Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ từng xem ông Mandela là một phần tử Cộng Sản


Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại một buổi hòa nhạc ở Westminster Hall, London, 2/7/2003
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại một buổi hòa nhạc ở Westminster Hall, London, 2/7/2003

Tóm lược tiểu sử ông Mandela

Tóm lược tiểu sử ông Mandela

1918 - Sinh ở Transkei, Nam Phi
1944 - Gia nhập Ðại Hội Dân tộc Phi châu ANC
1956 - Bị truy tố về tội phản nghịch, sau đó được miễn tố
1962 - Bị cáo buộc tội phá hoại và kết án tù 5 năm
1964 - Bị kết án tù chung thân vì âm mưu lật đổ chính quyền
1990 - Ðược phóng thích khỏi nhà tù
1991 - Ðược bầu làm Chủ tịch ANC
1993 - Ðoạt giải Nobel Hòa bình
1994 - Ðắc cử tổng thống Nam Phi
1999 - Quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì
2004 - Rút lui khỏi đời sống công cộng
2007 – Thành lập nhóm Bô lão
2011 - Nhập viện trong thời gian ngắn vì nhiễm trùng phổi
2012 - Lại phải nhập viện vì sạn thận
2013 - Ðược điều trị chứng nhiễm trùng phổi tái phát, từ trần ngày 5 tháng 12
Cũng như ở hầu hết các nước khác trên thế giới, ông Nelson Mandela được nhiều người ở Mỹ tôn sùng. Tuy nhiên, theo tường thuật của Thông tín viên đài VOA Scott Sterns thì trong thời Chiến tranh Lạnh, biểu tượng chống chủ nghĩa apartheid này đã bị giới lãnh đạo ở Washington đối xử rất lạnh nhạt vì bị xem là một phần tử Cộng sản.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy nói rằng nước Mỹ trong năm 1962 đã ủng hộ “một nhóm các nhà lãnh đạo xuất sắc của Phi châu”, những người đang ra sức xây dựng đất nước sau khi giành được độc lập. Ông nói:

"Lâu nay chúng ta không biết gì về châu lục này vì châu lục này do Âu châu làm bá chủ. Bây giờ châu lục này đang mở rộng và chúng ta muốn là một phần của nó. Và sự quan tâm của chúng ta hoàn toàn có tính chất vô vụ lợi. Chúng ta không có nhiều quan hệ thương mại trong lịch sử. Chúng ta không có quá khứ bóc lột. Chúng ta đã ủng hộ cho nỗ lực của Liên hiệp quốc ở Phi châu. Chúng ta muốn họ được độc lập."

Trong lúc hết lòng hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo ở Algeria, Ghana và Guinea, Hoa Kỳ không bao gồm Đại hội Dân tộc Phi châu ANC của ông Nelson Mandela trong nhóm các nhà lãnh đạo lãnh đạo xuất sắc của Phi châu.

Nam Phi theo chủ nghĩa apartheid là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở Phi châu trong thời Chiến tranh Lạnh, với nguồn cung ứng uranium ổn định, các hải cảng để chiến hạm Mỹ ghé thăm, và 4 trạm theo dõi phi đạn. Ngoại trưởng Dean Rusk chống đối việc chế tài kinh tế và cảnh báo rằng quyền cai trị bị suy yếu của người da trắng có thể làm gia tăng “sự xâm nhập của Cộng Sản.”

Cựu Tổng thống Lyndon Johnson tiếp tục đường lối chống Cộng, mặc dù ông Robert F. Kennedy, lúc đó là thượng nghị sĩ, đã gặp lãnh tụ Albert Luthuli của ANC vào năm 1966 và đọc bài diễn văn nổi tiếng tại Đại học Cape Town, trong đó ông nói rằng những cú đánh vào sự bất công tạo ra những làn sóng hy vọng. Ông Robert Kennedy nói:

"Và khi vượt qua nhau từ một triệu trung tâm khác nhau của sức sống và lòng dũng cảm, những làn sóng đó tạo ra một luồng nước có thể xô ngã những bức tường kiên cố nhất của sự đàn áp và chống cự."

Dưới thời hai chính phủ Nixon và Ford, giá trị chống cộng của chế độ cai trị của người da trắng ở Nam Phi đã được củng cố bởi sự ủng hộ của ông Mandela dành cho Chủ tịch Fidel Castro của Cuba và sự hiện diện của hơn 30.000 binh sĩ Cuba ở Angola, những người đã ngăn chận cuộc tiến quân của Nam Phi tới Luanda năm 1975.

Ông Castro nói rằng khi binh lính Nam Phi xâm lăng Angola, người Cuba không thể khoanh tay đứng yên.

Ngoại trưởng Cyrus Vance của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã dẫn đầu một phái đoàn Liên hiệp quốc đến Nam Phi năm 1978 sau khi Pretoria xâm chiếm phần đất hiện nay là Nambia. Chính phủ Carter đã siết chặt một lệnh cấm vận vũ khí nhưng tiếp tục phản đối các biện pháp chế tài.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan nói với ký giả Walter Cronkite của đài truyền hình CBS rằng nếu nước Mỹ có thể thương thuyết với Nga thì dĩ nhiên Washington có thể tiếp tục điều đình “với một nước bạn như Nam Phi”, là nước “thiết yếu đối với thế giới tự do trong việc sản xuất khoáng sản.”

Nhà nghiên cứu John Arquilla cho biết như sau về chính sách đối ngoại của ông Reagan:

"Vào lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh, Nam Phi là nơi sản xuất với số lượng lớn các tài nguyên thiên nhiên thuộc loại chiến lược quan trọng nhất – đó là vanadium và những kim loại chiến lược quan trọng. Và do đó chính phủ độc tài và kỳ thị chủng tộc ở đó đã có thể dựa vào đó để mua bán đổi chác, bởi vì Liên Sô, kẻ thù của chúng ta, có tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn chúng ta rất nhiều."

Trong lúc những cuộc biểu tình chống apartheid tại các khuôn viên Đại học Mỹ mỗi lúc một nhiều, Quốc hội đã bỏ phiếu để vượt qua vụ phủ quyết của Tổng thống Reagan đối với các biện pháp chế tài kinh tế.

Dân biểu Louis Stokes cho biết như sau trên đài truyền hình C-Span về những hoạt động phản kháng thuộc loại bất tuân dân sự bên ngoài đại sứ quán Nam Phi ở Washington:

"Đó là điều tối thiểu mà chúng tôi có thể làm, vì nếu ông Nelson Mandela có thể trải qua 28 năm trong tù để tranh đấu cho đồng bào của ông và không phạm bất kỳ tội gì, thì đương nhiên chúng tôi cũng có thể vào tù một đêm để nêu bật sự bất công của chế độ apartheid ở Nam Phi."

Với việc ông Mandela được thả khỏi nhà tù năm 1990, cựu Tổng thống George Bush đã mời Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk tới Tòa Bạch Ốc để chứng tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với điều mà ông gọi là một kiểu lãnh đạo mới, có thái độ thực tế hơn về vấn đề thay đổi chính trị. Cựu Tổng thống Bush nói:

"Trả tự do cho ông Mandela rõ ràng là một dấu hiệu rất tích cực. Tôi nghĩ rằng còn nhiều chuyện cần phải làm, nhưng có những việc mà ông ấy đã làm xứng đáng nhận được sự ủng hộ và tán thưởng của chúng ta."

Các nhà lãnh đạo của cuộc vận động chống apartheid đã chỉ trích việc Tổng thống Bush mời ông de Klerk tới thăm Tòa Bạch Ốc, lời mời đầu tiên dành cho một vị Tổng thống của Nam Phi.

Nhà hoạt động Randall Robinson nói rằng Tổng thống Bush đã quá vội vã:

"Tôi yêu cầu ông có thái độ phù hợp với cách hành xử trước đây của Mỹ đối với vấn đề này và cũng phù hợp với phản ứng của chúng ta đối với những nước nằm dưới sự cai trị của những tay bạo chúa cỡ này."

Ông Mandela đã tiến hành hòa giải chủng tộc và trở thành vị tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ.

Theo lời cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, ông Mandela đã trở thành một vị anh hùng của nhiều người trên khắp thế giới:

"Trong một thời gian rất lâu, cái tên Nelson Mandela tượng trưng cho lòng khao khát tự do. Chế độ apartheid không thể làm cho ông im tiếng. Và khi ông được trả tự do, người dân trên khắp nước Mỹ, những người từng tranh đấu cho công lý ở Nam Phi, đã hết sức vui mừng."

Những lập trường trong quá khứ đối với vấn đề chấm dứt chế độ apartheid đã trở thành một phần của sinh hoạt chính trị ở Mỹ.

Ông Karl Rove, giám đốc ban vận động bầu cử của cựu Tổng thống George W Bush, cho biết vấn đề này là một phần trong quá trình xem xét để chọn ông Dick Cheney làm ứng cử viên phó Tổng thống. Ông nhận định:

"Ông Cheney từng là một thành viên rất bảo thủ trong quốc hội và chúng tôi sẽ phải tìm cách bênh vực cho thành tích bỏ phiếu của ông, kể cả việc bỏ phiếu chống lại một nghị quyết yêu cầu trả tự do cho ông Nelson Mandela."

Tổng thống Bush đã đón tiếp ông Mandela tại Tòa Bạch Ốc và nói rằng ông là một biểu tượng của lòng dũng cảm. Nhưng ông Mandela lúc đó đã cần được cho miễn thị thực bởi vì còn nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của chính phủ Mỹ.

Nữ dân biểu Barbara Lee nói rằng một nỗ lực của cả hai đảng đã được thực hiện để đưa tên ông Mandela ra khỏi danh sách đó, Bà cho biết:

"Đây là một trong những thời điểm mà chúng ta nhìn thấy bộ trưởng ngoại giao cùng với những người thuộc phe Cộng hòa và phe Dân chủ, mọi người làm việc chung với nhau để kết liễu chính sách khủng khiếp mà chúng ta áp dụng đối với ANC và ông Nelson Mandela."

Tổng thống Barack Obama nói rằng ông Mandela là người đặt ra tiêu chuẩn về sự phục vụ tha nhân “bất kể chúng ta là học sinh sinh viên, người trông tiệm hay nông dân, là bộ trưởng nội các hay tổng thống. Ông kêu gọi chúng ta phục vụ đồng loại của mình và làm cho các cộng đồng của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG