Đường dẫn truy cập

Luật sư: ‘Ít có khả năng bà Trương Mỹ Lan sẽ bị tử hình’


Bà Trương Mỹ Lan còn phải đối mặt một phiên tòa khác liên quan đến phát hành trái phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7
Bà Trương Mỹ Lan còn phải đối mặt một phiên tòa khác liên quan đến phát hành trái phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7

Án tử hình dành cho bà Trương Mỹ Lan là nhằm để xoa dịu người dân và cũng để gửi đi thông điệp răn đe đối với các tội phạm kinh tế nghiêm trọng nhưng khả năng bà Lan bị thi hành án là ‘thấp’ vì chính quyền Việt Nam cần thu hồi tài sản thiệt hại, các luật sư nhận định với VOA.

Hôm 11/4, sau hơn một tháng xét xử, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình – mức án tổng hợp cho ba tội danh là ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’.

Ngoài ra, bà Lan và các đồng phạm có trách nhiệm hình sự phải bồi thường 498.000 tỷ đồng, tức gần 20 tỷ đô la cho ngân hàng SCB. Tuy nhiên, nếu tính theo trách nhiệm dân sự thì số tiền bà Lan phải bồi thường là hơn 673.800 tỷ đồng, tương đương 27 tỷ đô la theo thời giá hiện nay, theo nội dung bản án được báo chí trong nước dẫn lại.

Tòa lập luận rằng bà Lan phạm tội ‘một cách tinh vi’, ‘có tổ chức’, ‘trong thời gian dài’, ‘với vai trò người cầm đầu’ và ‘gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng’ nên đáng nhận mức án tử hình.

Vụ án Trương Mỹ Lan rút ruột ngân hàng SCB là vụ án kinh tế có hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước bà Lan, vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông Tăng Minh Phụng đã nhận án tử hình và bị thi hành án về tội lừa đảo trong đại án kinh tế Minh Phụng-EPCO gây chấn động một thời.

Khả năng tử hình

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng Mỹ gốc Việt, nhìn nhận rằng bà Lan ‘đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-tài chính’ mà ông cho là ‘vô tiền khoáng hậu’.

Tuy nhiên, ông Hiếu lập luận thiệt hại tài chính ‘không xâm phạm đến tính mạng con người’ nên không nhất thiết phải tử hình.

“Về nguyên tắc tôi không bao giờ đồng ý với án tử hình vì Nhà nước không ban cho người ta sự sống, bởi vậy Nhà nước cũng không có quyền lấy đi sự sống của con người,” ông Hiếu bày tỏ.

Theo lời ông nếu bà Lan phạm tội nặng đến mức cần loại bỏ ra khỏi xã hội và thì việc cầm tù bà mãi mãi bằng bản án chung thân ‘đã là cao nhất’.

Nhận định về hậu quả bà Lan gây ra cho xã hội, Tiến sỹ Hiếu cho rằng những người dân gửi tiền vào SCB là nạn nhân của hành vi của bà Trương Mỹ Lan, nhưng số tiền gửi của họ được Công ty bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia đảm bảo ở mức độ nhất định nên họ không sợ bị mất tiền.

“Mức độ thiệt hại như thế nào thì còn phải định lượng. Chẳng hạn như trong 100 đồng thì phần bà Lan gây thiệt hại cho người gửi tiền là bao nhiêu,” ông phân tích.
Cũng từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn, giám đốc Công ty Luật Hà Sơn, cho biết 15 ngày sau khi tòa tuyên án bà Lan có quyền kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.

“Theo kinh nghiệm của tôi theo dõi các vụ án ở Việt Nam, nhất là các vụ án kinh tế, nhiều khi tòa sơ thẩm người ta tuyên như vậy nhưng đến phúc thẩm người ta thay đổi.”

Theo lời luật sư này do bà Lan còn liên quan nhiều đến SCB nên ‘người ta cần bà ấy sống để thu hồi tiền được bao nhiêu tốt bấy nhiêu’.

Ông dẫn ra một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Việt Nam quy định rằng trong các vụ án tham ô nếu bị cáo khắc phục được 3/4 thiệt hại thì không phải nhận hoàn toàn bản án. Ngoài ra, thời gian chờ đợi để thi hành án tử hình, theo ông Sơn, là rất lâu.

“Năm nay bà Lan cũng đã gần 70 tuổi rồi. Có khi chờ 20 năm chưa chắc đã thi hành án,” luật sư Sơn cho biết.

Khi được hỏi về lý do Tòa tuyên bà Lan mức án cao nhất, ông Sơn nói: “Thông điệp là Tòa sẽ rất nghiêm khắc đối với các tội phạm gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế.”

Ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến hiện đang sống ở Mỹ, cũng nhận định với VOA rằng Nhà nước Việt Nam ‘sẽ không tử hình bà Lan đâu’.

Ông dẫn ra ‘hàng loạt người đã từng bị tuyên tử hình nhưng có bị tử hình đâu’, điển hình như cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình hồi năm 2013 cũng về tội ‘Tham ô’ nhưng đến năm 2023 thì được giảm án xuống chung thân do đã khắc phục được hậu quả.

Luật sư Quân cho rằng trong các vụ án kinh tế-tài chính thì ‘tử hình có được lợi gì đâu’ và rằng vụ tử hình ông Tăng Minh Phụng là ‘sai lầm nghiêm trọng’ mà chính quyền Việt Nam đã rút kinh nghiệm nên ‘giờ đã đủ khôn’.

