Đường dẫn truy cập

Xuống đường 1/5: Kẻ nào đồng lõa với tội hủy hoại môi trường?


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Việt Nam mùa hè 2016. Tháng Tư lặp lại. Tháng Tư tái hiện bùng nổ phản kháng xã hội.

“Cá chết Formosa” đã không chỉ giết biển và tước đoạt những hạt gạo cuối cùng của ngư dân miền Trung, mà còn vinh danh một vết bẩn đáng kinh tởm đến tận cùng trên gương mặt “nhà nước của dân, do dân và vì dân” ở Việt Nam.

Formosa Hà Tĩnh là một “vụ án” chính trị?

Hàng loạt bằng chứng “chống lưng” cho Formosa Hà Tĩnh liên tiếp và dồn dập hiện hình: thái độ chậm chạp, vô cảm lẫn vô trách nhiệm đến mức kinh ngạc của chính quyền Hà Tĩnh cùng các bộ ngành hữu quan Việt Nam trước vụ “cá chết Formosa”; chuyến thị sát “kiểm tra tiến độ công trình Formosa” mà bị dư luận hiểu như một cách “bảo kê” của Tổng Bí thư Trọng. Kết cục nhưng chưa hề kết thúc: giới lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sau họp kín là hủy họp báo, rồi lại họp báo chỉ vỏn vẹn 10 phút để chẳng hề công bố được một nguyên nhân xác đáng nào về vụ cá chết hàng loạt gây điêu đứng dân sinh ở ít nhất 4 tỉnh miền Trung.

“Mặc dù được một số thế lực bao che và tìm cách hoãn binh để phi tang, nhiều bằng chứng đã chỉ ra nghi phạm số một của vụ đầu độc biển Vũng Áng: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã xả số lượng lớn chất cực độc ra biển trong quá trình súc rửa đường ống xả thải” - bản tuyên bố về “Tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam” của hàng trăm trí thức Việt đồng thanh tố cáo.

“Vụ Formosa càng bộc lộ rõ hơn sự vô trách nhiệm, vô cảm và bất chấp lợi ích quốc gia, cuộc sống của người dân, cũng như bất lực của cả một hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trước một đại nạn quy mô lớn của quốc gia, khi vụ việc được người dân phát hiện gần một tháng mới có sự khởi động điều tra. Sự chậm trễ ấy rất nhiều khả năng đã tạo điều kiện cho nghi can có thì giờ xoá tang tích để thoát tội”.

“Người dân càng phẫn nộ trước phát ngôn hàm ý bao che cho nghi phạm, đánh lừa, xoa dịu dư luận của một số quan chức cấp bộ và tỉnh, trước hành vi hết sức khó hiểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản - tổ chức tự cho mình độc quyền lãnh đạo toàn diện quốc gia - đã đến thăm nghi can số một, thay vì thăm hỏi người dân bị nạn, đúng vào thời điểm mọi mũi dùi công luận chĩa hết vào nghi can ấy”.

Tháng Tư đang lặp lại. Tháng Tư năm 2015, gần 100.000 công nhân ở Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ đã đổ ra đường biểu tình để phản đối chính sách nhà nước không cho nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Chính quyền ngay lập tức đã phải “sửa sai”.

“Cả nước hãy cùng xuống đường vào 09h00 ngày 1/5/2016. Tại Hà Nội: Nhà hát lớn, số 1 Tràng Tiền. Tại Sài Gòn: Công viên 30/4, Lê Duẩn, Quận 1. Tại các tỉnh: ở bất cứ đâu với bất cứ ai có thể xuống đường với một biểu ngữ trong tay và một tài khoản facebook” - những lời kêu gọi vừa quyết liệt vừa tha thiết trên mạng xã hội. Cho một cuộc biểu tình đồng cảm với nỗi đau ngư dân miền Trung và đòi hỏi phải tìm bằng được thủ phạm giết biển.

“Đây là một tội ác hủy hoại môi trường sinh thái và diệt chủng tiềm tàng. Trước mắt là cá và các loài thủy hải sản chết hàng loạt, và đã có người chết; sau đó sẽ gây ra bệnh tật nguy hiểm cho con người và các vật nuôi như đã từng xảy ra ở một số nơi trên thế giới trước đây cùng nhiều hệ lụy chưa thể lường hết được”.

“Đây là giọt nước tràn ly sau quá nhiều tai họa do các dự án từ khai khoáng (như bauxite Tây Nguyên) đến thủy điện, nhiệt điện, chế biến… tràn lan khắp đất nước, bất chấp những cảnh báo tâm huyết của trí thức và nhân dân. Đã đến lúc nhà cầm quyền phải nghiêm túc rà soát, điều chỉnh, nếu cần thì hủy bỏ các dự án bất lợi cho sự phát triển bền vững, cho an ninh quốc phòng, nhất là các dự án của China, không để tiếp tục xảy ra những tai hoạ về môi sinh cũng như về các mặt khác”.

Đã đến nước này, hãy đừng nói rằng chỉ có giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền mới quan tâm đến hiện tình khốn quẫn của đất nước. Đã đến nước này, mỗi nạn nhân môi trường cùng mỗi người dân trằn trọc đều có thể trở thành một mũi lao, một viên đạn phản biện và phản kháng.

Bao giờ cũng thế, những cuộc xuống đường và biểu tình bùng nổ từ trong lòng lịch sử. Để kết thúc cái lịch sử ấy.

Tháng 5/2015, hàng ngàn người dân Hà Nội đổ ra đường biểu tình phản đối hành vi chặt hạ 6.700 cây xanh. Ngay lập tức chiến dịch thảm sát cây xanh phá sản. Một thời gian sau, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị “mất chức”.

Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Bất cứ một chính quyền và công an địa phương nào đang tâm cản phá cuộc xuống đường hiến định ngày 1/5 tới đều sẽ bị xem là đồng lõa với tội hủy hoại môi trường và phải bị nhân dân khởi kiện!

Hãy để cho người dân được quyền tồn tại và lên tiếng tố cáo!

“Người dân Việt Nam quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hi sinh môi sinh của đất nước, hi sinh quyền lợi của dân nghèo, hi sinh chủ quyền quốc gia;

Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và phe đảng;

Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở Biển Đông!”

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG