Thượng viện Mỹ đã đồng lòng bác bỏ đề xuất Tổng thống Nga Putin đưa ra với ông Trump là để cho Nga thẩm vấn công dân Mỹ, AP đưa tin.
Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 98-0 để thông qua nghị quyết không ràng buộc phản đối đề xuất này sau khi Tổng thống Trump lùi bước.
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin ở Helsinki hôm 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất với ông Trump là sẽ cho phép Mỹ xét hỏi 12 công dân Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 nhưng đổi lại Mỹ phải cho phép Nga thẩm vấn những công dân Mỹ bị Điện Kremlin cáo buộc về những tội danh không rõ ràng.
Trong cuộc họp báo chung sau đó, Tổng thống Trump đã gọi đó là ‘đề xuất tuyệt vời’ và do đó ông đã bị cả hai Đảng lên án ở trong nước.
Động thái này của Thượng viện diễn ra sau khi Nhà Trắng lên tiếng cho biết ông Trump ‘không đồng ý’ với đề xuất này.
Hôm thứ Năm ngày 19/7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết đề xuất được ông Putin ‘đưa ra với sự chân thành’ nhưng Tổng thống Trump ‘không đồng ý’.
Bà Sanders cũng nói rằng Mỹ hy vọng phía Nga sẽ đưa những người Mỹ bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố về tội can thiệp bầu cử đến Mỹ ‘để chứng minh sự vô tội hay có tội của họ’.
Tuy nhiên, mới trước đó một ngày, Nhà Trắng cho biết họ đang nghiên cứu đề xuất này mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã gọi những cáo buộc của phía Nga nhằm vào công dân Mỹ là ‘phi lý’. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 19/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói là ‘sẽ không có chuyện đó đâu’.
“Chính quyền Mỹ sẽ không đưa hay buộc người Mỹ đến Nga để bị Vladimir Putin và chính quyền của ông ta thẩm vấn,” ông Pompeo nói.
Những cá nhân bị phía Nga cáo buộc bao gồm cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul bị buộc tội lừa đảo và tham nhũng. Phe Cộng hòa ở Quốc hội đã chỉ trích việc Nhà Trắng nghiên cứu đề xuất này, trong khi ông McFaul đã gọi đó là ‘yêu cầu nực cười của Putin’.
Trong một diễn biến khác, ông Trump đã phản công lại những lời chỉ trích cuộc gặp thượng đỉnh của ông với ông Putin. Tổng thống Trump chỉ trích truyền thông là khơi dây sự đối đầu với Nga mà có thể dẫn đến chiến tranh mặc dù những quan ngại về cuộc gặp giữa ông với ông Putin đã được nêu lên rộng rãi trong cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
“Họp thượng đỉnh với Nga là một thành công to lớn, ngoại trừ đối với kẻ thù thật sự của nhân dân – truyền thông đưa tin giả,” ông viết trên Twitter và cáo buộc truyền thông không thích ông có quan hệ tốt đẹp với ông Putin.
Cũng trên Twitter, ông Trump đã nêu lên danh sách các chủ đề được thảo luận tại cuộc gặp thượng đỉnh, trong đó có khủng bố, an ninh cho Israel, hòa bình Trung Đông, Ukraine, Bắc Triều Tiên và nhiều vấn đề khác nữa.
“Có rất nhiều câu trả lời cho những vấn đề này, một số thì dễ dàng, một số thì khó khăn… nhưng chúng đều có thể được giải quyết,” ông viết.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham, một người ủng hộ ông Trump nhiệt thành, thừa nhận rằng ông Trump đến cuộc gặp với Putin mà không có sự chuẩn bị kỹ và rằng điều rất quan trọng là ông Trump nên hiểu rằng ông đang đánh giá sai ông Putin.
Ông Graham cũng nói rằng ông Trump ‘không làm cho mọi chuyện trở nên tốt hơn mà làm cho chúng trở nên tệ hơn’.
Về phần mình, trong phát biểu đầu tiên kể từ cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Putin đã nói với các nhà ngoại giao Nga rằng quan hệ Nga-Mỹ ‘ở một số khía cạnh còn tồi tệ hơn dưới thời Chiến tranh Lạnh’ và rằng cuộc gặp của ông với ông Trump đã cho phép hai nước ‘hướng đến những thay đổi tích cực’.
Ông cũng cáo buộc những thế lực ở Mỹ mà ông không nêu đích danh là ‘tìm cách ngăn cản hai nước cải thiện quan hệ’ và ‘đặt lợi ích đảng phái nhỏ hẹp lên trên lợi ích quốc gia’.
Ông Trump cũng đã thể hiện giọng điệu cứng rắn hơn đối với Nga. Phát biểu trên đài CBS, ông cho biết ông đã nói thẳng vào mặt ông Putin là ‘hãy tránh xa các cuộc bầu cử của Mỹ’.
Giọng điệu này thể hiện sự quay ngoắt của ông Trump đối với lập trường ban đầu của ông khi ông nói ‘Không’ trước câu hỏi Nga có can thiệp vào bầu cử Mỹ hay không. Phát biểu của ông đã khiến Nhà Trắng phải tìm cách chữa cháy khi nói rằng ông Trump nói vậy nhưng ý không phải như vậy.