Mario Vargas Llosa - Con người nhà báo trong nhà văn

  • Hoàng Nguyên

Nhà văn Peru Mario Vargas Llosa

Mùa trao giải Nobel hàng năm thường bắt đầu vào cuối tháng Chín, kéo dài đến khoảng giữa tháng Mười. Cho dù thời nay người ta có thể bớt đọc sách đọc báo vì mải miết lang thang trên “xa lộ thông tin”, cả ngày nhướng mắt trước máy vi tính, vẫn còn nhiều người trông đợi kết quả của giải Nobel về văn học bởi vì hai câu hỏi đơn giản: người được giải năm nay là ai, đã có sự nghiệp gì và những tác phẩm gì người ta đã biết hoặc chưa biết? Điều nhắn gởi của Ủy ban Thụy Điển trao giải Nobel đối với loài ngưòi về tư tưởng thời đại ngày nay là gì khi họ quyết định trao giải cho tác giả này? Với câu hỏi đầu tiên, điều hiếu kỳ tất nhiên là tại sao người này mà không là người khác, năm này mà không là năm khác. Và điều thứ hai, trong thế giới ngày càng không bớt phức tạp dù đã được hội nhập và toàn cầu hóa, những người trao giải Nobel muốn chia sẻ với chúng ta mối quan tâm gì đối với thời cuộc hiện nay.

Nhà văn Peru Mario Vargas Llosa thực ra có thể đã không ngạc nhiên nhiều lắm như ông nói khi được tin Ủy ban Thụy Điển trao giải cho ông. Văn học châu Mỹ La Tinh sử dụng tiếng Tây Ban Nha là một mảng văn học quan trọng trong bảy tám mảng chính yếu (Tây phương, Đông Âu, châu Á, châu Phi, Hồi giáo, châu Mỹ La-tinh, Nam Á…) cũng như trong bốn, năm ngôn ngữ phổ quát với người phương Tây (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…). Từ lâu lắm, người ta đã không ngó tới “vùng đất hung bạo” – như cách gọi của nhà văn Jorge Amado người Ba Tây - mà loanh quanh ở Đức (Herta Muller 2009, Gunter Grass 1999), Pháp (Jean-Marie Gustave LeClezio 2008), Anh (Doris Lessing 2007; Harold Pinter 2005), Thổ Nhĩ Kỳ (Orhan Pamuk 2006), Áo (Elfriede Jelinek 2004), Úc (John Maxwell Coetzee 2003), Hungari (Imre Kertesz 2002), Trinidad (V.S.Naipaul 2001), Trung Quốc (Gao Xingjean 2000), Bồ Đào Nha (Jose Saramago 1998), Ý (Dario Fo 1997)... Ông Amado đã qua đời từ năm 2001 cho nên người ta không thể trao giải cho một người không còn nữa. Nhưng vùng đất hung bạo thì vẫn còn đó để nhắc nhở nhân loại hàng ngày phải làm dịu đi sự nồng nực hoang dã trong cuộc sống của người dân ở phía nam của một lục địa mà ở phía bắc những người ở đó dường như đang có một cuộc sống tương phản tìm thấy nơi một “vùng đất hứa”, “vùng đất của những cơ hội”. Sự vô tình, đến độ như thiên vị hay kỳ thị của Ủy ban Nobel phải chấm dứt để người ta quay về lại với châu Mỹ La-tinh, và khi quay về đây, khi Amado không còn nữa, thì còn ai đây ngoài Mario Vargas Llosa. Người cuối cùng ở đây được Nobel văn chương là con người “trăm năm cô đơn”, Gabriel Garcia Marquez, người Colombia, từ năm 1982. Hai người được giải Nobel văn học, Garcia Marquez, 82 tuổi, và Vargas Llosa, 74, chẳng phải xa lạ gì nhau. Năm 1976, ông Vargas Llosa đã từng đấm ông Garcia Marquez sặc máu mũi ở một trung tâm văn hóa nghệ thuật ở Mexico City. Chỉ có hai người này biết lý do vì sao có cú đấm này, và chỉ vì một cú đấm, họ đã không nhìn mặt nhau 34 năm nay!

