Các nhà lãnh đạo thế giới tưởng niệm ông Nelson Mandela

Thế giới thương tiếc cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela

Tóm lược tiểu sử ông Mandela

Tóm lược tiểu sử ông Mandela

1918 - Sinh ở Transkei, Nam Phi
1944 - Gia nhập Ðại Hội Dân tộc Phi châu ANC
1956 - Bị truy tố về tội phản nghịch, sau đó được miễn tố
1962 - Bị cáo buộc tội phá hoại và kết án tù 5 năm
1964 - Bị kết án tù chung thân vì âm mưu lật đổ chính quyền
1990 - Ðược phóng thích khỏi nhà tù
1991 - Ðược bầu làm Chủ tịch ANC
1993 - Ðoạt giải Nobel Hòa bình
1994 - Ðắc cử tổng thống Nam Phi
1999 - Quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì
2004 - Rút lui khỏi đời sống công cộng
2007 – Thành lập nhóm Bô lão
2011 - Nhập viện trong thời gian ngắn vì nhiễm trùng phổi
2012 - Lại phải nhập viện vì sạn thận
2013 - Ðược điều trị chứng nhiễm trùng phổi tái phát, từ trần ngày 5 tháng 12
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gọi điện thoại cho góa phụ của ông Nelson Mandela để chia buồn.

Ông Obama hôm qua gọi cho bà Graca Machel để nói với bà về những ảnh hưởng sâu đậm của vị cựu Tổng thống Nam Phi đối với cuộc đời của ông. Ông cũng cám ơn bà Machel vì niềm vui bà mang lại cho ông Mandela và cam kết của hai ông bà đối với việc xây dựng một thế giới của hòa bình, công bằng và bác ái.

Nhà lãnh đạo Mỹ ra lệnh treo cờ rũ tại Tòa Bạch Ốc và các cơ quan công quyền khác vào ngày thứ hai tới đây, một cử chỉ hiếm thấy để bày tỏ lòng tôn kính đối với một nhà lãnh đạo nước ngoài.

Nhiều nhà lãnh đạo Phi châu, có mặt ở Paris hôm thứ 6 để dự một hội nghị cấp cao về an ninh, đã hứa noi gương ông Mandela.

Ông F.W. de Klerk, nhà lãnh đạo apartheid cuối cùng của Nam Phi, nói rằng di sản lớn nhất của ông Mandela là sự chú trọng của ông đối với vấn đề hòa giải. Ông de Klerk đã đoạt giải Nobel hòa bình cùng với ông Mandela, người mà ông thả ra khỏi nhà tù năm 1990. Ông nói rằng quan hệ giữa hai ông “thường là có nhiều sóng gió,” nhưng cả hai “lúc nào cũng có thể sát cánh với nhau vào những thời điểm quan trọng.”

Tổng giám mục Desmond Tutu, một nhà tranh đấu chống apartheid, gọi ông Mandela là “một viên kim cương quí giá”, một người đã từ nhà tù bước ra mà “hầu như không có tì vết nào.” Ông Tutu nói rằng người bạn này của ông, thay vì đi theo con đường “lấy oán báo oán”, đã đưa ra thông điệp tha thứ và hòa giải.

Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, người cùng với ông Tutu và ông Mandela thành lập một nhóm chính khách thế giới gọi là Nhóm Trưởng Lão, nói rằng Nam Phi có được sự may mắn là có một nhà lãnh đạo hô hào cho lòng khoan dung và nhờ đó mà đất nước đã “không bị thiêu rụi.”

Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập Miến Điện và cũng là người đoạt giải Nobel Hòa bình, tán dương ông Mandela là “một con người vĩ đại đã nâng cao tiêu chuẩn của loài người.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông sẽ luôn luôn tiếc nhớ người bạn mà ông đã hy vọng có thể gặp lại. Vị tu sĩ Phật giáo đoạt giải Nobel Hòa bình này nói rằng tuy ông Mandela từ giã cõi đời nhưng “tinh thần của ông sẽ sống mãi.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi những người thương mến ông Mandela trên thế giới tiếp tục làm việc cho một thế giới tốt đẹp và công chính hơn.

Ba cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Bill Clinton và George W Bush cũng ca ngợi ông Mandela là một người tận tụy phục vụ cho tự do, nhân phẩm và bình đẳng.

Thủ tướng Anh David Cameron gọi ông Mandela là một vị anh hùng thật sự của cả thế giới. Ông nói thêm rằng “một ngọn đèn vĩ đại của thế giới vừa tắt.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ “sự thương tiếc sâu xa” trước cái chết của người mà ông gọi là “chính khách nổi tiếng thế giới.” Ông nói rằng ông Mandela, người đã tới thăm Trung Quốc hai lần, sẽ luôn luôn được nhớ tới vì sự đóng góp của ông cho các mối quan hệ giữa Trung Quốc với Phi châu và cho sự tiến bộ của nhân loại.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng bày tỏ lòng thương tiếc và nói rằng Ngài cầu nguyện để cho tấm gương của ông Mandela sẽ tạo nguồn cảm hứng cho những thế hệ mai sau ở Nam Phi.