Làng chài Gò Nổi, nằm gần cầu Đen, bên sông Thu Bồn. Đây là một làng chài mà suốt hơn bốn mươi năm, đời sống của ngư dân vẫn bấp bênh mọi thứ, hầu như không có người vào đại học bởi đời sống quá vất vả, thiếu thốn mọi bề.
Họ là những ngư dân lâu năm, đời sống trôi theo dòng nước, nơi nào sông cạn, họ lại tìm đến dòng sâu để mưu sinh. Công cụ làm việc của họ là ghe nan, ghe nhôm, mái chèo, lưới, đăng, đó, ống trúm, giã cào. Lưới để đánh cá, ống trúm để nhử lươn, giã cào để xúc hến. Hằng ngày, họ làm việc từ 11h đêm đến 5h sáng. Người ở nhà chuẩn bị sẵn để đi bán cá, luộc hến, bán các loại hải sản khác cho đến 3h chiều. Có lúc công việc này kéo dài đến 7h đêm. Một ngày quần quật làm việc của cả một gia đình năm, sáu người có thể kiếm được từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng, không hơn. Số tiền nhỏ này dành cho mọi sinh hoạt gia đình, từ việc giỗ chạp, cưới hỏi, phải trái với xóm giềng hay lễ Tết. Tất cả đều nhờ vào mẻ lưới, con cá, con hến.
Cụ Hiền, người được mệnh danh là ông tổ nghêu sò ốc hến ở làng chài Gò Nổi, Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Mình đi cào, bằng tay, hoặc bằng máy, về mình đãi, đãi ra con hến rồi nấu, nấu rồi đãi ra ruột.”
“Nghề này cực lắm, đi làm từ đêm. Sáng về thì luộc hến, nấu. Một ngày kiếm một trăm rưỡi, hai trăm ngàn, lời tiền công chứ mấy. Nghề này cực lắm, bởi không có ai làm,” chị Hạnh, ngư dân làng chài Gò Nổi, cho hay.
Bà Hồng, ngư dân lâu năm của làng, tiếp lời: “Từ Câu Lâu, đi An Hội, đi Kỳ Lam, đi các nơi, mấy chục cây số, rất khó khăn. Bữa nay làm ăn vất vả hơn mấy năm nhiều. Cá giờ cũng khó có, rất khó khăn, gay go lắm! Dân ở xóm này làm ăn khổ ghê lắm!”
Hiện tại, làng chài Gò Nổi đã có nhà trên đất liền, có nhà đã được cấp bìa đỏ, có nhà còn chờ quyết định của nhà nước. Đời sống ít bấp bênh hơn về chỗ ở, nhưng bù vào đó, ngư dân sông nước phải đối mặt với hiểm họa thủy điện, xả thải công nghiệp và nạn cát tặc. Thủy điện có thể xả đập bất kỳ giờ nào. Vào những ngày xả đập, hàm lượng cá đánh bắt được xuống mức thấp nhất. Những khúc sông có ống xả thải công nghiệp trở nên đen đúa, thành bầu ao thuốc độc. Nạn hút cát khiến cho dòng chảy thay đổi, tôm cá cũng mất chỗ để sống.
Những ngày thủy điện xả đập lên dòng Thu Bồn, ngư dân phải di chuyển về tận An Hội hoặc bơi ngược lên nguồn, vượt đường sông chừng 20km đến 30km để đánh bắt. Mặc dù phải di chuyển khá xa, nhưng có khi đi cả ngày chỉ được vài con cá nhỏ, hoặc không có gì. Họ lại quay về, dọn ghe cho sạch để chuẩn bị buổi đánh bắt mới. Nạn sa tặc đã làm thay đổi dòng cảnh và thay đổi môi sinh trên sông, những con sông trơ trọi, cạn dòng, bị bồi lấp chỉ còn lạch nhỏ, ghe thuyền không thể ra vào, ngư dân co cụm.
Một ngư dân khác tên Hùng trong làng chài Gò Nổi cho biết thêm: “Làm nghề ở đây thì bữa được bữa mất. Bữa nào bình thường, không xả đập thì cũng làm kiếm được ít, còn bữa nào xả đập thì ngồi không, ra đây ngồi rồi về không. Thứ Hai là sông càng ngày càng cạn, ở đây có làm cái cầu nữa, trước đây chưa làm cầu thì sông ở đây rộng lắm. Đi qua đi lại khó lắm, để đồ ở dưới thuyền thì sợ mất cắp nên phải về nhà mà mỗi lần mang thì khó lắm. Tôi nhiều lần đi họp, tôi có đề nghị chính quyền tạo điều kiện cho tụi tôi có công ăn việc làm, làm cho sông sâu hơn cho chúng tôi đi qua đi lại làm ăn. Tôi nêu ý kiến miết nhưng không thấy ai trả lời hết nên chúng tôi chỉ biết ráng làm thôi.”
Hiện tại, mức thu nhập của hầu hết các gia đình ngư dân trên sông đều bị giảm mặc dù giá thành các loại thuỷ sản tăng cao do biển nhiễm độc gần một năm nay. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu và việc học hành của các trẻ em gia đình ngư dân. Hầu hết các gia đình trong làng chài… không có người học đại học.
Bé Phương, học sinh lớp 3 nổi tiếng học giỏi trong làng chài Gò Nổi, nói: “Con thấy mọi người làm lưới rất khổ… Lớn lên con không làm lưới, con muốn làm giáo viên.”
Bốn mùa quanh quẩn cùng mưa nắng, con nước lớn, con nước ròng, con tép, con tôm, cái đăng, cái rớ, chiếc ghe, mái chèo, trẻ con không kịp lớn bởi cơm áo gạo tiền, người lớn không kịp già bởi lao động vất vả, chỗ ở bấp bênh. Mặc dù cách đường cái lớn chưa đầy cây số, nhưng vượt ra khỏi lũy tre làng là một giấc mơ khó thực hiện với bất kỳ đứa trẻ nào trong làng chài.