Đường dẫn truy cập

Kinh tế Bắc Triều Tiên cho thấy có dấu hiệu cải thiện


Một người Bắc Triều Tiên sử dụng điện thoại di động tại sân bay quốc tế Sunan
Một người Bắc Triều Tiên sử dụng điện thoại di động tại sân bay quốc tế Sunan

Mặc dầu vụ thanh trừng người đứng đầu ngành quốc phòng và các giới chức cấp cao khác có thể chứng tỏ tình hình bất ổn bên trong chế độ Kim Jong Un, nền kinh tế Bắc Triều Tiên đã cho thấy các dấu hiệu cải thiện. Dưới chế độ Kim Jong Un, nước này đã chứng kiến con số người đào tỵ thấp hơn tìm cách trốn sang miền Nam phồn thịnh hơn. Thông tín viên VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.

Sau khi có tin về việc Bộ trưởng Quân lực Bắc Triều Tiên Hyon Yong Chol và 3 giới chức cấp cao khác bị hành quyết, chưa thấy dấu hiệu bên ngoài nào về sự bất ổn trong chế độ Kim Jong Un.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho hay chưa có thay đổi nào trong tư thế sẵn sàng về quân sự ở cả hai bên biên giới. Bắc Triều Tiên đã bắt đầu các cuộc tập trận bằng đạn thật ngoài khơi gần biên giới, nhưng họ đã tiến hành các cuộc diễn tập tương tự hồi năm ngoái.

Nền kinh tế nước này cũng đã được cải thiện, bất chấp những biện pháp chế tài quốc tế gắt gao mà Bình Nhưỡng bị áp đặt vì nhiều hành động khiêu khích, quan trọng nhất là việc liên tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Năm 2014, Viện Nghiên cứu Kinh tế Hyundai ở Seoul đã dự báo rằng kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ tăng trưởng ở tỷ lệ 7% một năm trong 10 năm. Dự báo này có thể lạc quan quá mức nhưng nước này đã trải qua sự tăng trưởng tích cực trong 3 năm qua.

Và theo Bộ Thống nhất của Nam Triều Tiên thì con số người Bắc Triều Tiên tỵ nạn vào Nam Triều Tiên đã sụt giảm hơn 50% vào năm 2009, xuống còn 1.300 người trong năm 2014.

Một phần lý do của sự sụt giảm này là trong thời kỳ ông Kim Jong Un nắm quyền, Bình Nhưỡng đã tăng con số lính biên phòng và thiết lập các hình phạt nặng nề hơn cho những người Triều Tiên bị bắt khi tìm cách vượt biên bất hợp pháp. Và vì việc đào thoát khó khăn và nguy hiểm hơn, cho nên cũng tốn kém hơn. Có thể mất nhiều ngàn đôla để trả cho giới đưa người lậu qua biên giới vào Trung Quốc.

Nhưng ông Andrei Lankov, giáo sư lịch sử Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Kookmin ở Seoul, cũng cho rằng lãnh tụ tối cao trẻ tuổi có công theo đuổi một đường lối thực tiễn hơn để quản lý nền kinh tế nhằm đem lại cho công nhân một sự khích lệ tài chính để vận hành bên trong chế độ.

Theo ông, một điểm đáng chú ý là sự gia tăng các chương trình lao động di trú hợp pháp, gửi công nhân Bắc Triều Tiên với mức lương thấp đi làm việc ở Trung Quốc, Nga và Trung Đông. Nhờ cho phép các công nhân này đi làm việc ở nước ngoài, với điều kiện gia đình phải chịu trách nhiệm nếu họ không trở về, Giáo sư Lankov nói ông Kim Jong Un đem lại cho công nhân một sự chọn lựa khả thi so với việc đào tỵ:

“Ông ấy hiểu là ông ấy không thể hoàn toàn ngăn chặn người Bắc Triều Tiên, nhất là từ các vùng biên giới, chạy qua Trung Quốc, nơi thu nhập của họ cao hơn nhiều. Vì thế điều ông ấy làm là tìm cách đề ra một mức độ kiểm soát nào đó qua việc chấp nhận sự kiện này.”

Các tổ chức nhân quyền như Trung tâm Cơ sở Dữ liệu về Nhân quyền Bắc Triều Tiên có trụ sở ở Seoul mô tả các biện pháp kiểm soát được Bình Nhưỡng áp dụng là sự đối xử vô nhân đạo. Các công nhân di trú này thường làm việc cực nhọc nhiều giờ đồng hồ trong các điều kiện gay gắt và không có quyền hợp pháp hay chọn lựa nào khác. Hộ chiếu của họ bị tịch thu và họ chỉ được phép giữ lai một phần trong số lương mà họ kiếm được.

Tuy nhiên, đây lại là những công việc được tranh giành ở Bắc Triều Tiên, nơi công nhân trong nhiều cơ sở quốc doanh còn không được trả lương. Và lao động di trú không khiến gia đình của họ ở nhà có nguy cơ bị bỏ tù, như trường hợp những người đào tỵ tìm cách thoát khỏi chế độ áp bức.

Kể từ khi nạn đói hoành hành ở Bắc Triều Tiên hồi cuối thập niên 1990, khi khoảng 1 triệu người chết vì đói, Bình Nhưỡng đã dần dà tiến hành một số cải cách dựa vào thị trường trong chế độ nhà nước cộng sản để nông dân có thể giữ lại một phần thu nhập của họ. Dưới sự cai trị của ông Kim Jong Un, một số cơ sở quốc doanh đã được phép hoạt động chủ yếu như các doanh nghiệp tư nhân.

Giáo sư Lankov nói hệ thống kinh tế hiện nay là một hình thức tư bản tàn nhẫn, đầy bóc lột, nhưng có tác dụng:

“Họ được tưởng thưởng nếu lao động khó nhọc và họ bị trừng phạt nếu làm việc không có hiệu quả. Bởi vì đây là một hình thức tư bản rất tàn nhẫn, thực sự tàn nhẫn. Không có an sinh xã hội. Không có gì hết. Nếu không làm ra tiền thì chỉ có nước chết đói.”

Giáo sư Lankov nói thành tích kinh tế dường như có khá hơn của Bắc Triều Tiên không nhất thiết tương đương với tình trạng ổn định thêm bên trong chế độ Kim Jong Un. Nhưng ông nói điều quan trọng đáng chú ý là Bắc Triều Tiên không còn ở bờ vực chết đói hay sụp đổ kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG