Tháng Chín 1986 khi tôi vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ đã nhận được tin buồn đầu tiên trong giới văn học: kịch tác gia Vũ Khắc Khoan qua đời ở Minnesota. Buổi sáng ngồi uống cà phê với Mai Thảo ở quán Song Long, Little Saigon, anh cho biết anh sắp đi Minnesota tiễn đưa Vũ Khắc Khoan. Tôi nhìn anh. Nhìn ra cửa kính. Nhìn tờ Los Angeles Times trước mặt. Nhìn xuống ly cà phê. Mai Thảo nói cậu mới vào làm tờ Người Việt, công việc còn bề bộn, chỗ ăn chỗ ở chưa xong, cậu yên tâm, tôi sẽ nói với ông Thần Tháp Rùa là cậu có lời hỏi thăm. Là đủ nhé! Ở nhà nhớ viết cho Văn một bài về ông ấy đi. Nhớ đấy! Và tôi nhớ, trong những ngày khá bận rộn ấy, tôi đã viết những dòng chữ đầu tiên về Vũ Khắc Khoan.
Trở về từ xứ Vạn Hồ, Mai Thảo thực hiện ngay số Văn đặc biệt tưởng niệm Vũ Khắc Khoan*. Trên trang Sổ Tay, anh kể lại chuyến đi Minnesota ở nhà Cung Tiến, thành phố Roseville. Và tác giả Thu Vàng sau khi đón anh từ phi trường về đã nói với Mai Thảo là anh đã đến thành phố này đúng mùa thu vàng tới. Theo Cung Tiến: “… thu đẹp nhất ở đây những ngày có nắng. Cái nắng tháng Chín, tháng Mười lộng lẫy.” Thế nhưng, Mai Thảo kể lại, buổi sáng hôm đó “thức giấc nhìn ra thấy trời đang xám và thấp. Trần mây nặng triũ. Và những giải nắng vàng tươi trên những tàng dương kia sự thật chỉ là chính những chùm lá dương những chỗ đã thay màu. Và buổi sáng hôm nay ở Hồng Hoa Tỉnh - CungTiến đặt tên cho Roseville -, ở Minnesota, dưới mọi vòm trời văn học hải ngoại thảy đều không có mặt trời, không có nắng sớm, không có lộng lẫy. Không có. Không có. Vũ Khắc Khoan, một ngày trước tôi đến, đã mất.”
"… trọn vẹn mấy ngày ở lại thêm với Minnesota, đi dưới những trận mưa phùn, trên những con đường lá dương vàng rực, đỏ ối, tôi chỉ muốn nghĩ tới Vũ Khắc Khoan trong những điều rất thân mật, bình thường. Như chúng tôi đã sống với nhau gần trọn một đời qua những điều ấy. Cái áo vắt vai của Vũ ở hậu trường. Cái khăn quàng đỏ của Vũ ở phi trường Liên Khàng. Cái ống điếu của Vũ ở sân trường Đại học Đà Lạt. Cái tinh thần yêu đời lấp lánh mấy chục năm liền giữa bang phái văn nghệ chúng tôi..."
Cái tinh thần yêu đời "lấp lánh" là cách dùng chữ đặc biệt của Mai Thảo. Tôi vẫn còn nhớ lại hình ảnh hai ông - vào những thời điểm khác nhau cuả Sài gòn những năm bảy mươi - ngồi xích lô đến căn nhà số 38 đường Phạm Ngũ Lão Sài gòn. Nơi đây là địa chỉ của ít nhất ba tờ báo. Toà soạn Văn nằm dưới nhà, còn tầng trên là toà soạn báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh, và trên nữa là tạp chí Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan. Nơi hội tụ của ba tờ báo đó bao giờ cũng có những cuộc gặp gỡ không hẹn của những con người làm báo văn học.
Tôi không thân với Vũ Khắc Khoan, nhưng giữa ông và tôi có nhiều điều để nhớ. Trên Văn số tháng Mười 1986, tôi đã viết về một kỷ niệm với tác giả Thần Tháp Rùa sau những ngày 30 tháng Tư: Một Hạt Bụi Của Vũ Trong Sài Gòn Đỏ. Một lần nói chuyện với Vũ Thị Thơ, ái nữ của ông, tôi nhắc kỷ niệm khi gửi một truyện ngắn cho Vấn Đề, truyện ngắn mà ông nhiều lần nhắc tôi khi bước vào toà soạn Văn trước khi lên toà soạn của Vấn Đề ở tầng trên. Và, truyện ngắn đó của tôi sau khi có mặt trên Vấn Đề đã trở thành “một vấn đề” cho tờ tạp chí do ông điều khiển.
Sau vụ đó ở quán Cái Chùa, Sài Gòn, nói chuyện với Thanh Tâm Tuyền về vở kịch Thành Cát Tư Hãn, anh nói lâu lắm rồi, anh đã viết một bài về vở kịch này. Rằng ông Khoan là một nhà văn thức tỉnh, quá thức tỉnh, khiến những vấn đề ông đặt ra trong tác phẩm được giải quyết một cách gần như dứt khoát. Không có chuyện mập mờ và tối tăm trong tác phẩm của ông. Nhân vật của ông đứng khựng lại trước biên giới của ý thức. Ông không cho phép chúng dò kiếm lời giải bằng cách mở ngõ tiềm thức. Đó là cá tính của nhà văn họ Vũ. …” Thanh Tâm Tuyền cho biết “vở kịch có nhiều biến động của hoàn cảnh, nhưng nội giới các nhân vật vì bị nhốt trong ý thức chật hẹp không có những âm vang dữ dội thường thấy trong các bi kịch.”
