Mỹ-Trung thảo luận về vấn đề Triều Tiên

Bà Jung Pak, quan chức cấp cao của Hoa Kỳ về Triều Tiên, kêu gọi Bắc Kinh duy trì các nghĩa vụ không trả lại người đào tị Triều Tiên.

Quan chức cấp cao của Hoa Kỳ về Triều Tiên đã thảo luận về vấn đề Triều Tiên với người đồng cấp Trung Quốc tại Tokyo ngày 9/5, bày tỏ lo ngại về việc cưỡng bức hồi hương người Triều Tiên khỏi Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Các cuộc thảo luận giữa bà Jung Pak và Đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề bán đảo Triều Tiên Lưu Hiểu Minh diễn ra sau chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng trước của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Bà Pak lưu ý “những lời lẽ khiêu khích và vô trách nhiệm của Triều Tiên đối với các nước láng giềng” và nhấn mạnh mối lo ngại về sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc của nước này với Nga. Bà nói rằng Nga phủ quyết việc gia hạn ủy quyền cho một ủy ban của Liên hiệp quốc chuyên giám sát các lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ cản trở nỗ lực thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, tuyên bố cho biết.

“Bà cũng bày tỏ những lo ngại tiếp diễn của Hoa Kỳ về việc cưỡng bức hồi hương những người Triều Tiên, bao gồm cả những người xin tị nạn, về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và kêu gọi Bắc Kinh duy trì các nghĩa vụ không trả lại người đào tị”, tuyên bố nói.

Nguyên tắc không trả lại người đào tị của Liên hiệp quốc được cho là để đảm bảo rằng “không ai phải bị trả về một quốc gia nơi họ sẽ phải đối mặt với sự tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục và những tổn hại không thể khắc phục khác.”

Một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Hàn Quốc phúc trình vào tháng 12 rằng có tới 600 người Triều Tiên đã “biến mất” sau khi bị Trung Quốc cưỡng bức trục xuất và cảnh báo họ có thể phải đối mặt với án tù, tra tấn, bạo lực tình dục và hành quyết ở Triều Tiên.

Phúc trình đó của Nhóm Công tác Tư pháp Chuyển tiếp được đưa ra khoảng hai tháng sau khi Hàn Quốc gửi đơn phản đối Trung Quốc về việc hồi hương một số lượng lớn người Triều Tiên đang tìm cách trốn sang Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh hồi tháng 10 năm ngoái cho biết không có “người đào thoát” Triều Tiên nào ở Trung Quốc mà chỉ có những người Triều Tiên nhập cảnh trái phép vì lý do kinh tế và Trung Quốc luôn xử lý vấn đề này theo luật pháp.

Lần cuối cùng bà Pak nói chuyện với ông Lưu là vào tháng 2 sau cuộc gặp trước đó vào ngày 16/2 giữa Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong đó phía Mỹ cho biết hai bên “khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục liên lạc về các vấn đề (Triều Tiên) ở mọi cấp độ”.

Quan hệ Trung-Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện trong những tháng gần đây với các bước thiết lập lại các kênh liên lạc sau khi quan hệ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Tại Tokyo, bà Pak cũng thảo luận về vấn đề Triều Tiên với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác ba bên chặt chẽ trong việc giải quyết mối đe dọa mà Triều Tiên gây ra, một tuyên bố của Mỹ cho biết.