Văn phòng Bài trừ Ma tuý và Tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) cho biết sản lượng nha phiến của Myanmar tiếp tục không sút giảm trong thẩm định mới nhất của cơ quan này. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, các giới chức Liên Hiệp Quốc nói rằng bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ dân chủ vừa giành được thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar, đã xem xét tới những chính sách nhằm giảm thiểu sản lượng nha phiến nhưng đang đối mặt với những thách thức lớn.
Cuộc nghiên cứu mới nhất của UNODC về nha phiến ở Myanmar và Lào, được công bố hôm 15/12, cho thấy nghèo đói và xung đột tiếp tục là lực đẩy của việc trồng cây thẩu trong khu vực sản xuất nha phiến nhiều hàng thứ nhì thế giới, sau Afghanistan.
UNODC cho biết tuy sản lượng nha phiến nói chung đã ổn định trong những năm gần đây, sản lượng vẫn cao hơn gấp ba con số của năm 2006. Và 90% hoạt động sản xuất nha phiến ở Đông Nam Á tập trung ở Myanmar, nhất là tại tiểu bang Shan ở miền bắc.
Ông Jerry Douglas, đại diện UNODC ở Đông Nam Á, cho rằng yếu tố kinh tế tiếp tục nắm giữ vai trò quan trọng.
Ông Douglas nói: "Việc này thật sự được thúc đẩy bởi các lý do kinh tế. Qua các cuộc khảo sát kinh tế-xã hội, chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy hai lực đẩy là một nguồn thu nhập cao hơn và nghèo đói. Nguồn thu nhập cao hơn khi họ không có nguồn thu nhập và nghèo đói. Họ không thể kiếm sống nếu làm chuyện khác và họ phải nuôi gia đình. Họ phải trồng cây thẩu để kiếm tiền nuôi sống gia đình."
Tại Lào, cuộc khảo sát cho thấy vùng trồng cây thẩu phần lớn là ở tỉnh Phongsali ở miền bắc với diện tích chưa tới 6.000 héc ta. Sản lượng nha phiến ở Myanmar và Lào chiếm 25% sản lượng thế giới và đa số phần còn lại được sản xuất ở Afghanistan.
Tại Myanmar, ông Douglas cho biết chính phủ sắp lên nắm quyền của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi đã tìm cách giải quyết vấn đề sản xuất và buôn lậu thuốc phiện. Tháng 9 vừa qua, bà Suu Kyi đã đi thăm tiểu bang Shan và tuyên bố bài trừ ma tuý là một trong các ưu tiên chính sách.
Theo ông Douglas, Myanmar tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các cơ quan chính về chính sách bài trừ ma tuý tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của quân đội có nhiều thế lực.
Ông Douglas cho biết: "Bà Suu Kyi sẽ đối mặt với những thách thức và tôi nghĩ rằng những người thuộc phe cải cách trong chính phủ phải xem xét tới việc để cho bà Suu Kyi tham gia công tác cải cách ngành cảnh sát và sửa đổi những cơ quan khác trong chính phủ phụ trách công tác bài trừ ma tuý."
Theo ước tính, thị trường thuốc phiện trong khu vực, phần lớn là để thỏa mãn nhu cầu ở Trung Quốc và Hồng Kông, trị giá khoảng 20 tỉ đô la.
Ông Douglas cho biết trong lúc Liên Hiệp Quốc và nhiều nước khác tìm kiếm những nguồn thu nhập thay thế để nông dân không tiếp tục trồng cây thẩu, những thách thức mới đã xuất hiện, nhất là loại thuốc kích thích methamphetamine và những loại ma tuý tổng hợp khác.