Đường dẫn truy cập

Triều Tiên mua camera theo dõi của Trung Quốc để siết chặt kiểm soát công dân


Camera an ninh được trưng bày tại triển lãm An ninh Trung Quốc 2023 ở Bắc Kinh, ngày 7/6/2023.
Camera an ninh được trưng bày tại triển lãm An ninh Trung Quốc 2023 ở Bắc Kinh, ngày 7/6/2023.

Triều Tiên đang lắp đặt camera theo dõi trong các trường học và nơi làm việc, đồng thời thu thập dấu vân tay, ảnh và thông tin sinh trắc học từ công dân nhằm thúc đẩy giám sát người dân chặt chẽ hơn bằng công nghệ, một phúc trình ngày 16/4 cho biết.

Các nhà nghiên cứu nói việc nhà nước ngày càng sử dụng các công cụ theo dõi kỹ thuật số, kết hợp thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc với phần mềm được phát triển trong nước, có nguy cơ xóa bỏ phần không gian nhỏ hẹp còn lại mà người Triều Tiên có để tham gia vào các hoạt động kinh doanh tư nhân, tiếp cận truyền thông nước ngoài và bí mật chỉ trích chính phủ của họ.

Tuy nhiên, tham vọng kỹ thuật số của quốc gia bị cô lập này phải đối mặt với nguồn cung cấp điện kém và khả năng kết nối mạng thấp. Theo phúc trình do trang web 38 North tập trung vào Triều Tiên công bố, những thách thức đó và lịch sử phụ thuộc vào các phương pháp do thám của con người đối với công dân của mình, có nghĩa là biện pháp theo dõi kỹ thuật số ở Triều Tiên vẫn chưa phổ biến như ở Trung Quốc.

Những phát hiện của nghiên cứu phù hợp với quan điểm rộng rãi rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang tăng cường nỗ lực thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước đối với công dân và thúc đẩy lòng trung thành với chế độ của ông.

Những nỗ lực này đã được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, trong đó Triều Tiên áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt được duy trì trong ba năm trước khi mở cửa trở lại một cách thận trọng vào năm 2023.

Các luật mới và các phúc trình gần đây về các hình phạt khắc nghiệt hơn cho thấy chính phủ đang hành động mạnh mẽ để hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài và các phương tiện truyền thông nhập khẩu, có thể được hỗ trợ bởi hàng rào và hệ thống theo dõi điện tử được lắp đặt ở biên giới với Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch.

Ông Martyn Williams, một nhà phân tích, đồng tác giả nghiên cứu với bà Natalia Slavney, nói: “Thấy có thể đóng cửa biên giới chặt chẽ như vậy nên họ giờ đây muốn giữ nguyên như vậy”.

Ông Williams nói: “Về mặt theo dõi rộng hơn trên toàn quốc, đại dịch có thể là một nguyên nhân, nhưng tôi nghĩ vai trò lớn hơn nhiều đã được đóng góp bởi chi phí thiết bị theo dõi giảm nhanh chóng”.

Phúc trình đã xem xét các công nghệ theo dõi của Triều Tiên thông qua thông tin thu được từ các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế cũng như nghiên cứu được công bố công khai tại các trường đại học và tổ chức nhà nước của Triều Tiên. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết họ đã phỏng vấn 40 người Triều Tiên đào tị về sự theo dõi mà họ đã trải qua khi sống ở nước này và thông qua các đối tác không nêu tên, họ đã khảo sát 100 cư dân Triều Tiên hiện tại vào năm 2023 qua điện thoại, tin nhắn và các hình thức liên lạc được mã hóa khác để đảm bảo an toàn cho họ.

Truyền thông nhà nước cho thấy việc theo dõi video đang trở nên phổ biến hơn ở các trường học, nơi làm việc và sân bay. Các máy quay phim này hầu hết có nguồn gốc từ các nhà cung cấp Trung Quốc và có phạm vi từ nguồn cấp dữ liệu video cơ bản đến các mẫu cao cấp hơn có các tính năng như nhận dạng khuôn mặt.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang xuất khẩu công nghệ hỗ trợ hoạt động theo dõi có kết hợp AI cho các nước trên thế giới.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin camera theo dõi hiện đã xuất hiện ở hầu hết các trường học ở thủ đô Bình Nhưỡng và các thành phố lớn khác, cho phép nhân viên nhà trường theo dõi từ xa những gì đang diễn ra trong lớp học bằng cách xoay và phóng to để tập trung vào từng học sinh hoặc giáo viên.

Máy quay phim cũng được lắp đặt phổ biến trong các nhà máy, tòa nhà chính phủ và các nơi làm việc khác, nhằm cải thiện an ninh và ngăn chặn trộm cắp, trong khi hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã được sử dụng để ghi lại hình ảnh du khách tại sân bay Sunan của Bình Nhưỡng kể từ năm 2019.

Phúc trình cho biết Triều Tiên cũng đã mở rộng mạng lưới camera giao thông ra ngoài Bình Nhưỡng kể từ năm 2021, lắp đặt chúng tại các tuyến đường chính ra vào thành phố, có thể nhằm mục đích tự động ghi lại biển số xe.

Chính phủ có thể chưa sử dụng hết dữ liệu thu thập được và hiện tại không có mạng lưới máy quay phim an ninh dày đặc trên đường phố và khu dân cư, có thể do thiếu điện và do có số lượng lớn nhân viên an ninh đang theo dõi đời sống công cộng ở Bình Nhưỡng và những nơi khác.

Nhưng Triều Tiên dường như đang hình dung ra một tương lai theo dõi bằng video phổ biến hơn – các trường đại học và định chế nghiên cứu của Triều Tiên trong nhiều năm đã tập trung vào phát triển các công nghệ liên quan đến phát hiện chuyển động, nhận dạng khuôn mặt và biển số xe, theo phúc trình.

Trong khi đó, nhà nước cũng đang xây dựng hồ sơ sinh trắc học chi tiết của công dân. Phiên bản mới nhất của thẻ căn cước quốc gia Triều Tiên có dạng thẻ thông minh và yêu cầu công dân cung cấp dấu vân tay, ảnh khuôn mặt và ít nhất, theo một báo cáo, phải xét nghiệm máu.

“Đối với người Triều Tiên, sự phổ biến của các máy quay an ninh đồng nghĩa với việc theo dõi cuộc sống của họ thậm chí còn lớn hơn, đặc biệt nếu các máy quay phim có hệ thống phát hiện tự động. Nếu những chiếc máy quay phim như vậy được sử dụng rộng rãi hơn, những công dân tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp sẽ gặp rủi ro đặc biệt vì tính năng phát hiện khuôn mặt có thể theo dõi chuyển động của họ trên khắp các thành phố,” ông Williams và bà Slavney viết.

Họ cho biết: “Hiện tại, những người Triều Tiên bị vướng vào các hoạt động như buôn lậu hoặc phân phối hàng nhập khẩu và các nội dung của nước ngoài bất hợp pháp có thể hối lộ các dịch vụ an ninh địa phương, nhưng không giống như con người, máy quay phim an ninh không thể bị hối lộ”.

Ông Williams cho biết chính phủ sẽ nỗ lực mở rộng mạng lưới theo dõi ra ngoài các thành phố lớn khi cơ sở hạ tầng được cải thiện. Ông nói, vẫn không dễ để sử dụng lượng lớn dữ liệu video, nhưng Triều Tiên có thể rút ra bài học từ quốc gia theo dõi bên cạnh.

“Có lẽ trở ngại lớn nhất là cơ sở hạ tầng điện toán để xử lý tất cả dữ liệu này trong thời gian thực. Làm như vậy ở cấp quốc gia hoặc thậm chí cấp tỉnh không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nếu mạng lưới thực sự có sức lan tỏa và bao gồm nhiều máy quay phim,” ông Williams nói.

“Đất nước sẽ phải xây dựng một trung tâm dữ liệu nhỏ và đảm bảo cung cấp điện liên tục. Tôi nghĩ điều này chắc chắn có thể được lấy cảm hứng từ Trung Quốc, một xã hội nhìn chung tương đối tự do hơn nhưng có mạng lưới theo dõi kỹ thuật số hà khắc hơn nhiều.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG