Sự kiện cá chết hàng loạt phơi xác tràn lan các bãi biển bốn tỉnh Miền Trung Việt Nam như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng xẩy ra cả tháng nay, đã gây xúc động và phẫn nộ cho nhân dân trong nước cũng như người Việt hải ngoại, đưa đến các cuộc xuống đường biểu tình đòi đảng và nhà cầm quyền CSVN phải công bố nguyên nhân và thủ phạm đã gây ra thảm trạng “vô tiền khoáng hậu” này. Bởi vì hậu quả của vụ việc đã tác hại nghiêm trong đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân trong vùng và thực phẩm cá cho các bữa ăn của nhân dân hầu như cả nước.
Thế mà cho đến nay, cả tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân thực sự và xác nhận thủ phạm đã làm cho cá chết hàng loạt dọc theo khoảng 200 km bờ biển Trung phần Việt Nam, với sô lượng cá chết đủ loại ước đoán lên đến hàng triệu con. Một số quan chức hữu trách thì vẫn giải thích quanh co, phi lý, coi thường sự hiểu biết của nhân dân và các giới khoa học trong nước và quốc tế; thậm chí có viên chức có trách nhiệm thuộc cơ quan trung ương dám giải thích hiện tượng cá chết hàng loạt là từ độc chất trong nước tiểu do có quá nhiều người tắm biển thải ra. Báo chí truyền thông nhà nước thì hoàn toàn im lặng, không dám đưa tin liên quan đến vụ cá chết và phản ứng “bức xúc” của nhân dân đưa đến các cuộc biểu tình phản đối của hàng ngàn người dân ở Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác trong nước cũng như nhiều nơi có đông người Việt sinh sống tại hải ngoại.
Trong khi đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh dạo khác của đảng và nhà nước thì vẫn tỏ ra dửng dưng, vô cảm trước thảm trạng gây hậu quả nghiêm trọng nhiều mặt và khổ lụy đến đời sống hàng ngàn gia đình ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cả trên biển từ bao đời nay. Thay vì đến thăm người dân bị nạn, Nguyễn Phú Trọng còn làm cái gọi là “thị sát kiểm tra tiến độ công trình Formosa” của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh), vốn là nghi phạm chính vì có nhiều bằng chứng đã xả một số lượng lớn chất độc cực mạnh ra biển trong quá trình súc rửa đường ống xả thải. Sự thể này khiến nhân dân cả nước và người Việt ở hải ngoại phẫn nộ và nghi ngờ rằng đảng và nhà cầm quyền VN đang cố tình bao che, tìm cách “hoãn binh chi kế” cho thủ phạm có thời gian xóa sạch dấu vết một tội phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhiều mặt cho đất nước và cho đời sống nhiều người dân.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra cho ông Tổng Trọng và các lãnh đạo khác của đảng và nhà nước VN là sự vô cảm của họ đến thế đã là cùng chưa?
Nếu vẫn chưa là cùng, thì rồi đây không chỉ hàng ngàn mà sẽ là hàng vạn, hàng triệu người dân phẫn nộ xuống đường cùng lúc, liệu lúc đó các công cụ bảo vệ “Nền chyên chính tư sản Đỏ” như quân đội, công an, cảnh sát của chế đố có dám theo lệnh của lãnh đạo đàn áp, bắn giết tàn sát hàng loạt nhân dân theo kiểu “Thiên An Môn” vào năm 1989 của quan thầy Trung Quốc hay không?
Ông Trọng và những người lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN chắc không quên những luận điểm đấu tranh cách mạng có tính quy luật của Lenin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh”. Khi sự nghiệp đấu tranh của nhân dân phát triển đến độ “tức nước vỡ bờ”, tức là khi “tình thế cách mạng đã chín muồi”, thì cuộc cách mạng của nhân dân nổ ra vào thời điểm này “nhất định sẽ thắng lợi”, vì thuẫn giữa nhân dân và giai cấp thống trị đã đến cực diểm và các công cụ bảo vệ “chuyên chính vô sản” sẽ quay về với nhân dân, không còn dám bắn giết, tàn sát nhân dân để bảo vệ chế độ nữa. Đó cũng là thực tế ở Liên Xô năm 1991, khi chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản Liên Xô áp đặt sau hơn 70 năm (1917-1991) đã tan rã trước sức mạnh vùng lên, không cần vũ khí của nhân dân, phải chuyển đổi qua chế dân chủ pháp trị theo ý nguyện của nhân dân Nga.
Ông Tổng Trọng và các lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước CSVN hiện nay nghĩ sao? Chúng tôi ước mong họ sớm giác ngộ để chấm dứt sự vô cảm, phản tỉnh kịp thời, biết phải làm gì để thoát hiểm,có lợi nhất cho dân cho nước, tránh đưa đến “Tình thế cách mạng chín muồi”, dẫn đến hậu quả tai hại cho dân cho nước và cho chính số phận tương lai của những người lãnh đạo chế độ hiện nay.
Chúng tôi tự hỏi không biết những nhà lãnh đạo các chính đảng quốc gia-dân tộc-dân chủ, với mục tiêu đấu tranh giành chính quyền với đảng CSVN, để thực hiện mục tiêu lý tưởng của mình, liệu đã chuẩn bị xong mọi mặt dể tiếp quản chính quyền khi thời cơ đến, tạo thế ổn định chính trị, tránh tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ kéo dài, từng xẩy ra ở một số nước khi có sự chuyển đổi chế độ chính trị?
Câu trả lời xin dành cho các chính đảng quốc gia-dân tộc-dân chủ đã và đang hoạt động trong và ngoài nước Việt Nam.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.