Nga cấm một NGO tí hon có trụ sở tại Mỹ vì ‘phá hoại’ đường ống dẫn khí khổng lồ

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên một ống dẫn trong buổi lễ đánh dấu việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Power of Siberia" nối Nga và Trung Quốc tại làng Us Khatyn ở vùng Yakutsk Nga, ngày 1/9/2014.

Nga ngày 5/7 cáo buộc một tổ chức từ thiện nhỏ có trụ sở tại Hoa Kỳ “phá hoại” việc xây dựng một đường ống dẫn khí khổng lồ đến Trung Quốc và cấm tổ chức này vì xem đó như là một “tổ chức không mong muốn”.

Bà Jennifer Castner, giám đốc Dự án Altai, mô tả lời buộc tội là vô lý nhưng cho biết đó chỉ là vấn đề thời gian. Động thái này diễn ra sau các biện pháp kiểm soát đối với nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Nga, bao gồm lệnh cấm tương tự vào tháng trước đối với chi nhánh địa phương của tổ chức môi trường Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF.

Văn phòng tổng công tố Nga cho biết, trong khi tuyên bố ủng hộ bảo tồn thiên nhiên, Dự án Altai đang can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và có thể gây tổn hại đến an ninh kinh tế của nước này.

“Hướng chính trong công việc của tổ chức là phá hoại việc xây dựng đường ống dẫn khí Power of Siberia-2,” văn phòng nói.

Đường ống được lên kế hoạch nhằm vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm từ Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ.

Moscow đưa ra ý tưởng này từ nhiều năm trước, nhưng nó đã trở nên cấp bách kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và chuyển hướng sang Trung Quốc để thay thế châu Âu trở thành khách hàng khí đốt lớn của mình.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa ký kết thỏa thuận.

Dự án của bà Castner đã hỗ trợ các chiến dịch địa phương từ năm 2009 đến 2015, trang web của dự án cho biết, để định hướng lại đường ống khỏi Altai, một vùng núi ở miền nam Siberia.

Nhưng bà Castner nói dự án đã không vận động về vấn đề này trong những năm gần đây vì tuyến đường theo kế hoạch không còn đi qua khu vực này nữa.

Trọng tâm của tổ chức phi chính phủ là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, động vật hoang dã và văn hóa của vùng Greater Altai, bao gồm một phần của Mông Cổ, Kazakhstan và Trung Quốc. Các dự án của Altai bao gồm bảo tồn báo tuyết và các loài chim săn mồi quý hiếm.

Bà Castner nói bà là nhân viên toàn thời gian duy nhất và tổ chức từ thiện có quỹ khiêm tốn - trong hai thập kỷ qua, tổ chức này đã giải ngân hơn 1 triệu đô la cho khu vực.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chúng tôi chỉ đơn giản là hỗ trợ các cộng đồng lãnh đạo hoạt động môi trường của riêng họ và bảo vệ nền văn hóa của chính họ.”

Bà cho biết cuộc điện thoại từ Reuters là lần đầu tiên bà nghe nói về lệnh cấm và những cáo buộc chống lại tổ chức phi chính phủ của bà.

“Tất nhiên là vô lý, nhưng nó vô lý theo một cách khủng khiếp, tai hại và xấu xa,” bà Castner nói. “Tất cả những gì họ đang làm là gây tổn hại đến di sản văn hóa và thiên nhiên của chính họ.”