Nói như thế có thể tạo nên một câu hỏi phải chăng người ta đã chọn châu Mỹ La tinh trước khi nghĩ đến Vargas Llosa. Nhưng trong giới văn học quốc tế, trường hợp của ông Vargas Llosa là một quyết định lẽ ra phải có từ lâu (long over due). “Người bạn” của ông, Garcia Marquez, khi được Nobel, chỉ mới 54. Nay, Vargas Llosa đã 74. Vả về mặt sự nghiệp, ai hơn ai kém đến mức có sự trễ tràng này? Trong thông báo trao giải Nobel cho Mario Vargas Llosa, Ủy ban Thụy Điển đã ca ngợi những tác phẩm của Vargas Llosa là “một đồ hoạ về cấu trúc của quyền lực và những hình ảnh đậm nét của sự kháng cự, nổi loạn và khuất phục của cá nhân (trước quyền lực đó)”. Đó là cách nói thông thường của những ban giám khảo khi họ không muốn nói thẳng ra ý đồ đàng sau những quyết định của họ. Ý đồ đó sẽ rõ hơn nếu người ta nhìn đến sự nghiệp của ông, những gì ông đã viết, và cuộc đời của ông.

Ông đã cầm bút có lẽ đúng 53 năm, từ khi ông 21 tuổi với tập truyện ngắn đầu tiên được xuất bản (The Leaders, và The Grandfather) và ông đã là một nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo, nhà chính luận, nhà chính trị, nhà giáo đại học (ông tốt nghiệp tiến sĩ văn chương của Đại học Madrid năm 1969)… Và mặt nào ông cũng nổi bật, cũng thành công sáng chói, cũng có sự nghiệp đồ sộ, có lẽ vì ở nơi ông ba mặt quyện vào nhau và thúc đẩy nhau: nhà báo để đi vào cuôc sống và tìm sự thật, nhà văn để từ cuộc sống dẫn đến những cảm hứng và tưởng tượng không ngừng, và nhà chính trị để tìm cách tác động đến người khác trên con đường tìm đến quyền lực. Năm 1990 ông tranh cử tổng thống và được đến 34% số phiếu trong vòng đầu. Ở vòng hai, ông gặp Alberto Fujimori, một kỹ sư nông nghiệp ít ai biết, ông bị đánh bại vì đối với đa số cử tri lao động nghèo khổ, ông thuộc một tầng lớp trên có những chính sách kinh tế phức tạp mà họ không hiểu được và cảm thấy lo ngại. Điều an ủi lớn nhất của ông là người đã đánh bại ông nay đã ngồi tù vì những tội tham nhũng và đàn áp và truy bức đối lập.

Ông là một tác giả viết nhiều về lịch sử và chính trị của những nước châu Mỹ La tinh. Những chuyện của nước ông, từ chế độ hà khắc trong quân đội của Peru (Thời của Người anh hùng -The Times of the Hero, 1963) đến những cuộc nổi dậy của các phong trào khuynh tả vũ trang (Đời thực của Alejandro Mayta – The Real Life of Alejandro Mayta 1984, và Ai giết Palomino Molero – Who Killed Palomino Molero 1986 và Cái chết ở vùng núi Andes – Death in the Andes 1993) và thảm trạng độc tài hủy diệt con người và xã hội (Đối thoại trong quán Nhà thờ - Conversation in the Cathedral 1969). Cuộc “cách mạng không tưởng” dẫn đến nội chiến của một vùng ly khai ở Ba Tây vào cuối thế kỷ thứ 19 (Cuộc chiến tranh Tận cùng của thế giới - The War of the End of the World, 1981), và sự sụp đổ của chế độ độc tài ở Cộng hòa Dominican của Trujillo năm 1961 (Buổi tiệc của con dê - The Feast of the Goat, 2000). Những tác phẩm đó đều nêu bật một cách phê phán sự băng hoại và bế tắc trong chính trị của những nước châu Mỹ La-tinh mà nạn nhân là sự lạc hậu và tuyệt vọng của người dân. Như rất nhiều nhà báo và trí thức ở Nam Mỹ khi khởi nghiệp còn trẻ, thời thanh niên lăn lộn tại những nước châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp và Anh…, ông mê mẫn với lý thuyết tả khuynh, chủ nghĩa xã hội Mác-xít và chủ nghĩa hiện sinh của Jean-Paul Sartre, như chính ông thú nhận, nhất là sau thành công của cuộc cách mạng Cuba của Fidel Castro. Nhưng khi ông chứng kiến sự đàn áp và số phận tù đày của những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở La Habana, cùng tình trạng tiếp tục nghèo đói, thiếu thốn và bị cắt ra khỏi cuộc sống thế giới bên ngoài của người dân Cuba dưới chế độ Castro, ông vỡ mộng. “Thịnh vượng hay bình đẳng là điều người ta phải chọn. Tôi thiên về tự do, bởi người ta dù sao chẳng bao giờ đạt được công bằng, bình đẳng thực sự; đơn giản là họ chỉ hy sinh sự no ấm của người dân cho một ảo tưởng (chính trị)”, ông phát biểu vào khoảng cuối những năm 70 sau khi tan vỡ giấc mộng tả khuynh.

Như bao nhiêu trí thức “tự do” (“liberal”) ở châu Mỹ La-tinh, ông nghiêm khắc đối với những nếp chính trị truyền thống của những nước trong khu vực dù có “lợi thế” nằm trong sân sau của Mỹ nhưng lại bị dân chủ và nền kinh tế trù phú của Mỹ bỏ bê nhiều nhất và trở thành vùng đất màu mỡ cho những chế độ hữu khuynh, bạo lực, quân phiệt, bóc lột và mỵ dân tàn tệ. Trong một phỏng vấn năm 2002 của tờ New York Times, Vargas Llosa nói rằng nhà văn có nghĩa vụ phải “truy vấn về đời thực” là gì. “Tôi không nghĩ rằng có một tiểu thuyết vĩ đại mà chủ yếu không phải là một mô tả mâu thuẫn với thế giới như người ta vẫn thấy.” Những tác phẩm tiểu thuyết chính trị và lịch sử của ông là những cáo trạng mạnh mẽ nhằm vào những chế độ độc tài nhan nhãn trong vùng châu Mỹ La tinh trong các thập niên từ 50 đến 80 ở Nam Mỹ. Ông nhìn cao hơn vào thượng tầng kiến trúc của những chế độ đó, sâu hơn ở những giá trị mà những chế độ đó muốn áp đặt dựa trên bạo lực và sự đàn áp, và xa hơn vào cuộc sống chìm sâu dưới đáy vực của xã hội của người dân. Hiện tượng mà ông gọi là “thống trị đui mù về văn hóa, chính trị và đạo đức”. Một khi thấy chẳng tả chẳng hữu được, ông chọn con đường “neo-liberalism” (tân tự do) - một thứ chủ nghĩa xã hội không mác xít, cổ vũ kinh tế thị trường, thương mãi tự do, nhưng đồng thời có một mức độ khắc khổ nhất định ở tầng lớp trên cùng với việc tư hữu hóa và phân phối công ích, phúc lợi của nhà nước. Ông chưa có dịp thử nghiệm con đường của ông, nhưng ông quyết liệt với hai hình thức độc tài của thời đại: khuynh tả và khuynh hữu.

Năm ngoái, Ủy ban Nobel đã trao giải văn chương cho bà Herta Muller như một “xét nghiệm tử thi” đối với một chế độ cộng sản chuyên chính phủ nhận con người cá nhân - một cáo trạng tưởng như không còn cần thiết về một chế độ đã bị lịch sử đào thải và chỉ làm thêm đau nhức cho một vết thương lâu lành gặp những khi thời tiết trở trời. Bởi vì chế độ cộng sản thực sự đã thực sự cáo chung cách đây đúng 20 năm, cho nên nhiều người vẫn thắc mắc chẳng hiểu quyết định của Ủy ban Thụy Điển cho bà Muller giải Nobel có liên quan gì với thời đại chúng ta đang sống. Hơn nữa, những tiểu thuyết của bà Muller nằm trong không khí mùa đông buồn bã, thê lương chậm chạp của một nước Đông Âu về một xã hội con người không đến gần được với nhau dù mang những thân phận tương đồng làm cho người ta thấy xa lạ hơn gần gũi. Phải chăng trong quyết định trao giải thưởng cho Vargas Llosa, ý định của Hội đồng giải Nobel rõ ràng hơn, đó là sự cảnh giác trước xu hướng khuynh tả của nhiều nước ở Nam Mỹ ngày nay, đang nổi lên hàng đầu là Venezuela, Brazil, Ecuador, Nicaragua… như một giải pháp thoát ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ cùng những chế độ độc tài khuynh hữu và tìm cách cho người dân tham gia nhiều hơn vào sự phát triển chính trị, kinh tế của đất nước. Phải chăng quyết định năm nay hàm ý nhấn mạnh tính cảnh báo trong quyết định của Ủy ban Thụy Điền đối với với bà Muller năm ngoái, khi ta có thể thấy sự phủ quyết của ông đối với chủ nghĩa xã hội kiểu Mác xít là rõ rệt. Những chuyện của Vargas Llosa, thường dày ít nhất là gấp đôi, gấp ba các truyện của bà Muller, thường nóng bỏng, dồn dập, căng thẳng, có không khí âm mưu, bạo động, đấu tranh có quần chúng thay vì chỉ là những nỗi cô đơn, sợ hãi của cá nhân như trong những tiểu thuyết của bà Muller.

Vargas Llosa là một sự lựa chọn chẳng thể gây tranh cãi, bởi vì sự nghiệp của ông quá đồ sộ và con người của ông quá phong phú trên nhiều mặt, trong đó có bao gồm cả đề tài và thể loại. Nổi tiếng như một nhà văn, nhưng con người nhà báo lại rất mạnh mẽ nơi ông. Là nhà báo cho nên ông rất minh bạch, ít mơ hồ mộng tưởng như nhiều nhà văn. Nhà văn nhiều khi viết cho mình. Nhà báo phải viết cho người đọc. Nhà văn chẳng có tham vọng dạy dỗ ai. Nhà báo có mục đích giáo dục rõ ràng. Và mục đích giáo dục liên kết với mục đích thông tin, là điều cũng chỉ rất bàng bạc ở nhà văn. Và cuối cùng là để đạt những mục đích của mình, nhà báo trong nhiều trường hợp phải cố làm cho công việc giáo dục và thông tin bớt khô khan và dễ thẩm thấu bằng một cách viết, cách thực hiện có tính giải trí (entertaining) và chọn những đề tài có tính “quan cảm” - tức làm người ta thấy thích thú đến với những chuyện đời thường tình tiền tù tội.

