Đường dẫn truy cập

Việt Nam giải thích về 24 tỷ USD cứu SCB, chuyên gia nói ‘thuốc chữa bệnh’ quan trọng hơn ‘thuốc bổ’


Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 19/4 lên tiếng nói rằng việc “bơm tiền” quy mô lớn là để cứu cho ngân hàng SCB không sụp đổ, không làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia và sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế của VOA cho rằng khoản bơm hàng chục tỷ đô la trên chỉ là liều “thuốc bổ”, tạm thời hồi sức cho một bệnh nhân đang lâm trọng bệnh, biện pháp tái cơ cấu được giám sát chặt chẽ và minh bạch mới là liều thuốc chữa bệnh cho SCB và cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

“SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn”, Tiền Phong dẫn lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói tại buổi họp báo ngày 19/4.

Giải thích của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đưa ra vài ngày sau khi Reuters dẫn các nguồn tin riêng cho biết NHNN đã bơm 24 tỷ đô la để cứu SCB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn), là ngân hàng gặp nguy khốn trong vụ án Vạn Thịnh Phát – vụ lừa đảo tài chính lớn nhất tại Việt Nam.

“Nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ. Còn nếu tiếp tục cho vay, kho bạc quốc gia sẽ dần cạn kiệt”, nguồn tin của Reuters cho biết.

Đề cập đến vụ án Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan, trong đó bao gồm sai phạm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ông Đào Minh Tú nói rằng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là tất cả những sai phạm này do cá nhân gây ra.

Ông nói khi SCB rơi vào tình trạng khó khăn, mất cân đối thanh khoản và “khủng hoảng” vào tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp kịp thời và cần thiết để ổn định tình hình, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung cũng như hệ thống tài chính của quốc gia.

Quan chức của NHNN không cho biết chính xác số tiền đã “bơm” để cứu SCB là bao nhiêu, nhưng Reuters trong bản tin độc quyền hôm 17/4 cho biết tính đến đầu tháng 4 này, NHNN đã bơm 24 tỷ đô la qua “các khoản vay đặc biệt” dành cho SCB, theo một trong những văn bản ngành ngân hàng mà Reuters được xem qua.

Liều thuốc bổ

“Tôi nghĩ rằng đây là chuyện làm đúng của Ngân hàng Nhà nước”, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, người có hai bằng tiến sĩ về Kinh Tế và Kế toán, Giáo sư Đại Học chương trình Thạc sĩ MBA và đã là Giám đốc Kiểm toán và Giám đốc Tài chính (CFO) cho những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ Fortune 500, đưa ra nhận định với VOA.

Theo giải thích của ông, khi NHNN bơm tiền vào cứu SCB, động thái này có tác dụng “trấn an” người dân để họ không ồ ạt rút tiền (bank run), dẫn đến sự sụp đổ của SCB và đề ra nguy cơ lớn cho cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong mắt giới đầu tư kinh doanh, biện pháp này vẫn chỉ là một “liều thuốc bổ” tạm thời hồi sức cho một bệnh nhân đang lâm trọng bệnh, mà không có tác dụng “chữa trị” lâu dài.

“Cái lâu dài của Việt Nam không phải là chích thuốc bổ không mà là chữa bệnh như thế nào. Chữa bệnh bằng cách là số tiền này phải được tiêu xài với một hội đồng kiểm soát và điều chỉnh việc chi tiêu ở đâu, tái cơ cấu như thế nào và những điều này cần phải được đưa lên mạng, lên đài truyền hình… để dân chúng biết hệ thống tái cơ cấu như thế nào”, TS. Khương Hữu Lộc nói.

Ngoài ra, theo ông, còn “rất nhiều vấn đề” cần phải giải quyết để ổn định SCB, trong đó có việc xử lý đống nợ xấu vốn đã tồn đọng từ trước đó khi 3 ngân hàng được gộp lại.

NHNN Việt Nam đã đặt SCB dưới sự giám sát để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng, gây ra bởi vụ bắt giữ bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan vào tháng 10/2022, người đã bị kết án tử hình vào tuần trước vì vai trò của bà trong vụ gian lận tài chính trị giá 12,5 tỷ USD, vụ án về tài chính lớn nhất Việt Nam.

Theo TS. Khương Hữu Lộc, bên cạnh việc bơm tiền, những tài sản của bà Trương Mỹ Lan thuộc diện phải tịch thu thì cần phải thu hồi ngay để có thể dùng làm tài sản “thế chân” cho gói cứu trợ 24 tỷ USD. Điều này sẽ có hai tác dụng: giữ cho khối tài sản không bị mất giá và NHNN có tài sản để bảo đảm. Chuyên gia kinh tế-tài chính có trụ sở tại Mỹ giải thích động tác này tương tự như chương trình “too big to fail” vào năm 2008 tại Hoa Kỳ, khi chính phủ Obama đưa ra tài trợ hàng chục tỷ đô la nhưng sau đó đã thu lại cả vốn lẫn lãi.

“Too big to fail” là thuật ngữ chỉ các tổ chức tài chính ngân hàng có ảnh hưởng kinh tế đáng kể đến hệ thống tài chính quốc tế và nếu chúng thất bại có thể ảnh hưởng xấu đến kinh tế khu vực hay toàn cầu.

Ảnh hưởng dòng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc?

Theo Reuters, việc bơm 24 tỷ USD (khoảng 5,6% GDP) để cứu SCB không phải là một con số quá lớn so với mức chi trung bình mà các chính phủ lớn đã chi ra để giải cứu các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng động thái này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư về tính bất ổn của kinh tế Việt Nam, giữa lúc tầm quan trọng của quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng tăng lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các công ty tìm cách chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam để giảm rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hãng thông tấn Anh cho rằng đây giống như “lời cảnh tỉnh” đối với những người đã bỏ qua những tin đồn về chiến dịch chống tham nhũng gần đây hoặc những người nghĩ rằng khoản đầu tư của họ có thể được hưởng lợi nếu các quan chức cắt đứt mối quan hệ thân hữu giữa các tập đoàn lớn và nhà nước. Còn những công ty vẫn quyết tâm đầu tư để tận dụng lao động giá rẻ tại Việt Nam thì cần phải có “tinh thần thép”, theo Reuters.

TS. Khương Hữu Lộc lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng chiều hướng dịch chuyển sản xuất và đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn quốc tế sẽ vẫn tiếp diễn mặc dù “họ đều biết về chuyện lũng đoạn, không phải chỉ SCB không mà còn những nơi khác, và cả chương trình ‘đốt lò’”.

Ông giải thích: “Tại vì trong viễn cảnh NHNN làm như vậy, làm cho các công ty như Samsung, Apple… hay những công ty về bán dẫn mà Hoa Kỳ muốn đưa về sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, trừ phi không làm gì cả và trường hợp này lan rộng ra. Thành ra đây là liều thuốc bổ cần thiết, nhưng liều thuốc chữa bệnh cần phải đi kèm theo”.

Một lý do khác có thể “giữ chân” các nhà đầu tư, theo TS. Khương Hữu Lộc, là vì nhiều công ty đã đầu tư tại Việt Nam đều rất hiểu về tình trạng lũng đoạn, tham nhũng tại Việt Nam, “nhưng họ vẫn thấy rằng đầu tư tại Việt Nam vẫn có lợi hơn đầu tư ở Trung Quốc vì những yếu tố rất phức tạp bên Trung Quốc”.

“Dĩ nhiên, đây là điều không tốt, nó làm cản trở, như chiếc xe bị rà thắng phần nào, nhưng nó không làm chiếc xe ngừng lại hay thụt lùi”, ông đưa ra ví dụ.

Cần tái cơ cấu hiệu quả, minh bạch

TS. Khương Hữu Lộc cho rằng giải pháp cốt lõi và cần thiết vẫn là một quy trình tái cơ cấu hiệu quả và minh bạch, trong đó cần có sự tham gia của các tập đoàn, chuyên viên hàng đầu về lĩnh vực ngân hàng trên thế giới thì may ra mới giải quyết được, theo khuyến nghị của ông.

TS. Khương Hữu Lộc nói thông thường tại Mỹ, để giải quyết vấn đề ngân hàng khủng hoảng như SCB, người ta thường chọn một trong hai giải pháp: để cho phá sản hoặc cứu trợ.

“Ở Hoa Kỳ thì tùy trường hợp, trong thời gian 2008-2010, Hoa Kỳ để cho nhiều trường hợp ngân hàng tự khánh tận, nhất là những ngân hàng chuyên cho vay về địa ốc. Còn những ngân hàng họ nghĩ là chính yếu “too big to fail” và có thể hệ thống dây chuyền thì họ cứu vãn, với tin tưởng là có thể cứu vãn được thì mới cứu”, TS. Khương Hữu Lộc cho biết thêm.

Tại buổi họp báo ngày 19/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang có những giải pháp và chính sách kể cả luật hóa để can thiệp nhằm đảm bảo sự ổn định, trước hết cho ngân hàng yếu kém và sau là đến hệ thống các ngân hàng thương mại cũng như đảm bảo an ninh trật tự của xã hội.

Ông cho biết các khoản vay hỗ trợ cho SCB đã được luật định các điều khoản và thực hiện đúng các quy định cho phép, và sẽ có những rà soát để đảm bảo các biện pháp cho vay, thu nợ được xác định đầy đủ, rõ ràng trong đề án tái cơ cấu.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG