Kỳ 2
Phong hóa Tuần báo số 90- Năm thứ ba, Thứ Sáu 23 tháng Ba, 1934, trang 4
“Lần này tôi hãy tạm cho 1 kiểu áo mới ra mắt các bạn. Mới thoạt trông chắc có người cho là lạ. Song của đáng tội, nó cũng hơi lạ thật. Nó lạ vì nó mới, nó gọn gàng -- nếu tôi không giám (dám) bảo là đẹp-- nói tóm lại là vì nó khác với kiểu mẫu hiện thời của các bạn. Cái đó đã cố nhiên nếu để tâm suy xét, hẳn ai cũng công nhận như vậy. Sửa sang mà lại không mới, không khác kiểu mẫu cũ thì chẳng còn ai dám sửa sang cho “to truyện”.
Vậy kiểu áo này tuy có đôi vẻ khác thường, xin các bạn cứ yên lòng. Không những nó có một tính cách riêng, nó lại còn tỏ cho người ngoài biết rằng: nước ta đã đến thời kỳ biết cải cách và cũng có riêng một bộ quốc phục hợp thời. Ngòai ra nó lại còn đúng với phép vệ sinh, thâu gồm các vẻ mỹ thuật và thêm giúp giáng (dáng) điệu của “phái đẹp”. Sở dĩ tôi cho hơi chật ở chỗ bụng là vì tôi muốn phân biệt rõ ràng phần ngực với phần bụng. Trái hẳn với ý tưởng của một vài nhà đạo đức Việt Nam, người Tây Âu đều cho bộ ngực cần nhất cho nhan sắc phụ nữ. Một người con gái đẹp mà “không có ngực”, nghĩa là ngực lép kẹp như chiếc đồng hồ Oméga - thì không thể nào gọi là một người đẹp hoàn toàn được... Có người khi trông thấy một thiếu phụ có bộ ngực nở nang thường ra chiều mai mỉa, vì họ cho thế là chướng, là lẳng lơ. Đối với người đó nếu ta đem ý tưởng Âu Tây, tinh thần mỹ thuật ra giảng, chắc họ không khi nào chịu hiểu. Họ có biết đâu rằng chính người mình cũng hay dùng câu: thắt đáy lưng ong để tả một người con gái đẹp. (Một số báo sau, tôi sẽ có bài nói về cách luyện bộ ngực cho được nở nang.)
Từ bụng trở xuống, ta nên thu hẹp lại cho mất vẻ lòa sòe. Nhưng có một điều tôi muốn các bạn để ý theo hơn hết là nên bỏ hẳn chiếc vạt con và cho chùng thêm các vạt chính. Ngoài hai việc lau tay và hỉ mũi, ta để vạt con không những không có ích gì thêm nữa, mà nó lại còn bất tiện, vì về mùa rét ta mặc hai, ba áo kép một lúc thì những vạt con ấy chồng chất lên nhau sẽ làm cho ta khó chịu và người trông sẽ thành một bên phồng cộn, còn một bên lép kẹp. Còn các vạt chính, tôi khuyên nên cho dài chút nữa, không phải để đối chọi với những chiếc pardessus de ville của phần nhiều công tử âu trang, mà chỉ vì tôi nghiệm rằng: phụ nữ các nước cũng cho là áo có hơi chùng -- nhưng đừng lụng thụng -- thì mới tôn được vẻ đẹp.
Ta cứ để ý xem áo của phụ nữ các nước văn minh như Pháp, Đức, Nhật cho đến những dân tộc mà ta cho là ít tiến hóa, sống trong những núi thẳm rừng xanh (các cô Mường Hòa Bình, Thái ở Phong Thổ) ta sẽ thấy rõ. Dù họ không đồng ý nhau hẳn ở những thứ hàng, kiểu may, họ cũng giống nhau được ở chỗ cho vạt chùng là đẹp.”
Phong hóa Tuần báo số 89- Năm thứ ba, Thứ Sáu 23 tháng Ba, 1934, trang 13
“Y phục của phụ nữ”
Trong bụng vẫn đinh ninh: Thế nào kỳ này cũng quyết hiến các bạn một vài kiều áo. Nhưng… một ý tưởng vụt qua làm tôi bàng hoàng sực nghĩ tới một thứ, một thứ mà đáng nhẽ ra phải nói ngay từ đầu, vì nó là phần đầu, phần chính, phần cốt yếu trong bộ y phục. Nó là… là… nói ra sợ chẳng ai tin, nó là cái quần. Phải, chính cái quần. Một người, bất kỳ người nào, nếu bảo họ cởi áo này, bỏ áo kia họ còn nghe, chứ nếu bắt họ làm theo ông Táo chắc họ chịu. Vậy thì… giời sinh ra thế, làm gì cũng phải có đầu đuôi tử tế mới được. Công việc tôi đã chót thiếu đầu, lẽ tất nhiên tôi phải thêm vào cho đủ. Từ cổ sơ đến giờ, cái quần của phụ nữ nước ta mới được có vài phần sửa đổi. Song sự sửa đổi đó, không những nó mới trong buổi phôi thai, chưa được mấy người hưởng ứng, nó lại chỉ ở một sự rất tầm thường và nhỏ mọn, nghĩa là nó chỉ ở như sự thay đổi cái mầu. Phụ nữ ta mới được ít người biết bỏ cái mầu đen di truyền, nó âm thầm buồn tẻ mà may bằng những thứ hàng màu trắng. Chị em dùng các hàng ấy để may quần là một điều rất có lý, mà có lý nhất nữa là hợp với cách vệ sinh. Tuy thế còn một điều chị em vẫn chưa để ý tới. Đó là lối cắt may. Lối cắt hiện thời của chị em tôi xem còn hơi chút lụng thụng, chính vì thế bề mỹ thuật mới có bề giảm kém. Ống quần cần phải may rộng cho mát đã đành, còn như từ đùi đến cạp mà may rộng quá, thì thật không nên. Bảo rằng chỗ đó phải cho khá rộng phòng khi thai nghén cũng có lẽ. Song ta cũng nên biết rằng không bao giờ được làm gì quá sự cần dùng. Sự quá lạm thường khi vô ích.
Vậy quần của bạn gái tôi thiết tưởng nên thay đổi theo cách sau này:
Từ cạp đến đầu gối nên thu hẹp bớt để vừa khít với thân hình, như thế những vẻ đep thiên nhiên của từng người mới lộ ra được. Còn từ đầu gối trở xuống đến chân, hai ống quần lại phải may rộng dần ra để khi đi đứng cái dáng điệu của các bạn được tăng thêm vẻ nhẹ nhàng. Còn trên cạp thì có hai lối: lối thứ nhất (trong hai hình tròn) may mổ tựa như quần tây, nhưng hai miếng hai bên phải rộng và giài (dài) hơn để có thể buộc khép vào với nhau được. Rải (dải) rút ta sẽ thay vào hai cái rải (dải) cùng thứ vải may quần dính vào hai đầu cạp rồi thắt chéo sang cạnh sườn. Nếu muốn cẩn thận hơn chút nữa, ta có thể thêm mấy cái khuy bấm ở bên cạnh mép (chỗ quần mổ) cài vào với nhau. Lối thứ hai thì cũng như cạp quần thường, nhưng có một điều nên (để) ý là đừng may rộng quá.”
Phong Hóa Tuần báo, Số 96- Năm thứ ba, Thứ Sáu 4 tháng Ba, 1934-, trang 13)
“Mấy mẫu quần mới”
“Một số trước đây, tôi đã có dịp nói tới cái mẫu quần lối “loa” rồi-Tôi tạm gọi tên lối đó là lối “loa” vì hai ống nó bắt đầu từ giữa người đến đầu gối thì hẹp và từ đầu gối xuống bàn chân thì từ từ rộng ra như cái loa vậy. (Trông nó giống cái “loa” thì tôi gọi tên nó thế chứ thật ra không có ý gì khác xin ông chủ báo “Loa” đừng nghĩ ngợi.) Cứ theo như lối quần “loa” mà các bạn thêm thắt đôi chút sẽ được mấy mẫu quần khác nữa.
Mẫu quần này phải may bằng lĩnh ta màu trằng hai bên có hai cái nẹp to bằng cái đũa. Nẹp cũng làm bằng thứ lĩnh ấy nhưng lộn trái đi cho mất bóng.
Hai bên ở chỗ dưới cạp xếp vào độ ba, bốn xếp rồi theo đó mà là thành nếp xuống đến tận gấu. Xin nhớ là không phải khâu hay đính chỉ.
Kiểu này cũng na ná như kiểu (A) nhưng khác chỗ không có nẹp bằng vải lộn mà lại bằng đăng-ten (dentelle). Dùng thứ rộng độ hai phân tây trở lại là vừa. Lối này ta có thể luồn trong nẹp đăng-ten một thứ vải ruban đồng mầu với áo ta mặc. (Cát Tường, Số 96, trang 13). – Còn tiếp một kỳ
Vài nét về Nguyễn Tà Cúc Nguyễn Tà Cúc sinh năm 1953 tại Vụ Bản, Nam Định. Di cư vào Nam năm 1953 lúc mới có sáu tháng tuổi. Sống ở Sàigòn cho đến khi rời Việt Nam di tản sang Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1975. Học tại các Trường Nữ Trung học Gia Long, Đại học Khoa học và Đại học Vạn hạnh, Sàigòn. Năm 2007, trở lại Pennsylvania để tiếp tục việc học dở dang từ năm 1980. Tốt nghiệp Cử nhân năm 2009 và tốt nghiệp Cao học năm 2010 về Hoa Kỳ Học (American Studies). Cô làm Thư ký Tòa soạn Nguyệt san Khởi Hành (Nam California) do nhà thơ Viên Linh làm Chủ nhiệm và Chủ bút và cũng là người duy nhất cùng nhà thơ Viên Linh làm tạp chí văn hóa này. Là người viết phê bình của Khởi Hành, cô đã viết nhiều loạt bài liên quan đến Văn học Miền Nam và những vấn đề Phụ nữ. |