Kỳ 3
II.-Phân tích về cuộc vận động của Lemur Cát Tường, nhà văn Nhất Linh và Phong Hóa Tuần báo nhắm cải cách y phục phụ nữ và tạo một bộ “quốc phục”cho phụ nữ Việt Nam
Dẫn đầu và công đầu dĩ nhiên dành cho họa sĩ Lemur Cát Tường. Ông xác nhận qua một bức thư ngỏ trên Phong Hóa (số 96, trang 4) là ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương tại Hà Nội. Ông không “phát minh” ra chiếc áo dài nhưng nếu không có ông, không biết bao giờ người ta mới có cái đà đẩy mạnh việc cải tiến một chiếc áo “lốc thốc” (lời của ông) thành một cái áo hầu như hoàn thiện đến không còn gì sửa đổi được nữa. Ông đề nghị: may sát người (cả áo lẫn quần) để phô ra phần ngực và thắt thêm phần eo; tà (vạt) áo dài hơn, chọn quần màu trắng thay cho màu đen. Riêng về quần, ông đề nghị may một chiếc nẹp chạy dọc suốt chịều dài quần hay dùng ren (“dentelle”) đính vào. Ren (hay “dentelle”) cũng là một sản phẩm của Tây phương. Quan trọng nhất, ông muốn bỏ hẳn loại cổ đứng (như cổ Tàu) mà thay bằng một loạt các cổ áo theo Tây phương (cổ bẻ, cổ viền sau, cổ chun vv). Ông bênh vực cho đề nghị đó như sau:
-“Cúc cổ chẳng bao giờ cài thì cái cổ để làm gì, tôi xin hỏi? Để che cổ ư? Thì nó nhỏ síu (xíu) thế kia, che thế nào đủ, vả lại áo các phụ nữ nước lạnh bên Âu Mỹ còn chẳng cần cổ, nữa là xứ ta khí hậu rất nóng. Còn hai ống tay thì… thì các bạn cứ thử co tay lại vuốt mái tóc mà xem. Có phải nó chật quá không?… nó khó chịu và bất tiện lắm không…” (Phong Hóa số 86) hay “Toàn thân bộ áo của phụ nữ nước nhà chỗ nào cũng đáng chỉ trích. Kiểu mẫu đã giống cái “áo chai”, đôi tay lại như cái “ống nứa” mà còn cái cổ lại “vô nghệ nghiệp”. Ống tay không thích hợp, tôi đã lạm phép sửa lại Còn cái cổ bơ vơ không việc, tôi hết sức xin bãi bỏ. […] Ta ở xứ nóng thì sao ta lại theo họ là người xứ lạnh. (Số 88).
Nhưng cũng như chủ trương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Cát Tường không tránh khỏi có lúc thái quá (hay mâu thuẫn với chính ông) đến nỗi có khi phê phán phụ nữ Miền Nam và Việt Nam bằng những nhận xét hay mỉa mai không đúng:
-“Phụ nữ đất Bắc ta ít khi gài khuy cổ, song ở trong Nam chẳng bao giờ đàn bà chịu để cổ hở. Làm như thế, họ đã tự đặt mình vào một hạng kỳ quan… trong các kỳ quan trong vũ trụ. Họ không như con gấu hai mõm, con gà ba chân hoặc con rùa hộp, nó chỉ làm trò cười cho độc giả Phong Hóa, họ lại đứng riêng ra một phái mà đối với người biết quan sát, nó lạ đời một cách bất ngờ […] Còn ở trong Nam – cho đến tận mỏm Cà mâu – khí hậu bội phần nóng bức thì… thật là “bất trị”…áo của phụ nữ không những có đủ cỡ mà họ lại có tính chơi bướng mang cài nút lại. Như thế phỏng còn trời đất nào nữa? (Nguyễn Cát Tường, Số 88, trang 9)
Lại nữa, tuy kêu gọi phụ nữ tập thể thao, nhưng xem ra Cát Tường (và cả một số nhà văn trong nhóm) hạn chế sự tập thể thao vào việc “làm đẹp” mà chống lại việc nam nữ bình quyền một cách cụ thể như diễn thuyết, đua xe đạp hay chơi một môn thể thao như nam giới. Vì quá hăng hái trong việc muốn đổi mới, Cát Tường viết những lời không đẹp mà cũng không đúng:
-“Phụ nữ nước ta ít người có thân hình đẹp: không béo lùn, tất gầy khẳng khiu như cái “xe điếu” hay khô đét như con “cá mắm mực”[…] Nói như thế không phải là khuyên chị em vận quần đùi, áo cộc, đi giầy “sáng đá” rủ nhau lập hội bóng tròn như mấy cô ở “cái Vồn” trong Nam Kỳ hồi năm ngoái đâu […] Thể thao làm cho người béo được săn da lẳn thịt, thể thao cần thiết cho than thể cũng như cơm gạo. Chị em Âu, Mỹ đều công nhận như thế…” (Cát Tường, Số 91)
Thế còn đa số (theo Cát Tường) phụ nữ “lùn, gầy khẳng khiu như cái “xe điếu” hay khô đét như con “cá mắm mực” thì tập “15 phút mỗi buổi sáng” có chữa được các chứng bệnh này hay không? Và các cô Hà Nội đã được vào thơ của nhà thơ Quang Dũng (“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”) thì nhờ tập món thể thao nào? Người ta có cảm tưởng rằng khi Cát Tường và một số nhà văn này nói đến “cái đẹp” của phụ nữ là một cái đẹp để trang trí hơn là một cái đẹp “thậm hùng dũng” (mượn lời học giả Nguyễn Văn Tố). Những phụ nữ cấp tiến từ Nam ra Bắc diễn thuyết như Phạm Thị Nga, Nguyễn Thị Kiêm (trợ bút và đại diện tạm thời cho tờ Phụ Nữ Tân Văn tại Hà Nội) đều bị bỡn cợt trên Phong Hóa. Người đọc sửng sốt mà chứng kiến nhà văn Nhất Linh, tác giả cuốn Đọan Tuyệt có đoạn nói đến cảnh khổ của nhân vật chính có chồng bênh vợ hai, viết về một nữ đồng nghiệp như sau:
-“Cô Nguyễn Thị Kiêm hết diễn thuyết ở Hanoi, ở Namdinh lại xuống Haiphong diễn thuyết lần thứ ba. Lần này cô nói về chế độ đa thê […]Nhưng còn cái tệ đa ngôn? Ngẫm nghĩ mãi tôi mới hiểu vì cớ gì bọn đàn ông biểu đồng tình với cô mà muốn bỏ chế độ đa thê: đàn ông ai mà chẳng có lần lầm lỡ. Về nhà một bà diễn thuyết cho nghe cũng đủ khổ, huống chi lại ba bốn bà, ba bốn lần diễn thuyết.” (Nhất Linh, “Tin tức .. …mình”, Phong Hóa số 124, 16. XI, 1934, trang 14)
Nhưng khiếm nhã nhất phải kể Tú Mỡ. Độc giả hiểu ngay Tú Mỡ muốn ám chỉ điều gì và ám chỉ những ai--những cô gái trung lưu có học, biết đọc sách và ở thành phố-- khi giới thiệu bài “Một ngày” trong mục “Giòng nước ngược” như sau: “‘Sự thực’ của một bà tân nhân vật. (Đối với một ngày lý tưởng của cô Nguyễn Thị Kiêm trong bài diễn thuyết tối hôm 9.9 ở Khai Trí Tiến Đức)”.
Đây là những câu tiêu biểu của Tú Mỡ: “Tay em tuy vụng tuy hèn/Kẻ hầu, người hạ, sẵn tiền em thuê…/Bốn giờ thưởng thức văn chương/Cảm chàng Đạm Thủy, thương nàng Tố Tâm/…Chín giờ chớp bóng đi xem/Ái tình học ngón chị em nước người/Xem trò ấp ngực hôn môi…”(Số 116, trang 9)
Bên cạnh bài Tú Mỡ là bài của nhà văn Thạch Lam có đoạn cợt nhả về việc “Cô Nga diễn thuyết” với những câu như: “Diễn thuyết về phụ nữ với ‘thể thao’ cho phụ nữ Bắc Kỳ nghe mà diễn trên sân quần trường thể dục thì thật là khéo chọn[…]Sân quần lập xong rồi người ta được xem nó… phơi quần” (Phong Hóa sđd). Nếu ai nghi ngờ, có thể dở lại Phong Hóa số 113 đọc bài “Chiêu hồn Phụ nữ Tân thời” cũng của Tú Mỡ sẽ xác định được thái độ và quan điểm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (trừ Khái Hưng) với phụ nữ cấp tiến dù họ vẫn biết rằng đó là những sự cần thiết:
-“Hồn xưa giòng giõi thế gia/Bốn ngàn năm giữ nếp nhà nho phong…/Tiếng oanh the thé vang trời/Nay đòi giải phóng, mai đòi tự do/…Hồn rằng tỏ chí tung hoành/Nên hồn cuốc bộ Hà thành-Đồ Sơn…/Hồn rằng hồn thích “sịch po”/Đến trường thể dục hồn hò xây sân/Xây sân tưởng để đánh quần/ Nào ngờ chỉ để phơi quần, than ôi!/Thấy Hồn hăm hở bồi hồi/Ai ngờ hăng hái như mồi lửa rơm…” (Số 113)
Như thế, tóm lại, chiếc áo Lemur xuất hiện trên một tờ báo thế lực như Phong Hóa với một sứ mệnh tuy rõ ràng nhưng có xung đột ngay từ chính nó: cải cách y phục cho phụ nữ nhưng chưa chấp nhận một cuộc cải cách toàn diện về tinh thần cấp tiến của phụ nữ; một điều mà bà Phan Thị Bạch Vân, chủ nhiệm và chủ bút sáng lập của tờ Tinh thần Phụ Nữ (sau phải đổi thành Nữ Lưu Thư Quán khi bà bị chính quyền Pháp đưa ra Tòa) ở Gò Công, đi tiên phong trước đó khoảng 5 năm. Nhưng đàng khác, không ai có thể phủ nhận được công của Lemur và tờ Phong Hóa trong sự thay đổi được quan niệm về mỹ thuật liên quan đến sự phục sức khiến dẫn đến sự thay đổi hầu như hoàn toàn của y phục phụ nữ Việt. Những bức minh họa như của Cát Tường về phụ nữ mặc áo tắm bó sát, những tiểu thuyết bênh vực phụ nữ như Nửa Chừng Xuân và Đọan Tuyệt, những bài xã luận in ngay trên bìa của Nhất Linh (ký là Nhị Linh) nhắm thay đổi đời sống dân quê, những mẩu tin châm biếm kẻ trọc phú hay đám quan trường nhũng lạm vv đã tạo được một sự chú ý rồi có thay đổi cụ thể tuy những thay đổi này của nhóm và cũng của Cát Tường nữa là nhắm vào cả một giới trong đó cũng quan trọng với họ là phụ nữ nghèo hay ở thôn quê.
Đó là tâm điểm và sự thành công của chiếc áo Lemur dù sau này không ai may rập khuôn kiểu áo đó từ cổ đến vạt: Nhất Linh nhấn mạnh hai chữ “phổ thông” để làm nền cho một kiểu y phục mà ai cũng có thể mua được mặc được và Cát Tường cũng đã xướng ra rồi thể hiện ý muốn phổ thông đó qua một kiểu áo có thẩm mỹ bằng những đường cắt khéo lợi dụng được nét đẹp tự nhiên của phụ nữ.
Có dịp chúng tôi sẽ so sánh phần kỹ thuật cắt may của áo Lemur với áo dài hiện nay căn cứ trên chiếc áo Lemur được tái tạo tại Cerritos, California với phần thực hiện (may áo) do chị Nguyêt Điện (Santa Ana, California) đảm trách. Trong phần này, người viết cũng sẽ phân tích xem chúng ta đã giữ lại và cũng không giữ lại những gì từ đề nghị của Lemur Cát Tường.
Tiện đây, người viết cũng xin được quý độc giả góp thêm ý kiến cũng như chỉ ra những thiếu sót của người viết để tiện bổ túc nếu cần. Nếu quý độc giả nào có thêm tài liệu về Phong Hóa, về Tạp chí Đẹp (do Cát Tường và Tô Ngọc Vân chủ trương), về áo Lemur vv cũng xin chuyển cho chúng tôi qua diễn đàn này để chúng tôi bổ túc. Người viết xin được cảm ơn trước quý vị độc giả và diễn đàn của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng về những góp ý và tài liệu đó.
Chú thích:
-Tài liệu và hình ảnh sử dụng trong bài này thuộc về anh Lê Tuấn Anh, Diễn đàn Sách Xưa, Hà Nội
-Chiếc áo Lemur tái tạo tại Hoa Kỳ đã may xong vào ngày 15 tháng 6 và sẽ xuất hiện trong buổi “Cuộc Diễn thuyết về Y phục Phụ nữ”, với 2 diễn giả là nhà vẽ kiểu Trần Thị Lai Hồng và nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc qua sự điều hợp của nhà xã luận Yến Tuyết, do Nhật báo Người Việt bảo trợ. Cuộc diễn thuyết này sẽ được tổ chức tại Phòng Sinh hoạt Nhật báo Người Việt, Nam California, từ 1giờ trưa đến 4 giờ chiều ngày thứ Bảy 23 tháng 7, 2011.
-Cấm trích dịch, phổ biến mà không có giấy phép bằng văn bản của tác giả.[NTC]