Đường dẫn truy cập

TT Trump đối mặt với những thách thức đối nội và đối ngoại


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

Giữa lúc mốc điểm 100 ngày từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền đang nhanh chóng tới gần, mức độ ủng hộ của công chúng giành cho ông vẫn chững lại ở mức khoảng 40%, một mức thấp đối với một tân Tổng thống Mỹ. Mức tín nhiệm dành cho ông Trump đã cải thiện đôi chút tiếp theo sau các cuộc tấn công quân sự tại Syria và Afghanistan, tuy nhiên nghị trình đối nội của ông Trump dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Từ Washington, Thông tín viên Jim Malone gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Sau vài tháng đầy khó khăn trên mặt trận đối nội, Tổng thống Trump ngày càng xoay sang chú ý tới những quan tâm trong chính sách đối ngoại, bao gồm chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và các cuộc tấn công quân sự mới đây tại Syria và Afghanistan.

Tổng thống Trump phát biểu:

“Thế giới ngày nay đang rối rắm như một mớ bòng bong. Nhưng tôi tin rằng đến khi chúng ta làm xong nhiệm vụ thì thế giới sẽ là một nơi chốn tốt đẹp hơn để sống, tôi có thể khẳng định với các bạn như vậy, đại diện cho chính cá nhân tôi, tới lúc tôi hết nhiệm kỳ, thế giới sẽ là một nơi chốn tốt đẹp hơn để sống bởi vì ngay bây giờ thì thế giới thật là xấu xa.”

Việc Hoa Kỳ vận dụng sức mạnh quân sự đã được lãnh đạo khối Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện hoan ngênh. Ông Mitch McConnell nói:

“Một thông điệp lý thú cho rất nhiều đối thủ cũng như các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới, cho thấy chính phủ này trong thời gian tới sẽ quyết liệt hơn so với chính phủ tiền nhiệm.”

Tuy nhiên vị thế của Tổng thống Trump trên trường nội địa thì phức tạp hơn như vậy.

Những người biểu tình đã kéo nhau xuống đường để đòi Tổng thống Trump công bố hồ sơ thuế của ông. Tại California đã xảy ra một vụ đụng độ giữa những ủng hộ và những người chống đối ông Trump.

Những cố gắng của ông Trump tìm cách cải cách hệ thống chăm sóc sức khoẻ và các ưu tiên khác trong chính sách đối nội vẫn dậm chân tại chỗ, lâm vào bế tắc vì những chia rẽ chính trị và đảng phái, theo thủ lãnh của Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer.

Thượng nghị sĩ Schumer nói:

“Ông Trump sẽ luôn luôn gặp khó khăn trừ phi ông thay đổi vị thế để theo trường phái trung dung. Chúng tôi đang chờ ông Trump làm điều đó.”

Theo nhà phân tích Sarah Binder của Viện nghiên cứu Brookings, thì ngay từ lúc khởi đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông, ông Trump đã chật vật tìm cách nới rộng thành phần cốt cán ủng hộ ông.

“Khởi sự với mức ủng hộ thấp kỷ lục, bất chấp các mức đó vẫn tương đối cao trong thành phần theo Đảng Cộng hoà, và ngay cả mức ủng hộ trong thành phần đó cũng đã giảm đôi chút. Thế cho nên rất khó để ông Trump tiến tới xây dựng những liên minh lớn trên chính trường Mỹ từ một căn bản quá hẹp hòi như vậy.”

Niềm hy vọng tốt nhất của ông Trump để đạt tiến bộ trong các vấn đề đối nội có thể là vận động sự hợp tác của các thành viên Đảng Dân chủ, ngay cả trong trường hợp làm như vậy có thể gây giận dữ trong thành phần ủng hộ Đảng Cộng hoà, theo ông William Galston thuộc Viện nghiên cứu Brookings:

“Nếu thực sự chính phủ này muốn tiến tới hướng đó, họ sẽ phải lập tức khởi sự các cuộc thảo luận với thành viên của Đảng Dân chủ về các vấn đề như cải cách thuế khoá và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, theo nhận định của tôi.”

Trong khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump chưa vượt ngưỡng 100 ngày, ông Trump giờ đây đang phải tìm cách cân bằng những nhu cầu cấp thiết nhất trong nghị trình làm việc đối nội của ông trong bối cảnh một thế giới bất định và luôn luôn thay đổi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG