Đường dẫn truy cập

Cuộc chuyển quyền ở Myanmar có tiến bộ


Lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi và một thành viên quốc hội của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc, rời cuộc họp thường kỳ của Hạ viện Quốc hội tại Naypyitaw, Myanmar. (Ảnh tư liệu ngày 3/12/2015)
Lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi và một thành viên quốc hội của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc, rời cuộc họp thường kỳ của Hạ viện Quốc hội tại Naypyitaw, Myanmar. (Ảnh tư liệu ngày 3/12/2015)

Cuộc chuyển giao quyền lực chính trị ở Myanmar đã có thêm một tiến bộ hồi tuần trước, khi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi gặp gỡ cựu lãnh tụ độc tài Than Shwe. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, các nhà phân tích cho rằng có một sự cân bằng quyền lực mong manh ở Myanmar giữa phe quân đội vẫn còn nhiều ảnh hưởng với sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng dành cho bà Aung San Suu Kyi.

Những chi tiết về cuộc họp bí mật hôm 4/12 giữa Tướng Than Shwe với bà Aung San Suu Kyi đã được cháu nội ông -- là Nay Shwe Thway Aung, tiết lộ trên Facebook.

Thway Aung cho biết Tướng Than Shwe nói rằng sự thật là bà Suu Kyi sẽ trở thành nhà lãnh đạo tương lai của Myanmar và ông ủng hộ bà “với tất cả những nỗ lực của mình.”

Ông Aung Zaw, chủ biên nhật báo Irrawaddy, cho rằng cuộc họp này nêu bật thắng lợi bầu cử của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Suu Kyi và sự thay đổi to lớn trong lãnh vực chính trị đang diễn ra ở Myanmar.

Ông Zaw nói: “Chế độ cũ và các nhà lãnh đạo chính phủ hiểu rõ là thời thế đã bắt đầu thay đổi. Sự biến chuyển hết sức to lớn trong môi trường chính trị sẽ diễn ra vào năm tới với việc Liên minh Dân chủ lên nắm quyền. Cho nên tôi nghĩ rằng họ muốn tìm kiếm những sự bảo đảm cũng như những cam kết hoà giải nào đó.”

Cuộc họp tuần trước là cuộc họp lần thứ tư giữa hai nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất ở Myanmar trong vòng nhiều thập niên, từ khi rối loạn chính trị bùng ra vào thập niên 1990, khi bà Suu Kyi dẫn đầu những cuộc biểu tình chống lại tập đoàn quân nhân trong lúc bà thường xuyên bị giam lỏng theo lệnh của Tướng Than Shwe.

Các nhà phân tích cho biết cuộc họp này được giàn xếp qua trung gian của Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann cùng với một số nhà tài phiệt có liên hệ chặt chẽ với tập đoàn quân nhân.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein. Theo hiến pháp hiện hành, do phe quân đội soạn thảo năm 2008, bà Suu Kyi không được giữ chức tổng thống vì hai người con của bà có quốc tịch Anh.
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein. Theo hiến pháp hiện hành, do phe quân đội soạn thảo năm 2008, bà Suu Kyi không được giữ chức tổng thống vì hai người con của bà có quốc tịch Anh.

Mặc dầu vậy, các chuyên gia về tình hình Miến Điện cũng nói rằng sự hậu thuẫn của ông Than Shwe dành cho bà Suu Kyu vẫn chưa giải đáp được thắc mắc là phải chăng cựu lãnh tụ độc tài này tán thành việc sửa đổi hiến pháp để bà Suu Kyi có thể giữ chức tổng thống. Theo hiến pháp hiện hành, do phe quân đội soạn thảo năm 2008, bà Suu Kyi không được giữ chức tổng thống vì hai người con của bà có quốc tịch Anh.

Bà Khin Ohmar, điều hợp viên của Diễn đàn Dân chủ Miến Điện, cho biết sửa đổi hiến pháp tiếp tục là tâm điểm của cương lĩnh chính trị của Liên minh Dân chủ. Bà nói rằng người dân đang chú tâm theo dõi sự chuyển đổi quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Bà Ohmar phát biểu: “Dân chúng hiện nay rất cẩn thận. Chúng tôi ai nấy đều muốn bà Suu Kyi sử dụng toàn bộ kỹ năng thương thuyết của bà vào thời điểm này. Nhưng đồng thời, đây cũng chính là lúc rất đáng sợ. Sẽ phải làm sao nếu cựu lãnh tụ độc tài này đã định sẵn những điều kiện thoả hiệp tới mức tối đa mà ông ấy sẽ thương lượng? Cho nên nếu cuộc điều đình chấm dứt ở điểm không có sửa đổi hiến pháp, thì đó sẽ là một sự khó khăn lớn cho Liên minh Dân chủ Toàn quốc.

Bà Khin Omar cho rằng Tướng Than Shwe đã chứng tỏ ông ấy là một chiến lược gia tài ba qua cuộc gặp gỡ với bà Suu Kyi, vì điều này đánh đi một thông điệp là viên tướng này vẫn tiếp tục là một nhân vật có nhiều ảnh hưởng trên chính trường.”

Bà Aung San Suu Kyi rời cuộc họp ở Hạ viện Quốc hội Myanmar ngày 1/12/2015.
Bà Aung San Suu Kyi rời cuộc họp ở Hạ viện Quốc hội Myanmar ngày 1/12/2015.

Tuy nhiên, theo ông Bo Kyi, một cựu tù nhân chính trị, rất nhiều người tin tưởng vào những nỗ lực của bà Suu Kyi để đưa đất nước tiến lên, bất chấp ảnh hưởng của phe quân đội.

Ông Kyi cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả tốt nhất. Bởi vì nếu các nhà lãnh đạo quân đội thật sự lắng nghe sự chọn lựa của người dân, những ý nguyện của người dân, họ cần phải thương lượng với bà Aung San Suu Kyi để bà trở thành tổng thống của Miến Điện. Họ cũng phải hợp tác với tân chính phủ và thực thi chế độ pháp trị. Họ cần phải giúp bà Aung San Suu Kyi.”

Sau khi họp với Tướng Than Shwe, bà Suu Kyi đã kêu gọi các đảng viên của Liên minh Dân chủ làm việc chung với quân đội và những người thuộc chế độ cũ. Bà nói tha thứ là một bước cần thiết để đạt được mục tiêu hoà giải dân tộc.

Liên minh Dân chủ sẽ lên nắm quyền khi tân quốc hội bắt đầu nhóm họp vào hạ tuần tháng Giêng tới đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG