Malaysia sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh về tranh chấp ở Biển Đông

Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim.

Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, ngày 4/3 tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp hàng hải giữa hai nước, vài ngày sau khi một viện nghiên cứu đưa tin Trung Quốc tuần tra gần một dự án khí đốt ngoài khơi của Malaysia.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có khoảng 3 nghìn tỷ đô la giá trị thương mại đi qua hàng năm bằng tàu biển. Malaysia, Brunei, Philippines, Đài Loan và Việt Nam có một số yêu sách chồng lấn.

Ông Anwar nói trong một bài diễn văn hôm 4/3 tại phủ thủ tướng là vấn đề này đã được nêu ra giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Trung Quốc vào tuần trước, khi Malaysia có các dự án thăm dò năng lượng trong khu vực.

Ông Anwar không nói rõ tranh chấp nào hoặc khu vực nào ở Biển Đông.

“Ở khu vực đó cũng có yêu sách tương tự của Trung Quốc. Tôi đã nói (với họ) rằng là một nước nhỏ cần tài nguyên dầu khí, chúng tôi phải tiếp tục. Nhưng nếu điều kiện là phải có đàm phán thì chúng tôi sẵn sàng để đàm phán,” ông Anwar nói, nhưng không giải thích chi tiết.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khoảng 90% diện tích Biển Đông thông qua “đường chín đoạn” hình chữ U trên bản đồ cắt qua các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của 5 quốc gia Đông Nam Á.

Đường đó đã bị tuyên bố là không hợp lệ trong khuôn khổ phán quyết trọng tài quốc tế vào năm 2016, mà Bắc Kinh không công nhận.

Công ty dầu mỏ nhà nước Malaysia Petronas điều hành các mỏ dầu khí ở Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và trong những năm gần đây đã có một số cuộc chạm trán với các tàu Trung Quốc.

Chúng bao gồm cuộc đối đầu kéo dài một tháng giữa một tàu khảo sát của Trung Quốc và một tàu thăm dò dầu mỏ do Petronas ký hợp đồng vào năm 2020, mà Trung Quốc cho biết đang tiến hành các hoạt động bình thường.

Tổ chức nghiên cứu Hoa Kỳ, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), trong một phúc trình tuần trước cho biết một tàu tuần duyên Trung Quốc trong tháng qua đã hoạt động gần khu vực phát triển khí đốt Kasawari của Petronas ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia, và đã tiến gần đến 2,5 dặm của dự án. AMTI cho biết một tàu hải quân Malaysia cũng có mặt trong khu vực vào thời điểm đó.

Tàu CCG 5901, tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, hoạt động lần cuối tại mỏ khí Tuna Bloc của Indonesia và mỏ dầu khí Chim Sáo của Việt Nam, AMTI cho biết.

Mỏ Kasawari dự kiến sẽ bắt đầu khai thác trong năm nay.

Hải quân Malaysia không trả lời yêu cầu bình luận và Petronas từ chối bình luận.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 3/4 nói họ không biết về vụ việc cụ thể nhưng cho biết lực lượng tuần duyên hoạt động trong phạm vi quyền tài phán của Trung Quốc và hành vi của họ là không thể chê trách.