Lãnh đạo Châu Âu bất bình với Hy Lạp

Các lãnh đạo trong khu vực sử dụng đồng Euro cho biết không ấn tượng với các đề nghị cải cách gần đây nhất của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.

Giới lãnh đạo Châu Âu tỏ ra bất bình và giao hẹn cho quốc gia đang bị kẹt nợ nần Hy Lạp ‘thời hạn cuối cùng’ vào cuối tuần này phải đạt một thỏa thuận cứu nguy với các chủ nợ quốc tế.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận cứu nguy đúng thời hạn chót vào cuối tuần. Nhà lãnh đạo Hy Lạp hôm nay tuyên bố bất kỳ biện pháp cải cách nào cũng phải chia sẻ gánh nặng của dân chúng, tạo công ăn việc làm, và khuyến khích giới doanh nghiệp.

Sau cuộc họp khẩn hôm qua, các lãnh đạo trong khu vực sử dụng đồng Euro cho biết không ấn tượng với các đề nghị cải cách gần đây nhất của Thủ tướng Alexis Tsipras.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk phát biểu:

"Không tìm ra được một thỏa thuận có thể dẫn tới việc Hy Lạp bị vỡ nợ và hệ thống ngân hàng của nước này mất khả năng chi trả nợ nần. Và dĩ nhiên dân chúng Hy Lạp sẽ bị gánh chịu nặng nề nhất. Tôi đoan chắc rằng điều này sẽ ảnh hưởng toàn bộ Châu Âu, kể cả về mặt địa chính trị. Nếu ai đó ảo tưởng rằng mọi chuyện sẽ không kết cục như thế thì quả là họ quá ngây thơ. Thực tế rõ ràng là chúng ta chỉ còn 5 ngày để tìm ra một thỏa thuận chung cuộc. Trước thời khắc này, tôi luôn tránh đề cập tới các thời hạn chót, nhưng đêm nay tôi phải lên tiếng rõ ràng và dứt khoát rằng thời hạn cuối cùng chấm dứt trong tuần này. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này và tất cả chúng ta đều phải có bổn phận phải giải quyết nó."

Tuần trước, Hy Lạp không thể thanh toán khoản vay 1,8 tỷ đô la cho Qũy Tiền tệ Quốc tế khi các Bộ trưởng tài chính Châu Âu khước từ gia hạn gói cứu nguy giúp Hy Lạp chi trả cho IMF.

Athens nói họ đã chịu đựng quá đủ với các khoản cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, cùng các điều kiện khắc nghiệt khác mà EU áp hầu để đổi lấy gói cứu nguy. Mấy ngày trước đây trong tuần, cử tri Hy Lạp bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý từ chối các biện pháp kiệm ước thêm nữa và tố cáo các chủ nợ EU làm nhục và biến nô dịch hóa dân Hy Lạp.

Giới lãnh đạo Châu Âu thẳng thừng bác bỏ cáo giác đó. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker:

"Tôi mạnh mẽ bác bỏ tất cả các cáo buộc từ người dân Hy Lạp trong chiến dịch trưng cầu dân ý rằng chúng tôi không tôn trọng phẩm giá của dân Hy Lạp, rằng chúng tôi là những kẻ khủng bố. Tôi không ưa từ này. Họ là ai và họ nghĩ tôi là ai. Tôi kịch liệt ủng hộ việc giữ Hy Lạp lại trong khối các nước sử dụng đồng Euro."

Nhưng ông Junker cũng thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo Châu Âu đã bắt đầu sửa soạn cho Hy Lạp rời khỏi nhóm 19 quốc gia sử dụng đồng Euro.

Nhiều ngân hàng ở Hy Lạp đã đóng cửa và các máy rút tiền tự động chỉ cho phép người dân rút tối đa 67 đô la tiền mặt mỗi ngày.

Các kệ hàng nhanh chóng hết sạch và các trạm xăng khô cạn, không ai biết được đích xác chuyện gì sẽ xảy ra tiếp nữa.

Sau cuộc họp khẩn, Thủ tướng Hy Lạp cam kết sẽ có hành động cấp bách và tốc hành đối với thời hạn chót vừa được đề ra.

Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống Barack Obama hôm qua đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp. Ông Obama nhắc lại rằng mọi người đều quan tâm đến việc Hy Lạp và các chủ nợ của nước này đạt được một thỏa thuận chấp nhận được cho cả đôi bên.