Hôm 1/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố thuế chống trợ cấp (CVD) đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ các công ty ở Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan, sau khi có kết quả điều tra sơ bộ cho thấy các thiết bị này đang được hưởng lợi từ trợ cấp bất hợp pháp của các chính phủ, theo cái hãng tin Reuters and Bloomberg. Riêng tại Việt Nam có 4 công ty bị áp thuế lên gần 300%.
Trong thời gian qua, Bộ Thương mại Mỹ đã cân nhắc về việc áp thuế này sau khi có Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ xác định chắc chắn vào tháng 6/2024 rằng ngành sản xuất tấm pin mặt trời của Hoa Kỳ đang bị tổn hại nghiêm trọng do việc nhập khẩu pin và tấm pin mặt trời bằng silicon từ 4 quốc gia Đông Nam Á nói trên.
Quyết định đánh thuế chống trợ cấp mới này đánh dấu một chiến thắng cho các nhà sản xuất tấm pin của Mỹ, là các doanh nghiệp đưa ra cáo buộc rằng hàng nhập khẩu giá rẻ gây tổn hại cho hoạt động của họ và đe dọa tới các khoản đầu tư nhằm phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời của Mỹ.
Your browser doesn’t support HTML5
Nguyên đơn là các doanh nghiệp Hanwha Qcells của Hàn Quốc, First Solar có trụ sở tại bang Arizona và một số công ty nhỏ hơn đang tìm cách bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ, theo Reuters.
Các công ty này yêu cầu chính phủ áp đặt thuế, cho rằng các thiết bị nhập khẩu được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng của nước ngoài và đang được bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất trong nước.
Nhóm này, có tên là Liên minh Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời của Hoa Kỳ (AASMTC), cáo buộc các công ty Trung Quốc có nhà máy ở 4 quốc gia gồm Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan xuất khẩu tràn lan vào thị trường Hoa Kỳ với các tấm pin có giá thấp hơn chi phí sản xuất và nhận trợ cấp không công bằng khiến sản phẩm của Mỹ không thể cạnh tranh.
Theo một trang thông tin đăng trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan này đã tính toán mức thuế chống trợ cấp chung là 2,85% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam; 9,13% đối với hàng nhập khẩu từ Malaysia, 8,25% đối với hàng nhập khẩu từ Campuchia, và 23,06% đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
Riêng bốn công ty của Việt Nam bao gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) GEP NEW ENERGY Việt Nam (GEP New Energy Viet Nam Company Limited), Công ty TNHH HT Solar Việt Nam (HT Solar Vietnam Limited Company), Công ty TNHH Năng lượng mới Thịnh Thiên Việt Nam (Shengtian New Energy Vina Co., Ltd), và Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Năng lượng Xanh Việt Nam (Vietnam Green Energy Commercial Services Company Ltd), bị áp thuế lên đến 292.61%, theo trang Solar Power World Online và Solar Builder.
Các doanh nghiệp này của Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận.
Reuters dẫn lời luật sư Tim Brightbill, cố vấn chính của Liên minh Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Hoa Kỳ nói rằng những phát hiện của Bộ Thương mại Mỹ phù hợp với mong đợi và quyết định cuối cùng có thể mang lại mức thuế cao hơn.
Ông Brightbill nói trong một cuộc họp báo qua điện thoại: “Một số tỷ suất lợi nhuận này chắc chắn chưa phản ánh toàn bộ mức độ trợ cấp của chính phủ đang diễn ra trong ngành năng lượng mặt trời”.
Các bản tin cho hay Liên minh AASMTC đã nộp đơn khiếu nại trong thời gian trước đây của năm nay và đã có dự báo là Bộ Thương mại Mỹ có thể sẽ đưa ra phán quyết sơ bộ vào tháng 11/2024. Phán quyết cuối cùng có thể sẽ công bố vào tháng 4/2025.
VOA đã liên lạc Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về thông báo trên của Bộ Thương mại Mỹ, nhưng chưa được trả lời.
Trong nhiều năm qua, Bộ Thương mại Mỹ vẫn không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này vào Mỹ, trong đó có thép, tấm pin năng lượng, các sản phẩm gỗ bị đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng mức thuế mới có nguy cơ làm chậm tốc độ chuyển đổi năng lượng của Mỹ và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vụ việc đã thu hút sự phản đối từ một số nhà sản xuất nước ngoài và các nhà phát triển năng lượng tái tạo trong nước, họ cho rằng loại thuế quan này có thể mang lại lợi thế không công bằng cho các nhà sản xuất lớn hơn của Mỹ trong khi làm tăng chi phí của các dự án năng lượng mặt trời, theo Bloomberg.
Trang này dẫn lời bà Abigail Ross Hopper, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời, đưa ra nhận định: “Chúng tôi cần các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ, đồng thời giúp chúng tôi triển khai năng lượng sạch ở quy mô và tốc độ cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và phục vụ nhu cầu điện ngày càng tăng ở Hoa Kỳ”.