Ngoại trưởng Mỹ loại bỏ khả năng nối lại đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se trong cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao ở Seoul, ngày 18/5/2015.

Sau các cuộc hội ý ngoại giao tại Seoul, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gần như loại bỏ mọi khả năng nối lại cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân của họ. Thay vì thế, ông kêu gọi tăng cường các liên minh quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, và gia tăng áp lực quốc tế để chống lại điều ông gọi là thái độ khiêu khích và đáng ngại cùng với việc coi thường nhân quyền của Bình Nhưỡng. Từ Seoul, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry viện dẫn cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo từ một tàu ngầm mới đây của Bắc Triều Tiên là thí dụ mới nhất về việc Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân và tấn công, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Và ông mô tả Kim Jong Un là “kỳ quái và ghê rợn” vì đã ra lệnh công khai hành quyết bằng súng phòng không vị bộ trưởng quốc phòng cấp cao nhất, như tin cho hay.

“Điều này khiến cho sự lãnh đạo của ông ta trở thành một trong những ví dụ nổi bật nhất của việc coi thường một cách táo tợn nhân quyền và con người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.”

Bình Nhưỡng đã ngày càng trở nên cô lập kể từ khi bỏ ngang một thỏa thuận năm 2005 với Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ kinh tế.

Bắc Triều Tiên đã tiến hành 3 cuộc thử nghiệm hạt nhân và nhiều cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa, và một số chuyên gia quân sự tin rằng Bình Nhưỡng đã có thể có tới 20 đầu đạn hạt nhân. Để đáp lại cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế gắt gao đối với chế độ Bắc Triều Tiên.

Một trong những lý do chính của chuyến thăm Seoul và Bắc Kinh của Ngoại trưởng Kerry là để tập trung vào việc giảm thiểu căng thẳng trong khu vực, nhưng ông nói Bắc Triều Tiên đã bác bỏ mọi nỗ lực ngoại giao, ngay cả của các đồng minh chính và đối tác thương mại là Nga và Trung Quốc, nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán quốc tế để chấm dứt chương trình hạt nhân của họ.

“Ông Kim Jong Un đã từ khước lời mời của Tổng thống Putin đi Nga. Bắc Triều Tiên cũng đã từ khước những đề xuất của các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn giao tiếp về đề tài này.”

Phương cách duy nhất để tiến tới theo Ngoại trưởng Kerry là gia tăng áp lực đối với chế độ của Kim Jong Un. Ông nói Liên minh Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, và Nhật Bản sẽ tiếp tục bố trí vũ khí và lực lượng cần thiết để chống lại hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ cũng đã nói chuyện với Bắc Kinh về việc gia tăng các biện pháp chế tài quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Ông Kerry cho biết Trung Quốc có “thế mạnh phi thường” trong tư cách là nước cung cấp viện trợ kinh tế lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên. Ông Kerry cho rằng ngày càng có nhiều phần chắc một nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về những vụ vi phạm nhân quyền sẽ có hiệu quả.