Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã từ chức hôm thứ Hai, một ngày sau khi cử tri Hy Lạp bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo bác bỏ một đòi hỏi của các chủ nợ nước này đòi áp đặt thêm những biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy những khoản vay cứu nguy mới cho chính phủ ở Athens.
Quyết định từ chức của ông Varoufakis gây ngạc nhiên vì ông đã nói rằng ông sẽ chỉ từ chức nếu người dân Hy Lạp bỏ phiếu ủng hộ việc chấp nhận những đòi hỏi thắt lưng buộc bụng.
Tuy nhiên, ông Varoufakis hôm thứ Hai nói rằng ông đã nhận thức được điều mà một số thành viên của khu vực đồng euro muốn là sự "vắng mặt" của ông trong các cuộc họp của các bộ trưởng tài chính. Ông nói rút khỏi những cuộc họp đó là "một ý tưởng mà Thủ tướng [Hy Lạp] xem là có thể giúp ích cho ông ta trong việc đạt được một thỏa thuận" với các chủ nợ của Hy Lạp.
Ông Varoufakis thường xung đột với các chủ nợ trong vài tháng qua. Và một vài ngày trước, ông cáo buộc Liên minh Châu Âu "khủng bố" bằng cách đe dọa người dân Hy Lạp bỏ phiếu theo ý muốn của EU.
Phát ngôn viên của chính phủ Hy Lạp cho biết trong một thông cáo rằng Thủ tướng Alexis Tsipras "cảm thấy cần phải cảm ơn" ông Varoufakis "cho những nỗ lực không ngừng của ông thúc đẩy lập trường của chính phủ và lợi ích của người dân Hy Lạp, trong điều kiện rất khó khăn."
Người thay thế ông Varoufakis sẽ được công bố sau đó trong ngày thứ Hai, phát ngôn viên này nói.
Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy 61% cử tri đã cự tuyệt những cảnh báo từ các nhà lãnh đạo Châu Âu rằng, phớt lờ lời kêu gọi của họ cho áp đặt thêm những biện pháp kiệm ước có thể buộc Hy Lạp rời khỏi khối 19 quốc gia sử dụng đồng euro.
Thủ tướng Tsipras, người đã kêu gọi bỏ phiếu "không", nói rằng kết quả này là “chiến thắng của dân chủ." Ông Tsipras cho biết Athens sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán, và rằng kết quả này củng cố vị thế của ông để đạt một thỏa thuận tốt hơn với các chủ nợ của Hy Lạp.
Phe đối lập tố cáo ông Tsipras là gây phương hại đến tư cách thành viên của Hy Lạp trong khối 19 quốc gia sử dụng đồng eruo. Thủ lãnh đối lập Antionis Samaras đã loan báo từ chức, sau khi đảng Tân Dân chủ của ông kêu gọi bỏ phiếu ‘có’ trong cuộc trưng cầu dân ý.
Liệu các chủ nợ có sẵn sàng rút lại các yêu sách kiệm ước và chấp thuận cấp thêm tiền cứu nguy cho Hy Lạp không là điều rất bất trắc. Trong lúc Athens chưa trả được khoản nợ 1,8 tỷ đô la đã đáo hạn cho IMF tuần trước, các nhà lãnh đạo Âu châu nói một cuộc bỏ phiếu không sẽ là dấu hiệu Hy Lạp muốn rời khỏi khu vực đồng euro và tách ra khỏi Châu Âu về mặt chính trị.
Hàng ngàn người Hy Lạp tụ tập ở quảng trường chính của Athens đêm qua để hoan nghênh kết quả trưng cầu dân ý, nhiều người reo hò, “không, không!”.
Gần 10 triệu người đã đăng ký đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Các giới chức cho hay hơn 62% đã chính thức đi bầu.
Người đứng đầu các bộ trưởng tài chính khối euro, ông Jeroen Dijsselbloemm nói “các biện pháp và cải cách khó khăn là điều không thể tránh được” để phục hồi nền kinh tế Hy Lạp.
Một cử tri dự báo sẽ không có kết quả tốt sau cuộc trưng cầu dân ý, và nói “lẽ ra không nên tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này. Không có vấn đề nan giải. Cách gì thì cũng vẫn xấu cho chúng ta.”
Nhưng những người nói “Có” cho rằng Hy Lạp không có chọn lựa nào khác hơn là một tương lai với Châu Âu. Bị buộc rút ra khỏi khu vực euro có nghĩa là Hy Lạp sẽ phải trở lại sử dụng chỉ tệ cũ của mình là đồng drachma, loại tiền mà bên ngoài Hy Lạp có thể từ chối không chấp nhận.
Tuần lễ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý thực là thảm hại cho nhiều người Hy Lạp.
Chính phủ đã định ra những giới hạn gắt gao về việc rút tiền để tránh tình trạng hết tiền, mặc dầu nhiều máy rút tiền tự động đã mau chóng cạn tiền mặt. Các siệu thị mau chóng hết các mặt hàng lương thực cơ bản. Các chủ hiệu đã miễn cưỡng đưa thêm hàng ra quầy bán vì không biết làm cách nào có thể trả tiền cung ứng.
Các nhà lãnh đạo Âu châu đã lên án Athens là từ chối không tiến hành thêm các cải cách kinh tế, trong khi phía Hy Lạp thì nói họ đã hy sinh đủ rồi và cảm thấy như phải làm nô lệ cho các chủ nợ.