Nói ra thì thấy mình kỳ thị quá nhưng hôm tôi đặt chân đến sân bay Madrid tôi có cảm tưởng như mình vừa mới từ rừng núi trở ra thành thị thấy cái chi cũng lạ và cái gì cũng thích. Từ chiếc xe điện quen thuộc bắt từ phi trường về trung tâm thành phố cho đến tiệm ăn bình dân Hamburger King mà vừa nhìn thấy là đã muốn xông vào để ăn cho đã cơn thèm burger mà đã hơn hai tháng trời tôi không được ăn.
Thế mới thấy mình đã bị lai căng từ lâu lắm rồi mà không biết! Đi đâu xa, khổ cực đâu không thấy chỉ thấy nhớ phở và hamburger.
Thật ra thì trước khi máy bay đáp xuống phi trường thì tôi đã biết là thủ đô Madrid và thành phố Barcelona là hai nơi được khách du lịch đến thăm nhiều nhất. Barcelona vì đó là thành phố được xem là đẹp và lộng lẫy kiêu kỳ nhất Tây Ban Nha nằm cạnh biển Địa Trung Hải và Madrid vì đây là thủ đô của vương quốc Tây Ban Nha kể từ thế kỷ thứ 16 bắt đầu với triều đại Habsburg trải dài từ bắc Hà Lan cho đến nam Ý và bao gồm tất cả các thuộc địa ở vùng Nam Mỹ cũng như ở Philippines. Không có nơi nào ở Tây Ban Nha có nhiều đền đài, lăng tẩm như ở Madrid và cũng sẽ không có một viện bảo tàng nào lớn và có nhiều tranh quý giá của Goya (1746 – 1828) hoặc Velazquez (1599 – 1660) bằng viện bảo tàng nổi tiếng thế giới Museo del Prado nằm ngay trung tâm thành phố không xa khách sạn nơi tôi ở là bao.
Hôm tôi vào Prado để được tận mắt xem bức tranh để đời ‘masterpiece’ của Velazquez mang tựa đề ‘Las Meninas’ (Những Người Hầu) thường được cho là bức tranh tuyệt vời nhất thế giới (the best painting in the world, period!), cũng nhờ đọc cuốn sách guidebook giải thích cầm theo tôi mới hiểu thêm được chút ít tại sao bức tranh tôi đang nhìn trước mặt đã được nhiều người cho là tuyệt tác.
Từ ý tưởng cho đến ánh sáng được tô vẽ. Từ ánh mắt của những người hầu trong tranh cho đến hình tượng của chính người họa sĩ được chêm vào. Có đến nơi này và đọc được những dòng chữ giải thích về kỹ xảo của những tài danh một thời tôi mới thấy là mình chỉ vừa mới biết thêm được chút ít về nền văn minh của Châu Âu cách đây nửa thiên niên kỷ và cũng nhờ vậy đã có thể cảm nhận được thêm sự nông cạn về kiến thức của chính mình!
Mà đó cũng là cảm giác của tôi mỗi khi đi du lịch đến một nơi khác lạ. Càng đi xa, đi nhiều thì tôi lại càng có cảm giác là mình còn có quá nhiều điều vẫn chưa biết và không hiểu tí gì cả. Nếu như ngày xưa tôi không thể nào hiểu nổi một bức tranh của Monet hay Van Gogh trông chỉ có thế mà lại bán được từng ấy tiền thì bây giờ sau một thời gian đi du lịch và tìm hiểu ở Pháp, Ý, Hòa Lan… và hiện tại là Tây Ban Nha thì chỉ có thể nói tôi chỉ vừa mới hiểu sơ qua được chút ít tại sao lúc nào cũng có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để sở hữu nó.
Vì những bức tranh nổi tiếng được nhiều người say mê này không hẳn vì nó đẹp hay đã được một đại họa sĩ khắc họa thành công mà nó còn liên quan đến những yếu tố văn hóa và lịch sử nhất định khi nó được cho ra đời. Mà lịch sử được ghép từ hai chữ ‘his-story’ trong tiếng Anh là gì nếu không chỉ là những câu chuyện được kể lại từ đời này sang đời sau để kết nối cuộc sống hiện tại của chính chúng ta với thế giới của quá khứ?
Và đấy là những gì tôi mãi suy nghĩ khi từng bước tôi đã như bị thôi miên lạc vào khu viện bảo tàng Prado có một không hai trên thế giới. Cũng như lúc tôi mãi mê đọc về lịch sử vàng son một thời của triều đại Habsburg khi chân rải bước trên những khu phố nhỏ cổ kính ở Sol, cung điện hoàng gia Palacio Real với trên 2000 phòng ốc tráng lệ và khu phố công viên Plaza Mayor nay đầy khách bộ hành, nghệ sĩ hát rong và những người dân của thủ đô Madrid đang tụm năm, tụm ba người uống cà phê kẻ ngồi ăn tapas ngắm đất trời và khách qua người lại.
Mặc cho chuông nhà thờ đổ liên hồi báo rằng bây giờ đã là 11 giờ tối.
À! Thì ra đây chính là máu của người dân Tây Ban Nha – the Spanish blood – mà tôi đã nghe qua nhiều lần: cuồng nhiệt, hăng say và luôn sống hết mình. Từ những trận đấu bò hồi hộp đến nghẹt thở cho đến những vũ điệu Flamenco sôi nổi theo tiếng đàn Tây Ban Nha lên xuống nhịp nhàng.
Chắc là tôi phải cố tìm đến những nơi này để thưởng thức một lần trong đời. Để biết, để thấy và để cảm nhận được là mình đã sống.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.