Nạn nhân trái phiếu SCB: ‘Đừng để bà Lan chết, hãy để bà đền bù’

Các nạn nhân trái phiếu SCB đã đi đòi tiền ở các chi nhánh SCB ròng rã trong gần hai năm qua

Các nạn nhân bị lừa đảo trái phiếu ở ngân hàng SCB bày tỏ với VOA mong muốn sớm được trả lại tiền và bà Trương Mỹ Lan được sống để đền bù cho họ, đồng thời cũng lo ngại về khả năng không được đền bù sau khi phiên tòa xét xử bà Lan rút ruột SCB vừa diễn ra xong.

Tại phiên tòa này, bà Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hôm 11/4 đã bị tuyên án tử hình - mức án tổng hợp cho ba tội là ‘Tham ô’, ‘Vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng’ và ‘Đưa hối lộ’ và bị buộc phải đền bù 673.000 tỷ đồng cho SCB.

Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn 1 trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan. Giai đoạn 2 sẽ xét xử bà Lan về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ do thông qua SCB phát hành trái phiếu rác để chiếm đoạt gần 30.000 tỷ đồng của hơn 42.000 nạn nhân khắp cả nước.

‘Mong bà Lan được sống’

Trao đổi với VOA, các nạn nhân trái phiếu của bà Lan đều nói họ mong bà Lan sẽ không bị tử hình để còn có thể đền tiền cho họ.

“Nếu như chúng tôi là nạn nhân của bà Lan, chúng tôi không mong muốn bà Lan phải chết gì cả. Chúng tôi muốn bà Lan sống để trả lại tiền cho chúng tôi,” ông Tăng Hữu Tranh, một người về hưu ở Quận Ba Đình, Hà Nội, nói với VOA.

Ông Tranh cho biết cách nay vài tuần, các nạn nhân trái phiếu SCB từ khắp các tỉnh thành đã kéo về Hà Nội và tập trung trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước đòi bồi thường.

Theo tìm hiểu của VOA, từ khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt hồi tháng 10 năm 2022, hàng ngàn nạn nhân trái phiếu đã xuống đường ròng rã để đòi quyền lợi. Họ đến các trụ sở và chi nhánh SCB để đòi tiền cũng như đến các cơ quan công quyền để thưa kiện SCB. Một số nạn nhân còn đến xem phiên tòa xét xử bà Lan vừa qua mặc dù chưa liên quan đến họ.

“Nếu Bộ Công an đã xác định chúng tôi là nạn nhân bị lừa đảo thì khi xét xử giai đoạn 2, Nhà nước cần yêu cầu bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phải có trách nhiệm bồi thường cho chúng tôi,” ông kiến nghị và cho rằng các nạn nhân cần phải được hoàn trả đầy đủ số tiền gốc lẫn lãi cùng với bồi thường ‘thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần’ khi họ lâm vào cảnh ‘sống dở chết dở gần 2 năm qua’.

Ông Tranh có 5 hợp đồng mua trái phiếu do các công ty con của Vạn Thịnh Phát phát hành với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng, theo lời ông, và đó là tiền mà ông đã làm lụng và tích cóp cả đời.

Một nạn nhân khác là anh Trần Gia An, sống tại Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, vốn đã bị SCB chi nhánh Thủ Đức thuyết phục mua 800 triệu trái phiếu An Đông, cũng nói là ‘không nên tử hình bà Trương Mỹ Lan’.

“Tôi có theo dõi phiên tòa xét xử bà Lan thông qua báo chí. Mức án tử hình cho bà Lan là hợp lý với những gì bà ta đã gây ra. Tuy nhiên nên để bà ta sống sẽ có ích trong việc khắc phục hậu quả hơn,” anh An nói.

Khi được hỏi về hy vọng vào phiên tòa xử vụ trái phiếu sắp tới, anh An nói rằng anh và gia đình ‘không mong gì hơn là tòa án sẽ tuyên bố SCB trả lại tiền trái phiếu cho những nạn nhân bị bà Lan và ngân hàng cấu kết lừa gạt’.

‘Thủ phạm là SCB’

Cả hai nạn nhân này đều nói với VOA rằng thủ phạm phải trả tiền cho họ ‘là ngân hàng SCB chứ không phải bà Trương Mỹ Lan hay tập đoàn Vạn Thịnh Phát’.

“Dĩ nhiên là SCB. Chúng tôi không tới Vạn Thịnh Phát hay An Đông gửi tiền, chúng tôi đưa tiền cho SCB và bị SCB lừa gạt, điều chắc chắn là chúng tôi muốn nhận lại tiền từ SCB,” anh An trả lời câu hỏi của VOA là muốn ai đền tiền cho mình.

Hồi cuối năm 2022, SCB ra thông cáo nói rằng ngân hàng này “luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến” của khách hàng và bày tỏ mong muốn rằng họ “hợp tác” với SCB để “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo đúng quy trình và quy định của pháp luật, góp gần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội”.

Về phần mình, ông Tranh trả lời câu hỏi này như sau: “Chúng tôi không biết bà Lan là ai. Bây giờ ngân hàng SCB trực tiếp nhận tiền của chúng tôi thì phải trả tiền cho chúng tôi. Nếu mà SCB không trả được thì Nhà nước phải đứng ra bồi thường vì Nhà nước đẻ ra ngân hàng SCB.”

Ông cũng phản bác việc các nạn nhân bị gọi là ‘nhà đầu tư’ hay ‘trái chủ’ với hàm ý ‘tự mua tự chịu’.

“Thực ra chúng tôi không phải là nhà đầu tư. Chúng tôi không hề đi mua trái phiếu. Chúng tôi chỉ đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng SCB và chúng tôi bị rơi vào cái bẫy có chủ đích,” ông Tranh giải thích.

Hồi cuối năm ngoái, Bộ Công an đã kêu gọi những ai đã mua trái phiếu ở SCB ra khai báo thiệt hại để có cơ sở đền bù sau này. Theo quan sát của VOA, khi đó chính quyền ghi nhận những người sở hữu trái phiếu là ‘bị hại’.

Tuy nhiên, theo lời kể của ông Tranh thì mẫu đơn mà ông được công an yêu cầu điền vào lại ghi ông là ‘nhà đầu tư trái phiếu trực tiếp đến Vạn Thịnh Phát’.

‘Nên ưu tiên nạn nhân trái phiếu trước’

Khi được hỏi có lo ngại bà Trương Mỹ Lan sẽ hết tiền đền bù cho các nạn nhân trái phiếu hay không khi mà bà đã bị Tòa yêu cầu đền 673.000 tỷ đồng cho SCB, ông Tranh nói: “Chúng tôi mong Nhà nước, đã là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì phải xác định người bị hại là người được trả tiền đầu tiên, trước hết.”

Theo lý giải của ông thì tổng thiệt hại của các nạn nhân trái phiếu, vào khoảng 1,2 tỷ đô la, là ‘không đáng kể so với số tài sản bất động và lưu động của bà Lan’. “Vấn đề là chính quyền có muốn giải quyết cho chúng tôi không thôi,” ông bày tỏ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bỏ ra tới 24 tỷ đô la cho SCB để cứu ngân hàng này khỏi sụp đổ sau khi bị bà Lan rút ruột, theo Reuters.

“Nói tóm lại phiên tòa vừa rồi mục đích Nhà nước là dùng SCB để thu hồi số tiền Nhà nước đã bỏ ra cho SCB. Chúng tôi yêu cầu SCB, ngân hàng đã chiếm đoạt tiền của chúng tôi, sau khi được Nhà nước thu hồi tiền thì phải trả lại tiền cho chúng tôi,” ông Tranh yêu cầu.

Còn anh Trần Gia An cũng mong ‘bà Lan trả tiền cho nạn nhân trái phiếu trước’và nói anh ‘khúc mắc không biết liệu tòa án có hợp nhất hai chuyện thành một hay không’. Nếu có thì ‘bà Lan đền cho SCB thì cũng chính là đền cho nạn nhân trái phiếu’, anh nói.

“Lo lắng là chuyện tất nhiên, nhưng tôi mong chờ chính phủ sẽ hỗ trợ nạn nhân trong lần này hơn là mong chờ bà Lan trả đủ tiền,” anh nói khi trả lời câu hỏi về khả năng đền bù của bà Lan.

“Sai phạm lần này một phần lớn cũng do sự kiểm soát không tốt của Nhà nước, đặc biệt là ở khâu thanh tra có tham nhũng,” anh nói thêm, ý nhắc đến việc các cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đã được bà Lan hối lộ để ém nhẹm những hành vi sai trái của SCB.

Trong bản án được tuyên hôm 11/4, Tòa tuyên bố khối tài sản khổng lồ của bà Lan sẽ tiếp tục bị kê biên không chỉ để khắc phục thiệt hại cho SCB mà còn đền bù cho các nạn nhân trái phiếu trong giai đoạn 2 theo hướng ‘ưu tiên cho các bị hại trong vụ trái phiếu’, theo tường thuật của tờ Pháp Luật.

Hy vọng vào phiên tòa

Tuy nhiên, ông Tăng Hữu Tranh nói khi theo dõi diễn biến các vụ án bà Trương Mỹ Lan, ông thấy hy vọng lấy lại được tiền là ‘mong manh’.

“Người ta đã cố tình chiếm đoạt tiền của chúng tôi. Họ làm có kịch bản, có sự bao che của quan chức, còn chúng tôi chỉ là dân đen thì có hy vọng gì nữa,” ông bày tỏ.

Cũng giống như anh An, ông Tranh nói ‘Nhà nước cũng có trách nhiệm’ trong vụ bà Trương Mỹ Lan lừa đảo người dân.

“Ngân hàng SCB đã được Ngân hàng Nhà nước cho hoạt động và đã được đánh giá là ngân hàng tốt. Nhà nước đã cho kiểm tra, giám sát đầy đủ thì làm sao chúng tôi không tin tưởng SCB được?” ông lập luận

Ông nói thêm rằng Nhà nước Việt Nam vốn được cho là ‘của dân, do dân, vì dân’ thì ‘phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người dân’ chứ ‘hàng ngàn người dân ai cũng muốn có cuộc sống an ổn, chả ai muốn phải xuống đường đòi quyền lợi, đòi tài sản của mình như thế’.

Ông bày tỏ lo ngại các nạn nhân nếu có được đền tiền thì hoặc là ‘chúng tôi không còn sống’, hoặc là ‘đồng tiền mất giá’, hoặc là ‘số tiền đến tay nạn nhân cũng bị trừ này trừ nọ theo các ưu tiên do luật định’. Ông cho biết một số nạn nhân đã qua đời trong hai năm qua mà vẫn chưa lấy lại được tiền.

Khi được hỏi về kịch bản các nạn nhân không được đền đồng nào, ông Tranh nói hơn 42.000 nạn nhân khắp cả nước sẽ ‘tức nước vỡ bờ’.

“Tại sao một Nhà nước vì dân mà để cho một ngân hàng trắng trợn lừa gạt tiền của hàng chục ngàn người dân như thế? Đã lừa mà không đền bù thì còn gì là công lý nữa,” ông bức xúc.

Anh Ngô Gia An thì tin rằng ‘không có lí do gì nạn nhân trái phiếu sẽ không lấy lại được tiền’.

“Tại vì nếu lần này hàng chục ngàn người mất tiền thì tôi không biết chắc sẽ xảy ra những bất ổn gì. Trước hết niềm tin vào hệ thống ngân hàng sẽ suy giảm mạnh và uy tín tài chính Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng,” anh lý giải.

“Nhà nước nên sớm trả tiền để ổn định lòng dân cũng như lấy lại uy tín cho SCB để SCB có thể hoạt động bình thường,” anh nói thêm.