh Ngọc, năm nay 27 tuổi. Em ở Hà Tây, sang Nhật được 2 năm 10 tháng với hình thức tu nghiệp sinh nhưng thực chất là đi lao động.
Trà Mi: Vì sao các bạn chọn nước Nhật là nơi tới để học tập kinh nghiệm làm việc mà không phải là một quốc gia nào khác?
Mai Linh: Em thấy Nhật là nơi có nhiều cơ hội để mình học hỏi.
Quang Hải: Em chọn Nhật vì Nhật từ một nước chưa có gì mà phát triển được tới ngày hôm nay, là nước bị thiên tai nhiều trên thế giới mà có thể phát triển mạnh như thế, nên em muốn tìm hiểu tại sao. Em ước mơ được tới những nước số 1, số 2 thế giới như Mỹ hay Nhật để tìm hiểu vì sao họ có thể đạt được mức phát triển cao như vậy.
Trà Mi: Mình nghe nói rất nhiều về các nét đẹp trong đời sống và con người Nhật, đặc biệt sau đợt thiên tai vừa qua, rất nhiều phương tiện truyền thông đề cập đến điều này. Các bạn là những người trẻ Việt Nam có cơ hội sống và làm việc tại Nhật, những gì các bạn đã từng biết và nghe nói về Nhật so với những gì các bạn chứng kiến khi thật sự đặt chân tới đất nước này, các bạn ghi nhận được những gì ấn tượng nhất?
Mai Linh: Nước Nhật rất đẹp, rất sạch, con người sống rất văn minh, đến các cụ già vẫn lao động. Em thấy rất đáng khâm phục.
Danh Ngọc: Người Nhật cách cư xử của họ rất lịch sự. Sang đây em thấy mình có được một môi trường học tập rất tốt. Mấy năm sống ở đây, em nghĩ không biết đến lúc về Việt Nam mình sẽ phải sống như thế nào một khi đã quen với môi trường sống như ở Nhật rồi.
Quang Hải: Em thấy ý thức của người dân Nhật rất cao, luôn kiên cường đứng lên. Người Nhật cần cù, làm việc không mệt mỏi. Tới đây mình cảm thấy thật sự bước vào một thế giới khác hẳn. Họ làm việc và cống hiến hết sức mình cho xã hội, nhiều hơn cho bản thân họ. Từ khi còn rất nhỏ họ đã được giáo dục ýù thức rất kỹ càng.
Danh Ngọc: Những người già về hưu vẫn thường đi làm tình nguyện viên, hoặc khi đi dạo thấy rác, họ vẫn nhặt mang về. Họ không bao giờ vứt rác bừa bãi ra ngoài đường hay ở nơi công cộng. Ý thức đấy mình rất cần phải học hỏi. Thảm họa liên tiếp xảy ra, hết động đất tới sóng thần mà họ không hề hoảng loạn, không có những vụ cướp bóc gây rối loạn xảy ra.
Trà Mi: Các bạn chứng kiến dân Nhật tiếp tục cuộc sống của họ ra sao?
Mai Linh: Toàn thế giới phải khâm phục tính kiên cường của người Nhật. Sau bao nhiêu thảm họa xảy ra thế, họ vẫn vui vẻ sống. Vẫn có những người sẵn sàng đi vào những nơi nguy hiểm có chất phóng xạ để dọn dẹp những đống đổ nát. Họ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Trà Mi: Đó là một vài đức tính của người Nhật trong những hoàn cảnh rủi ro, hoạn nạn họ tương trợ với nhau ra sao và ứng phó với hoạn nạn như thế nào. Còn trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn như về đời sống xã hội, các bạn thấy trật tự an ninh xã hội ở Nhật ra sao?
Quang Hải: Nói chung ở bất kỳ đất nước nào cũng đều có chuyện cướp bóc nhưng đúng là ở Nhật chuyện này rất là ít. Phải nói là ở Nhật cảm thấy cực kỳ an toàn. Mọi người rất tuân thủ luật lệ.
Trà Mi: Thế còn về nếp sống gia đình, giao tiếp xã hội có những điểm nào các bạn cảm thấy hay cần phải học hỏi?
Quang Hải: Gíơi trẻ Nhật có tính tự lập từ rất nhỏ.
Danh Ngọc: Ở Nhật chuyện được bố mẹ trợ cấp hoàn toàn tiền để học đại học rất ít. Phần lớn họ vừa đi học, vừa đi làm để kiếm tiền đi học. Trong giao tiếp, văn hóa của người Nhật là chú ý hết sức để không làm tổn thương đối phương. Vì vậy, họ hạ mình xuống và nâng người khác lên. Họ giao tiếp rất lịch sự. Cái này mình rất cần học hỏi. Em cảm thấy ấn tượng nhất ở điểm này.
Trà Mi: Ấn tượng của bạn Ngọc mình cũng đã được nhiều người chia sẻ rằng trong mọi mặt đời sống xã hội từ các hàng quán đến các cửa hiệu mua sắm, người Nhật đều thể hiện tác phong này.
Mai Linh: Các cửa hàng mua bán rất nhã nhặn. Mình vào họ chào hỏi, dù mình có mua hay không họ cũng đều giới thiệu tận tình. Mình không mua họ vẫn cảm ơn.
Trà Mi: Còn về các dịch vụ công cộng như bệnh viện, trường học chẳng hạn, thì sao?
Mai Linh: Em đã có dịp vào bệnh viện để thăm người bạn. Nếu dùng từ để mô tả thì phải nói là tuyệt vời. Nó khác xa với môi trường ở Việt Nam mình.
Quang Hải: Điểm này người Nhật làm rất tốt, mình nên học tập.
Trà Mi: Cung cách phục vụ ở những lĩnh vực dịch vụ này chu đáo hay cao cấp hơn ở Việt Nam phải chăng vì họ là lĩnh vực tư, còn ở Việt Nam, phần đông các bệnh viện là bệnh viện công nên không được như vậy? Đây có phải là nguyên nhân của sự khác biệt?
Danh Ngọc: Em nghĩ không phải. Đó là do văn hóa của họ. Bệnh viện của chính phủ họ càng tuân thủ luật lệ chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn.
Quang Hải: Nói chung ở đâu cũng vậy, khi người ta được trả lương đủ để trang trải cuộc sống thì họ sẽ tâm huyết với công việc. Ở đất nước vừa thoát nghèo như Việt Nam thì mức lương còn thiếu thốn rất nhiều, khiến người ta không thể dồn hết sức mình vào công việc.
Trà Mi: Quay sang lĩnh vực bộ máy hành chánh hay lực lượng công quyền như cảnh sát, các bạn ghi nhận như thế nào? Tác phong phục vụ của quan chức chính quyền và lực lượng công lực ra sao?
Quang Hải: Đối với người Nhật, thời gian là quan trọng nhất. Đến bất kỳ địa điểm nào, vào công sở nào, họ luôn luôn chú trọng đến thời gian thuận tiện cho mình và họ làm việc rất nhanh.
Danh Ngọc: Em thấy đặc biệt ở Nhật, càng có chức vị cao, họ càng tỏ ra thân thiện và có trách nhiệm với việc làm của họ. Bên này, chính quyền đa đảng nên nếu có chuyện cửa quyền thì chắc chắn chính bản thân người đó sẽ phải chịu hậu quả. Dân Nhật có tự do ngôn luận họ có quyền nhận xét Thủ tướng làm ra sao, sai hay trái, thậm chí còn đưa lên báo chí nữa.
Trà Mi: Bạn vừa chia sẻ một điểm khá đặc biệt trong đời sống của người Nhật là quyền tự do ngôn luận. Khi ra nước ngoài, các bạn học hỏi được gì từ điểm này? Thế nào là quyền tự do ngôn luận và ảnh hưởng, tác động của nó đối với người dân ra sao?
Danh Ngọc: Quyền tự do cá nhân được đặt lên cao, làm trọng. Họ có thể được tự do bày tỏ quan điểm và suy nghĩ. Điều này khác rất nhiều so với Việt Nam. Họ phê phán được chính phủ của họ. Còn ở Việt Nam mà như thế sẽ bị coi là phản động hay phản quốc.
Trà Mi: Mình nghe nói rất nhiều rằng tinh thần dân tộc của người Nhật rất cao. Về điểm này, các bạn có sự so sánh ra sao giữa hai đất nước?
Danh Ngọc: Em thấy mọi thứ bên Nhật này Việt Nam mình đều cần phải học hỏi rất nhiều. Về tinh thần dân tộc, trong vụ tranh chấp đảo với Trung Quốc, họ phát động nhiều lắm. Ra đường đi đâu cũng thấy họ bàn tán việc này. Họ còn khơi dậy lên tinh thần đó cho bọn em nữa kìa, vì Việt Nam cũng cùng chung cảnh ngộ là bị cướp mất đảo. Ở Việt Nam chỉ bàn tán chuyện biết chuyện thôi nhưng không có hành động thực tế cụ thể dám làm những việc như thế. Em thấy chưa có. Đó là vấn đề nhận thức của mỗi người. Tính tập thể, tính cộng đồng của người Nhật cao nên khi phát động là mọi người đều hưởng ứng. Ở Việt Nam thì không, chưa có được điều đấy. Chúng ta nên cần học hỏi giới trẻ Nhật về tính tự giác ngay từ bé.
Trà Mi: Xã hội nào cũng có những mặt tốt, mặt xấu, những điều hay và những nét chưa đẹp. Mình đã nói qua những nét tích cực rồi, các bạn có ghi nhận những gì mà các bạn cảm thấy chưa được hay?
Danh Ngọc: Em thấy có điểm này chưa được hay cho lắm. Chẳng hạn có những người nước ngoài sống ở đây đến 30 năm vẫn cứ là người ngoại quốc, không bao giờ được coi như là người Nhật chính gốc.
Trà Mi: Có lẽ vì tinh thần dân tộc của họ quá cao, phải không?
Danh Ngọc: Vâng.
Trà Mi: Một lời ngắn gọn nhận xét về đất nước Nhật, nơi các bạn đã chọn tới học tập, các bạn sẽ nói gì?
Danh Ngọc: Em ấn tượng ở tinh thần đoàn kết toàn dân tộc với nhau để đưa đất nước đi lên hay đứng dậy qua những thảm họa như thiên tai vừa rồi. Cái đó mình cần phải học.
Trà Mi: Hải và Linh, khi các bạn về lại Việt Nam, các bạn sẽ mang theo mình những gì sau 3 năm học tập và làm việc tại Nhật?
Mai Linh: Sang đây, em cảm nhận đất nước Nhật đã tạo cho em một cuộc sống rất thoải mái để em được học hỏi cách sống của người ta.
Trà Mi: Vừa rồi là cảm nhận của 3 thanh niên Việt Nam đang sống ở Nhật về những nét đẹp của người dân và đất nước hoa anh đào. Các bạn nghe đài từng có dịp sang Nhật du lịch, học tập, hay sinh sống có ghi nhận như thế nào? Xin hãy chia sẻ với chúng tôi và trao đổi với độc giả khắp nơi trong mục Ý kiến ngay bên dưới bài này, trên Tạp chí Thanh Niên tại www.voatiengviet.com, trên trang Facebook ở địa chỉ http://www.facebook.com/VOATiengViet, hay email về vietnamese@voanews.com. Trà Mi mong được đón nhận ý kiến của tất cả quý thính giả.
Tạp chí Thanh Niên hẹn trở lại với quý vị trong một câu chuyện mới vào tuần sau.
Người dân Nhật Bản lâu nay vẫn được mọi người ca ngợi về tính tự giác, tự trọng, và tinh thần dân tộc rất cao. Những đức tính này càng nổi bật sau thảm họa động đất và sóng thần ở xứ sở hoa anh đào hôm 11/3 vừa qua. Cộng đồng thế giới và truyền thông quốc tế đang hướng về đất nước mặt trời mọc không chỉ lưu ý tới những thiệt hại thiên tai mà đặc biệt chú ý tới tư cách, phẩm chất, và khí khái của người dân xứ Phù Tang trước nghịch cảnh. Ba vị khách mời trong chương trình hôm nay, những bạn trẻ Việt Nam đang tu nghiệp và làm việc ở Nhật, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thêm về những cái hay, cái đẹp của đất nước và con người Nhật Bản.