Quốc vương Qatar Sheik Tamim Bin Hamad al-Thani sắp đi thăm Anh Quốc giữa lúc có những tố cáo cho rằng nước ông tài trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Các giới chức Qatar phủ nhận những mối liên hệ với các tổ chức cực đoan và nói rằng họ đang làm việc chung với các nước Tây phương để hậu thuẫn cho các nhóm đối lập có lập trường ôn hòa ở Syria.
Nhóm hiếu chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo có những loại vũ khí tiên tiến và những tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la.
Các nhà phân tích nói rằng một phần của số tài sản đó là do nhóm hiếu chiến này cướp đoạt ở Iraq và Syria, nhưng một số nước vùng Vịnh Ba Tư cũng đã hỗ trợ cho các phần tử Hồi giáo cực đoan. Qatar bị tố cáo là có liên hệ với Mặt trận al-Nusra, một tổ chức có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaida.
Bà Jane Kinninmont, một nhà phân tích của viện nghiên cứu chính sách Chatham House ở London cho biết như sau.
"Những tố giác đó phần nhiều là do suy đoán. Vì bản chất của những hoạt động này nên không có nhiều chi tiết được tiết lộ công khai. Nhưng rõ ràng là có rất nhiều những mối lo ngại về hoạt động tài trợ của những cá nhân ở Qatar, cũng như ở Kuwait và Ả rập Xê-út."
Trong chuyến viếng thăm Berlin hồi tháng trước, nhà vua của Qatar đã cực lực phủ nhận những mối liên hệ với các tổ chức cực đoan.
"Qatar dứt khoát không hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố hay các tổ chức cực đoan, bất kể là ở Syria hay ở Iraq."
Một ngày trước khi Quốc vương al-Thani đến thăm London, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã phổ biến một đoạn video chiếu cảnh ông John Cantlie, một người Anh bị bắt làm con tin, bị buộc phải giả làm phóng viên truyền hình tại thành phố Kobani đang bị vây hãm.
Ông Michael Stephens, một nhà nghiên cứu của Viện Royal United Services ở Anh Quốc, cho biết sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo đã làm cho Qatar và các nước khác ở vùng Vịnh phải suy xét lại.
"Tôi nghĩ rằng có một sự suy xét lại đang diễn ra ở vùng Vịnh liên quan tới những nhóm mà họ đã tài trợ và làm thế nào mà sự tài trợ đó dẫn tới sự thành lập của Nhà nước Hồi giáo."
Theo bà Kinninmont, có phần chắc là những chiến binh có lập trường ôn hòa từng được Qatar và các nước Hồi giáo Sunni khác hỗ trợ đã trở thành những phần tử quá khích trong thời gian đó.
"Một khi nhân lực, tiền của và vũ khí được đưa vào một cuộc nội chiến phức tạp và đã diễn ra trong nhiều năm như vậy, thì một bộ phận của khối người đó có thể trở nên khác đi, chứ không còn giống như những người mà chúng ta thấy vào lúc ban dầu."
Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đã cam kết trấn áp những mạng lưới tài chánh hỗ trợ cho các nhóm cực đoan như nhóm Nhà nước Hồi giáo. Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Jack Lew phát biểu như sau.
"Nước Mỹ chúng tôi có quyết tâm làm việc chung với tất cả các nước đồng minh trong khu vực -- không chỉ trong lãnh vực quân sự, mà cả trong lãnh vực tài chánh, để bảo đảm là những nguồn lực này không tiếp tục chảy vào đó nữa."
Một số nước vùng Vịnh, trong đó có Qatar, đã cùng với Hoa Kỳ thực hiện những vụ không kích nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo. Nhà phân tích Stephens nhận định như sau về diễn tiến này.
"Qua những hoạt động của liên minh này chúng ta thấy có sự khựng lại của những lời lẽ kịch liệt giữa Tây phương với Trung Đông về vấn đề ai đã tài trợ cho ai."
Theo lịch trình đã được ấn định, Quốc vương al-Thani sẽ hội kiến Nữ hoàng Elizabeth và sẽ họp với Thủ tướng David Cameron tại London.
Qatar đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào nước Anh, đặc biệt là những dự án địa ốc tại các khu vực đắt tiền ở London. Các nhà phân tích nói rằng những mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận.