Có lẽ chúng ta, nhất là đối với các độc giả sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, ai cũng biết ‘Đoạn Tuyệt’ là tên của một trong những quyển tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Nhất Linh. Một quyển sách mà chắc hầu hết ai đã học hết trung học ở Việt Nam cũng đã từng đọc qua. Ngay cả tôi đây, lúc còn đi học tiếng Việt ở Úc cũng bị bắt buộc phải đọc và làm bài luận văn về đề tài ‘tống cựu, nghinh tân’ mà tác giả Nhất Linh đã gửi gấm qua câu chuyện thương tâm của cô Loan. Vào đầu thế kỷ 20 trong buổi giao thời khi đất nước Việt Nam vẫn còn bị chìm đắm trong tệ nạn hủ lậu, phong kiến. Khi thân phận của những người con gái phải về làm dâu bên chồng được phơi bày, thông cảm. Và sự hẹp hòi, thiếu hiểu biết của những bà mẹ chồng bị tô đậm, đả phá.
Nhưng cũng lâu lắm rồi tôi không có dịp đọc lại những tác phẩm tiền chiến nổi tiếng của một thời Tự Lực Văn Đoàn. Vả lại từ khi bắt đầu làm quen với văn chương của các nước khác thì tôi lại thấy đối với những quyển tiểu thuyết như ‘Đoạn Tuyệt’ của Nhất Linh, hay ‘Tắt Đèn’ của Ngô Tất Tố, v.v… tôi thấy sao cái gì nó cũng có phần hơi… quá lố. Từ nhân vật cho đến hoàn cảnh. Lằn ranh giữa cái Thiện cái Ác sao tác giả vẽ rõ quá. Bởi bất cứ bạn đọc nào cũng có thể cảm nhận được ai đúng, ai sai.
Mặc dù ai cũng biết ngoài đời nó hoàn toàn không hẳn thế. Cuộc sống không chỉ có 2 màu trắng, đen mà phần lớn nó đều nhiễm một màu…nâu nâu, không thể lúc nào cũng phân biệt được đây là điều mình cần làm. Đó là người mình cần tránh.
Vậy mà không hiểu sao hầu hết những quyển tiểu thuyết vào thời đó mà tôi đọc được đều mang cùng một âm hưởng như thế. Nó từa tựa như những quyển tiểu thuyết kiếm hiệp tràng giang đại hải bên Tàu nói về sự xuất hiện độc nhất của một anh hùng hảo hán, ra tay giết cường hào ác bá, thế thiên hành đạo. Và anh là một nhân vật kiệt xuất, hoàn hảo nhất trên tất cả mọi mặt. Anh luôn luôn đúng và kẻ thù của anh là những kẻ độc ác không còn một chút tình người.
Cũng có thể vào buổi giao thời ấy, những tác giả như Nhất Linh không chỉ là một nhà văn thuần túy mà họ còn là những nhà cách mạng, cải cách cố cùng nhau chung sức dẹp bỏ sự dốt nát, lễ giáo của xã hội phong kiến. Và đề cao những điều hay, lẽ phải nghiên về nhân phẩm, quyền làm người của thời đại hiện nay.
Nếu thật là vậy thì tôi nghĩ thời nay cũng như thời trước, tất cả chúng ta, bất kể mình là ai, bác sĩ, luật sư, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ hay chỉ thuần túy là ca sĩ không thể lúc nào cũng chỉ biết hát bài ‘tôi chỉ làm văn nghệ, không làm chuyện chính trị’. Vì đã là người của công chúng thì ở một mức độ nào đó chúng ta phải có trách nhiệm đối với xã hội mà chúng ta đang có mặt. Thấy điều hay chúng ta nên khen. Biết việc đó trái lẽ chúng ta phải lên tiếng.
Đấy không phải là làm chuyện chính trị. Mà nó chỉ là một thái độ chính trị tối thiểu cần phải có để nhờ đó xã hội mới có thể thay đổi tốt hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người. Hay ít nhất ra cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh những ai đang ỷ thế đông đàn áp, uy hiếp người cô thế.
Hôm tối chủ nhật tuần trước tôi ngồi xem vở kịch ‘Đoạn Tuyệt’ trong rạp gần khu Little Saigon của người Việt ở Cali mà lòng ngổn ngang đầy cảm xúc. Trên sân khấu Loan đang bị bà mẹ chồng nhiếc móc đủ điều chỉ vì cô không đồng ý đưa đứa con cho thầy pháp lên đồng chữa trị. Kiều Oanh trong vai bi đầu tiên của cô trên sân khấu hải ngoại đã diễn xuất quá tuyệt vời, nhất là khi Loan nhận thức ra được rằng người con duy nhất của cô đã chết trong oan nghiệt. Riêng chị Tú Trinh trong vai bà Phán thì có thể nói không một ai có thể diễn xuất một cách tàn nhẫn, ác độc hơn.
Rất nhiều khán giả bên dưới lúc ấy đã vội đưa tay lên để lau nước mắt. Họ khóc cho Loan, cho thân phận bọt bèo của phụ nữ Việt Nam thời phong kiến. Và họ đã vỗ tay thật to khi nghe quan toà tuyên bố Loan không phạm tội giết chồng sau những lời bào chữa đầy thuyết phục của trạng sư bênh vực Loan do nữ nghệ sĩ kỳ cựu Túy Hồng thủ vai đảm nhận.
Riêng tôi trong vai Dũng nước mắt lúc ấy cũng chực tràn. Nhưng tôi không chỉ nghĩ về Loan, về những bất công của 100 năm trước. Mà ngay trong giây phút đó, trong cùng một không gian đó ở Hà Nội, cũng có một người bị đem ra xử. Nguyên do chỉ vì anh cũng muốn đoạn tuyệt với quá khứ, với những giáo điều xấu nát trong xã hội hiện tại.
Nhưng rất tiếc đời không như truyện.
Và anh đã không được tuyên bố vô tội như Loan.
Lúc ấy tôi thầm hỏi có bao người đang nhỏ nước mắt thương xót cho anh như phiên tòa đang diễn ra trên sân khấu? Tôi cũng tự hỏi một trăm năm sau những thế hệ kế tiếp họ sẽ nghĩ như thế nào về đất nước Việt Nam vào đầu thế kỷ 21?
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.