Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đã họp với đại sứ của các nước ủng hộ liên minh quốc tế chống các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Từ Bộ Ngoại giao Mỹ, thông tín viên Scott Stearns của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói rằng Ngoại trưởng Kerry họp tại Washington với khoảng 60 vị đại sứ của những nước có liên hệ đến cuộc chiến chống lại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo vì “ngoại giao là một phần quan trọng” của liên minh.
"Cuộc họp là một cơ hội để các đối tác trong liên minh tái khẳng định những nỗ lực chung trong liên minh, để thảo luận các phương thức nhằm hợp nhất các đóng góp cho nỗ lực chung của liên minh, và để xem xét lại cách thức tăng nhanh và đẩy mạnh hoạt động phối hợp của liên minh."
Cuộc họp của liên minh để chống Nhà nước Hồi giáo – còn gọi tắt là ISIS hay ISIL – do Ðặc sứ của tổng thống – Đại tướng John Allen, và Phó Ðặc sứ của tổng thống – ông Brett McGurk, chủ trì. Hai vị đặc sứ này đã làm việc với các nước Anh, Pháp, Ả Rập Xê-Út, Kuwait, Bahrain, Qatar, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập, và Oman để phối hợp các nỗ lực.
Ngoài chiến dịch không kích nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo, các đối tác trong liên minh còn phải phối hợp trong nỗ lực huấn luyện cho các lực lượng an ninh của Iraq, các lực lượng nổi dậy ở Syria, chặn đứng các nguồn tài chánh của ISIS, cắt đứt nguồn cung cấp chiến binh nước ngoài, và đả phá những luận điệu tuyên truyền ý thức hệ của tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Giáo sư Akbar Ahmed của Đại học American University tin rằng phần lớn nỗ lực chống Nhà nước Hồi giáo sẽ tập trung vào thủ lãnh bí ẩn của nhóm này là ông Abu Bakr al-Baghdadi.
"Thủ lãnh bí ẩn này là ai, người tự dưng nổi lên từ chỗ không ai biết đến, dường như vậy, theo tôi thì điều ông ta tự xưng, tự tuyên bố thật là buồn cười. Tự dưng ông ta nói cứ như là cả thế giới Hồi giáo với một tỉ rưỡi người đã bầu ông ta lên, và bây giờ phải tuân theo mệnh lệnh và chỉ thị của ông ta."
Các lực lượng người Kurd ở Iraq đã đẩy lui các phiến quân Nhà nước Hồi giáo và tiếp tục giao tranh để giành quyền kiểm soát thị trấn Kobani ở Syria. Nhưng các lực lượng của chính phủ Iraq không tiến được nhiều, và có tin nói rằng phe nổi dậy Syria bị tổn thất. Điều này làm nhiều người tỏ ý nghi ngờ đối với mục tiêu của liên minh chống Nhà nước Hồi giáo là không đưa bộ binh vào chiến trường.
Phát ngôn viên Psaki nói rằng các tin tức về việc nhóm cực đoan này hành quyết thêm thường dân ở tỉnh Anbar của Iraq cho thấy các nỗ lực của liên minh đang trở nên cấp thiết hơn.
"Các thông tin này này một lần nữa cho thấy Nhà nước Hồi giáo không đại diện cho bất cứ cái gì ngoài ý thức hệ sai lầm của chúng, và cung cấp thêm cho chúng ta những bằng chứng, nếu cần đến, để cho thấy tại sao các đối tác trong liên minh của chúng ta, trong đó có những người Iraq của mọi phe phái, phải hợp sức với nhau để đánh bại các phần tử khủng bố này."
Nhà phân tích Nora Bensahel của Trung tâm cho một nền an ninh mới của Mỹ nói rằng ISIS càng chiếm được nhiều lãnh thổ chừng nào, thì họ càng dễ gặp phải những sự kháng cự của dân chúng nhiều chừng nấy.
"Vấn đề của ISIS hiện nay là họ phải cai trị. Họ phải cai trị tại những nơi công khai, những nơi mà mọi người có thể thấy được những việc làm của họ. Họ ngày càng áp bức và tàn bạo. Những gì mà chúng ta từng chứng kiến hồi giữa thập niên 2000 trong cuộc chiến tranh Iraq là người Sunni không muốn sống dưới sự cai trị của chủ nghĩa cực đoan của nhóm al-Qaida ở Iraq. Và chủ trương của Nhà nước Hồi giáo thậm chí còn cực đoan hơn."
Cuộc nói chuyện của Ngoại trưởng Kerry với các đại sứ của các nước liên minh diễn ra tiếp theo sau cuộc họp hồi tháng trước của Tổng thống Obama với bộ trưởng quốc phòng của các nước liên minh. Tại cuộc họp đó nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng đây sẽ là một chiến dịch trường kỳ, trong đó sẽ có những lúc tiến và những lúc lùi.