Trump – 100 Ngày Đầu: Một chính sách đối ngoại ‘can thiệp’ nhiều hơn?

Ông Trump phái một nhóm tàu chiến và hàng không mẫu hạm về hướng Bắc Hàn để gởi thông điệp đến lãnh đạo Bình Nhưỡng, Kim Jong-Un.

Ông Trump phái một nhóm tàu chiến và hàng không mẫu hạm về hướng Bắc Hàn để gởi thông điệp đến lãnh đạo Bình Nhưỡng, Kim Jong-Un.

Tổng Thống Donald Trump ra lệnh một cuộc không kích trả đũa tổng thống Syria, Bashar al-Assad, với cáo buộc dùng vũ khí hóa học tấn công một khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng tại Syria. Tiếp theo đó, ông Trump phái một nhóm tàu chiến và hàng không mẫu hạm về hướng Bắc Hàn để gởi thông điệp đến lãnh đạo Bình Nhưỡng, Kim Jong-Un. Các động thái của ông Trump khiến người ta đặt câu hỏi: Liệu ông tổng thống đang dần từ bỏ chính sách “Nước Mỹ Trước Tiên”, và quay dần về quan điểm chính thống hơn trong chính sách đối ngoại? Sau đây là bài tường trình của Bill Gallo, phóng viên VOA.

Gần đây, tổng thống Trump lặp lại lời hứa ông từng nói đi nói lại hàng trăm lần trong thời gian tranh cử.

“Tôi không phải, và tôi cũng không muốn, làm tổng thống của thế giới. Tôi là tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và từ đây trở đi, Hoa Kỳ phải được đặt lên hàng đầu.”

Nhưng chính sách đối ngoại “Nước Mỹ Trước Tiên” đã và đang bị thách thức từ những nơi chốn khác trên thế giới.

Tại Syria, một vụ tấn công tình nghi dùng vũ khí hóa học đã khiến ông Trump ra lệnh phóng hỏa tiễn chống lại chính quyền Bashar al-Assad. Lệnh này đưa nước Mỹ tiến sâu hơn vào cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài 6 năm nay tại Syria.

Ở Châu Á, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tiến về Bắc Hàn. Thông điệp là gì? Nước Mỹ đang mất dần kiên nhẫn với lãnh tụ độc tài Kim Jong-Un.

Một thông điệp mạnh mẽ cho nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong Un.

Và tại Afghanistan, quân đội Mỹ cho thả quả bom phi hạt nhân có sức công phá mạnh nhất hiện nay, mệnh danh là “mẹ của tất cả các loại bom,” để tấn công các chiến binh nhà nước Hồi Giáo.

Còn ở ngay Tòa Bạch Ốc thì có một sự cải tổ nhân sự quan trọng.

Cố vấn trưởng mang tinh thần dân tộc, Steve Bannon, phải ra khỏi vị trí đứng đầu Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

Quyết định này khiến nhiều nhà quan sát chính sách ngoại giao khen ngợi. Một số người tự hỏi: Có phải tổng thống Trump đang tái tiếp cận với chính sách can thiệp nhiều hơn?

Có thể sai lầm khi quan niệm như vậy, ông Jim Carafano, người từng làm việc trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, nhận định.

“Tôi không cho rằng, chính sách đối ngoại ấy, tự nó mang tính can thiệp. Những gì ngài tổng thống đang làm là chứng tỏ ý chí can thiệp khi quyền lợi Hoa Kỳ bị đe dọa.”

Ông Carafano, trả lời phỏng vấn qua Skype, nói rằng ông Trump có sự tưởng phản với cựu tổng thống Barack Obama, là người vốn dè dặt hơn trong việc sử dụng vũ lực trên thế giới.

Và cũng tương phản cả với tổng thống George W. Bush, người bị cho là can thiệp quá nhiều.

Về phần mình, chính quyền Trump nói vụ oanh tạc vào Syria không mang ý nghĩa rằng Hoa Kỳ đang trở lại với chính sách đòi thay đổi chế độ.

P.J. Crowley, cựu quan chức Ngoại Giao dưới thời Obama, trả lời qua Skype rằng đó là điều thông minh.

“Tổng Thống Trump được bầu lên để giải quyết các vấn đề của Hoa Kỳ. Ông không được bầu để giải quyết vấn đề của Syria. Và đó là lý do tại sao Tòa Bạch Ốc đang phát tín hiệu rõ ràng rằng, cho dầu ngài tổng thống sẵn sàng áp dụng biện pháp quân sự, ngài tổng thống vẫn tiếp tục hoài nghi về việc đưa nước Mỹ dấn sâu vào một cuộc nội chiến không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự.”

Về sự thay đổi nhân sự của tổng thống Trump tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng các quyết định ấy bị dư luận “thổi phồng,” và rằng, bất cứ gợi ý nào về ý nghĩa “cải tổ” đều không chính xác.