Nairobi

Nairobi

Số là lần này tôi được phái sang Kenya để thăm các nhân viên người bản xứ hiện đang làm việc cùng cơ quan với tôi nhân tiện xem coi có thể phát triển thêm được chương trình nào hay không để trợ giúp những người tỵ nạn Somalia đã bị kẹt ở trại Dadaab từ đầu thập niên 90. Cũng như một số người Việt tỵ nạn ở Philippines, những người tỵ nạn Somali cũng đã bị kẹt ở trại gần 20 năm, có khác chăng là cho đến bây giờ vẫn không một ai biết được khi nào thì tình trạng vô tổ quốc, vô gia cư của họ sẽ được giải quyết.

Một điều khác đặc biệt hơn nữa là không như con số 2,500 người Việt bị bỏ lại vào năm 1996 khi trại tỵ nạn ở Palawan chính thức đóng cửa, ở trại Dadaab gần biên giới của hai nước Somalia và Kenya hiện nay chỉ có khoảng độ chừng…280,000 người tỵ nạn Somalia và Sudan.

Yeap! 280 ngàn sinh mạng cùng với làn sóng nhập cư của những người tỵ nạn vừa mới đến (trung bình chỉ khoảng 10 ngàn người mỗi tháng!) và hàng trăm trẻ em ra đời mỗi ngày. Thế mới biết tại sao đây cũng là chương trình cứu trợ lớn nhất thế giới của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.

Nhìn từ cửa sổ ra bên ngoài trước khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Nairobi, cảm giác đầu tiên của tôi đối với đất nước Kenya là rộng rãi, thoáng đãng và… còn rất nhiều đất trống. Khác với những thành phố lớn ở Đông Nam Á như Bangkok, Hồng Kông, Manila hoặc Sài Gòn, nơi nhìn ra chỉ thấy toàn là nóc nhà, xe và người trước khi máy bay hạ cánh, ở Nairobi bạn chỉ thấy độc nhất một dải đất trống dài vô tận. Không nhiều nhà cửa mà cho đến cây cối xum xuê cũng không nốt.

Ngoại trừ một vài chú hươu cao cổ đang lững thững vươn cổ cao nhìn đất trời.

À! Thì ra đây là vùng đất cao nguyên nơi không có nhiều cây to, lá rậm. Cũng nhờ vậy mà khác với dự đoán ban đầu, tôi đã cảm thấy thích ngay cái khí hậu khá khô và mát mẻ của thủ phủ lớn nhất vùng Đông Phi này. Buổi trưa nhiệt độ có thể lên đến 28, 30 độ nhưng tối về nếu có mưa không chừng có thể xuống đến dưới 15, 17 độ C.

Nhưng chỉ cần đôi ba phút đồng hồ sau là tôi cũng có thể hiểu được tại sao phần lớn khách du lịch đến đây để tham gia những chuyến du ngoạn trên sa mạc (safari) lại không thích dừng lại vài ngày ở Nairobi để ngắm cảnh.

Vì thứ nhất là ở thành phố Nairobi này không có nhiều cảnh đẹp để ngắm cho lắm! Và thứ hai quan trọng hơn là Nairobi thường được mệnh danh là ‘Nairobbery’ vì ‘robbery’ có nghĩa là ăn cướp mà Nairobi lại nổi tiếng là nơi khách bị cướp của, giật đồ nhiều nhất ở Phi Châu!

Cũng vì tôi thấy hơi ngài ngại với sự nổi tiếng bất đắc dĩ của thành phố này mà đêm hôm đến Nairobi tôi đã về thẳng khách sạn và ở lại luôn đó sau 2 tiếng đồng hồ bị kẹt xe trên những con phố mịt mù khói bụi từ phi trường về trung tâm thành phố. Một phần vì lúc ấy tôi cũng đã thấm mệt lại ngại bước ra đường vào buổi tối khi đã được cho biết rõ là sẽ không an ninh cho lắm. Nhưng phần lớn là vì tôi đã được nhân viên thông báo trước phải thức dậy và có mặt ở phi trường nội địa vào lúc 6 giờ sáng mai để bắt máy bay đi Dadaab.

Wow. 6 giờ sáng đã bay rồi à? Sớm thế? Tôi hỏi anh bạn nhân viên tên Jason trên điện thoại.

Ừ, chỉ có một chuyến ấy duy nhất mà thôi. Jason trả lời.

Thế thì vé máy bay của tôi đâu sao không thấy Jason gửi qua email? Tôi hỏi tiếp.

Ồ. Không cần. Anh cứ đến đấy xem list chuyến bay sẽ thấy có tên anh. Không cần mua vé trước. Anh cứ bay đến đây rồi mình tính với Văn Phòng Cao Ủy. Hẹn gặp lại ngày mai nha. Jason đã bảo với tôi như thế trước khi cúp máy.

Uhm. Lạ đấy chứ. Lần đầu tiên tôi sẽ bay mà không cần vé và cũng không cần biết là mình sẽ bay hãng máy bay nào, cách thức ra sao.
Thôi thì biết thế cũng coi như là tạm đủ. Tôi ngả lưng xuống giường tay kéo tấm mền lên người và lòng bỗng cảm thấy vui vui vì cũng lâu rồi tôi mới có dịp nằm ngủ trong chăn ấm.

À. Hạnh phúc đơn giản là đây. Nhất là những khi bên ngoài trời đang mưa như thế này.