Giờ đây, một năm sau ngày Vũ Khắc Khoan mất, tháng Chín 1987, tạp chí Văn Học** trong số đặc biệt về Văn nghiệp Vũ Khắc Khoan đã cho đăng lại bài của Thanh Tâm Tuyền: Nghĩ về Thành Cát Tư Hãn: Cái Cớ Của Vũ Khắc Khoan, viết từ năm 1962. “Một tác phẩm bao giờ cũng là một nhận thức của tác giả trước sự vật. Nhận thức của tác giả có thể hợp với số ít hay đám đông, điều đó không quan hệ đến giá trị tác phẩm. Tôi nghĩ rằng giá trị của tác phẩm không ở chỗ thuyết phục được người đọc hay không. Khi viết tác phẩm, tác giả chỉ làm công việc trình bầy nhận thức của mình và sự hiện diện tồn tại của tác phẩm tùy theo nó có là một sự kiện đặc sắc khiến người đọc phải dùng nó để đối chiếu kiểm điểm về mình hay không…. Không chỉ riêng tôi, bất cứ cái “tôi” nào, nếu có những quan niệm để đối chiếu, đều có thể khác biệt với Vũ Khắc Khoan. Nhưng, không phải vì thế mà không nhận Thành Cát Tư Hãn là một tác phẩm giá trị.”
Nhắc đến Vũ Khắc Khoan, thi sĩ Viên Linh trong khi trả lời phỏng vấn của Văn Học trong số báo nói trên kể rằng: “Vũ Khắc Khoan lúc nào cũng lừng lững như một pho tượng. Trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, chỉ cho Trần Quang một động tác trước khi Thành Cát Tư Hãn kéo màn. Trong Đêm Mầu Hồng một giờ sáng, ngồi sau một mặt bàn tròn, gõ bàn mà ngâm Hồ Trường. Đi trên hành lang Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hoá, bước xuống quán nhậu Hải Biên, mái tóc chải ngược về phía sau, hai vai chắc nịch, cặp mắt mở lớn, dọi thẳng, bước đi vững chãi, anh có cái điệu bộ đi thẳng vào đám đông như biết đám đông sắp rãn ra, để sau đó nhìn theo sau lưng anh mà ngưỡng mộ một tấm thân nam tử…”
Còn nhớ, tháng Mười, 1986, một tháng sau ngày Thần Tháp Rùa chia tay, tại ngôi chùa Việt Nam ở Los Angeles, chúng tôi tham dự lễ cầu siêu Vũ Khắc Khoan. Hôm đó có Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Phạm Công Thiện, Đào Trung Đạo, Lê Trọng Nguyễn, Trúc Chi, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Duy,…chúng tôi, mỗi người đều nhắc đến những kỷ niệm với tác giả Thành Cát Tư Hãn, … Nhà văn Tuấn Huy đã kể lại cảm tưởng của anh: “…tôi đứng chiêm nghiệm khuôn mặt một người đàn ông có nước da màu mật ong loãng, có sóng mũi cao, có đôi mắt sáng, và có mái tóc màu cước trắng bồng bềnh. Cái dáng người tầm thước, cái phong thái thanh thoát, cái giọng nói sang sảng đầy châm biếm mà cũng rất ngọt ngào… đang hiện ra lồng lộng trong trí nhớ tôi…tôi nghĩ đến cái chết và cái sống. Nghĩ đến những hội tụ và những chia lìa. Nghĩ đến cái đến và cái đi nhanh mau đột ngột của một đời người. Nghĩ đến Đinh Hùng. Nghĩ đến Vũ Hoàng Chương. Nghĩ đến Nguyễn Mạnh Côn. Nghĩ đến Thanh Nam và nghĩ đến Vũ Khắc Khoan…Tôi đang nhìn cuộc đời này. Và khoảnh khắc, tôi cảm nhận được tất cả chỉ là những phù du hư ảo của một kiếp người ngắn ngủi…”
Tuần qua, trong những ngày đầu Thu vẫn còn rây lại cái nóng chát của mùa Hè ở bắc California, tôi gọi Cung Tiến thăm hỏi tác giả Thu Vàng là xứ Vạn Hồ của bạn đã “lộng lẫy”nắng Thu chưa, và chúng tôi nhắc lại chuyện xưa, ngày Mai Thảo đến Minnesota tiễn đưa Vũ Khắc Khoan. Tôi nhắc Cung Tiến trong bài điếu văn anh đã đọc trước linh cữu họ Vũ. Và nhắc lại câu sau cùng trong một bài viết của Thầy Huyền Không: “Anh Vũ Khắc Khoan đã đi. Tôi muốn nói như người xưa, đi đây là đi về nghĩa là không phải đi mất. Như Thần Tháp Rùa đã yên ngủ mà vẫn còn dư ảnh đâu đây trong lòng người với sự tái tạo của một con người Vũ Khắc Khoan, nhà văn. Như Thành Cát Tư Hãn đã nằm xuống tự bao giờ mà vẫn còn đâu đó cái khí phách anh hùng đến riêng cõi cô đơn cũng chỉ với sự tái tạo của một con người: Vũ Khắc Khoan, kịch tác gia. Đến bây giờ, cái con người tái tạo cho những gì đã chết được sống đó lại cũng đã đi về.”
Thế mà giờ đây nhắc lại ngày chia tay Thần Tháp Rùa cũng đã 24 năm. Dài bằng thời gian tôi đặt chân lên đất Mỹ đến nay. [NXH]
*Văn số 52, tháng 10, 1986.
**Văn Học số 20, tháng 9, 1987
* Blog của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.