Ông không chỉ nổi tiếng với những chuyện chính trị, lịch sử. Ông vẫn có những chuyện về cảnh sát, hình sự, điều tra vụ án… Nhưng những giới phê bình còn đặc biệt chú ý đến ông như một nhà văn có khả năng viết về những chuyện “tình yêu thể xác” – như cách ông định nghĩa về eroticism - một cách lôi cuốn và có sức hút. Đó thực sự là một mảng lớn trong văn nghiệp của ông. Và còn là một động lực hay một khảo hướng triển khai những câu chuyện của ông. Ông thường giải thích sự có mặt của văn chương “thể xác” trong những tác phẩm của ông như sự mô tả tự nhiên cuộc sống của con người của xã hội với những ẩn ức, ám ảnh, săn đuổi, sa lầy, tội lỗi, “nghiệp chướng” - một sự “sống sượng” có tính cách văn hóa của châu Mỹ La-tinh. Ông thường nêu bật “văn tức là người”, những tác phẩm của ông chỉ là những thể hiện có tính cách nhìn lại cuộc đời cá nhân mạnh bạo của ông, như tác phẩm nổi tiếng “Cô Julia và Người viết kịch bản” (Aunt Julia and the Scriptwriter) là cuộc hôn nhân đầu tiên không cưỡng được của ông vào năm ông 19 với một phụ nữ là em gái của người mợ ruột của ông. Đến năm 28, ông ly dị với bà sau một thời gian sống “bên ni bên nớ” ở Paris phải cắm đầu cắm cổ viết báo như điên để sống. Người vợ thứ hai là một người first cousin bà con gần gũi. Một tác phẩm nổi tiếng khác của ông là “Căn nhà ươm trồng” (the Green House), viết về một nhà chứa, những kinh nghiệm của ông với văn chương Pháp và cuôc sống ở Paris. “Cô gái xấu xí” (The Bad Girl 2000) viết về một ám ảnh 40 năm của một người về một người phụ nữ có sức quyến rũ bí ẩn nhưng không bao giờ trong tầm vì cô đã lúc ẩn lúc hiện một cách ma quái khủng khiếp trong đời của người có nghề chính là thông dịch này. “Đại úy Pantoja và Dịch vụ Đặc biệt” (Captain Pantoja and the Special Service) là câu chuyện về những người lính ở miền xa và dịch vụ “hộ lý” bị những ông sĩ quan chỉ huy khai thác một cách vô đạo như thế nào. Hay cuốn “Ngợi ca Người kế mẫu” (In praise of stepmother) là sự ám ảnh của một chàng trai mới lớn trước sự quyến rũ trần trụi hàng ngày của bà mẹ kế.

Và điều chót hết nơi ông chúng ta phải nhắc đến không chỉ là sự mê say ngồi trước bàn phím và nhập hồn vào bất cứ loại đề tài gì mà còn là sự nghiêm chỉnh của ông với nghề nghiệp. Chính những suy nghĩ của ông về việc tại sao “cầm bút”, viết cái gì và viết như thế nào đã khiến cho ông cũng đam mê việc đi dạy, và thể hiện những kinh nghiệm của mình được đúc kết một cách có hệ thống trong tác phẩm cực kỳ súc tích: Những bức thư cho một tiểu thuyết gia trẻ. Đại học Princeton là địa chỉ hiện nay của ông. Nhưng ông đã từng đứng ở bục giảng ở Madrid, Paris, London, Berne… Ông vẫn nói người ta chỉ có một đời để sống, chỉ có chính mình để hiểu, và chỉ có tiểu thuyết gia mới phải tưởng tượng không ngừng đến cuộc đời của người khác, nhập vai của họ để thể hiện trên những câu chuyện của mình. Ông cũng nói tiểu thuyết có sức mạnh vô song trong việc tạo nên những thay đổi trong cách nghĩ, cách sống của con người. Bởi vì một tác phẩm phải là một thông điệp về sự cần thiết phải thay đổi đề tồn tại có sức thuyết phục đi vào lòng người, nếu người viết cẩn trọng trong viêc lựa chọn thể loại, văn phong, từ ngữ, kết cấu và kết luận.

Cũng có thể ông gom lại ở nơi ông nhiều nhà - nhà báo, nhà văn, nhà chính trị, nhà chính luận (hay nhà truyền thông như một số người ở Orange County)… Và nói chung con người phải gõ computer hàng ngày cũng có thể quan trọng trong khả năng thay đổi thời thế đến thế như ông nói - miễn là họ thấy đó là thiên chức, nhiệm vụ, bổn phận của mình, thay vì chỉ nghĩ đến chuyện duy trì “trật tự có sẵn”.