Tuy nhiên, ông cho rằng việc Tòa tuyên mức án cao nhất là cần thiết để ‘làm yên lòng dân’ và cũng để ‘còn có cái mà mặc cả với bà Lan để bà ấy đền bù’.

“Về mặt xã hội thì cần phải tuyên án như vậy vì dân chúng cần,” ông nói.

Tại sao xử tội tham ô?

Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng nếu như đúng cáo trạng do Viện kiểm sát đưa ra thì việc tuyên án tử hình bà Lan là ‘đúng người đúng tội’.

“Bà Lan lập ra các dự án khống để vay tiền của SCB, như vậy là ‘Vi phạm quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng’,” ông giải thích. “Còn việc bà ấy rút tiền của SCB ra để chi cho các mục đích của bà ấy thì đó là hành vi tham ô.”

Vị luật sư này cho rằng mặc dù bà Lan có nhiều đóng góp cho xã hội cũng như làm từ thiện nhiều nhưng đó không phải là cơ sở để bà được giảm án vì ‘số tiền bà ấy đóng góp chẳng là gì so với thiệt hại bà ấy gây ra’.

Mặc dù vẫn là hành vi rút ruột ngân hàng SCB, nhưng đối với việc làm của bà Lan từ năm 2018 trở về sau, bà lại bị định tội ‘Tham ô tài sản’ thay vì tội ‘Vi phạm quy định ngân hàng’ như cho hành vi của bà từ năm 2018 trở về trước bởi vì khi đó Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam đã có thêm quy định về tội ‘Tham ô’ cho các cá nhân không phải quan chức.

Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng về hành vi rút ruột ngân hàng, Viện kiểm sát hoàn toàn có thể chỉ cần định bà Lan một tội là ‘Vi phạm các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng’ với mức án tối đa là 20 năm tù. Nhưng bà Lan lại bị định thêm tội ‘Tham ô’ là ‘để bắt bà đền bù tài sản cho SCB’ và cũng để bà đối diện với mức án tử hình.

“Bởi vì tham ô tài sản là lấy tài sản của Nhà nước nên cần phải trả lại,” ông phân tích.

“Họ không nhấn mạnh về tội đưa hối lộ mặc dù tội đưa hối lộ cũng là đủ nặng rồi bởi vì họ muốn lấy lại tài sản nên mới quay sang tội tham ô,” ông giải thích.

Với tội ‘Đưa hối lộ’, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số tiền 5,2 triệu đô la để bà Nhàn bao che cho các sai phạm ở ngân hàng SCB.

Luật sư Quân cũng đặt vấn đề về những căn cứ xử bà Lan tội ‘Tham ô’. Ông cho rằng trên giấy tờ bà Lan chỉ sở hữu chưa tới 5% cổ phần của SCB nên bà ‘không thể có quyền hạn đối với ngân hàng SCB’ như cáo buộc.

“Tòa cần chứng minh là bà ấy có quyền hạn có thể thao túng, chỉ đạo, chi phối các lãnh đạo SCB. Cáo buộc bà ấy sở hữu đến 91,5% cổ phần chỉ là lời khai của người khác. Rõ ràng số cổ phần đó đứng tên người khác,” ông nói.

Theo cáo trạng thì bà Lan thông qua bạn bè, người thân đã thâu tóm số cổ phần gần như tuyệt đối của SCB, qua đó mặc dù không có chức vụ gì chính thức ở SCB nhưng bà là người nắm toàn quyền sắp xếp nhân sự, đường hướng cũng như hoạt động cho vay của ngân hàng này.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Quân, Tòa cũng cần chứng minh là bà Lan có thể sai khiến các lãnh đạo SCB. “Họ có thể khai là họ làm theo chỉ đạo của bà Lan, nhưng đó có thể chỉ là tư vấn, lời khuyên của bà Lan, còn họ hành động theo ý chí của họ chứ không hề bị ép buộc gì hết,” ông lập luận.

Nếu bà Lan sở hữu đến 91,5% cổ phần của SCB thì tại sao không xử bà về tội ‘Vi phạm luật về hoạt động ngân hàng’, luật sư này đặt vấn đề. Do đó, ông cho rằng việc xử bà Lan như thế nào ‘hoàn toàn là do cấp cao nhất trong Đảng Cộng sản đã quyết định trước’.

Luật sư Quân cũng chỉ ra điểm mà ông cho là Tòa án Việt Nam ‘muốn lật thế nào cũng được’: “Nếu nói là bà ấy tham ô của Ngân hàng SCB, thì phải cho rằng hơn 91% là bà ấy nắm, rồi bà ấy chỉ đạo. Nhưng nếu 91% cổ phần là của bà ấy thì chẳng lẽ bà ấy tham ô của chính bà à?”

“Khi nói bà có thẩm quyền chi phối SCB thì họ nói là bà có 91,5% cổ phần, nhưng khi nói bà tham ô của ai thì họ nói bà chỉ có 5% cổ phần,” ông nói thêm.

Về phần mình, luật sư Hà Huy Sơn chỉ ra điểm thiếu sót trong vụ án này là ‘không truy ra trách nhiệm của các lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ’.

“Nó diễn ra trong nhiều năm, có liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng quá trình điều tra người ta lại không xác định được trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ, đó là rất vô lý,” ông lập luận.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG