Đường dẫn truy cập

Sông Tranh 2 và động đất


Sông Tranh 2 và động đất
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:49 0:00

Nói về Nam Trà My, người ta nói đến những đồng bào K’ Dong luôn sống trong nỗi thấp thỏm vì động đất. Đời sống bị thay đổi nhiều kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện trên vùng đất này.

Những ngôi làng mới, được gọi là khu tái định cư với thiết kế nhà ba gian tiêu chuẩn cấp bốn hết sức xa lạ với đời sống đồng bào K’Dong.

Tiền đền bù cho đất rừng của bà con được giao cho một nhóm nhà thầu để họ xây những ngôi nhà này và giá thành của nó khá cao, nên tiền đền bù đất rừng mà bà con có thể nhận chẳng còn bao nhiêu.

Những ngôi nhà mới đó luôn trống hoắc bởi chỉ sau hai trận động đất nhẹ thì hầu hết bị nứt tường. Bà con K’Dong phải tự mình dựng lên những ngôi nhà sàn bằng tre hoặc gỗ tạp để ở, phòng khi động đất, nhà có sụp cũng không gây thương tích hay chết người giống như nhà xi măng.

Bà Trần Thị Bông, cư dân xã Trà Đốc, huyện Trà My, bên cạnh thủy điện Sông Tranh 2, cho biết: “Nói về động đất thì vô số kể. Thiệt hại về hoa màu hay sức sản xuất cũng không nhỏ, dân thì hoang mang vì không ổn định. Nhưng tiền đền bù thì không thỏa đáng. Nhà của tôi đây cũng vậy, xây gì mới đây mà đã nứt nẻ hết rồi. Dân ở đây nghèo đói lắm, chúng tôi chẳng biết lấy gì để sống. Trước đây chúng tôi làm lúa rất nhiều, năm bảy chục bao, sống thoải mái. Giờ không có lúa để ăn, mà cũng không có đất để canh tác, rừng cũng hết rồi, vì thủy điện đã lấy hết đất rồi. Giờ mình đói, lâu lâu họ mang cho vài chục ký gạo để nhứ nhứ dân vậy đó chứ chẳng thấm vào đâu! Họ đền bù không thỏa đáng bởi trước đây họ hứa 4 ngàn đồng mỗi mét vuông nhưng giờ họ đền mới có 2 ngàn đồng mỗi mét vuông thôi và đã nhiều năm nay không thấy họ nói gì nữa! Chúng tôi rất khó khăn…”

Bà Hồ Thị Doan, người K’ Dong, sống trong khu tái định cư Sông Tranh 2, chia sẻ: “Làm nhà rồi nhưng lấy cái gì mà làm ăn, động đất miết, đất làm ăn cũng không có.”

Những vết nứt trên các ngôi nhà xây bằng tiền đền bù đất rừng trong khu tái định cư như một lời đe dọa. Đời sống bất an, trẻ con ngủ không trọn giấc, người lớn thấp thỏm trong tư thế ẵm trẻ con để chạy mỗi khi mặt đất rền vang. Việc làm ăn trở nên trì trệ.

Theo một lão niên dân tộc K’ Dong than phiền, hầu hết người trẻ trong làng đều bỏ đi làm thuê, cả năm mới về một lần, trẻ em sớm bỏ học, người trong độ tuổi làm rừng thì chẳng còn rừng để mà làm bởi rừng đã nằm trọn trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Tiền đền bù đã bị trừ vào tiền xây nhà trong khu tái định cư và bà con chẳng có đồng vốn giắt lưng.

Mọi sự hoàn toàn bế tắc, đàn ông chỉ biết uống rượu, đàn bà lang thang đi bóc vỏ cây thuê, làm cỏ thuê hoặc ngồi nhà ru rú nhìn ra đồi. Bởi có siêng thì cũng chẳng còn đất để canh tác. Đói ăn, thiếu mặc là chuyện quanh năm ở đây.

Ông Hồ Văn Dúi, người K’ Dong, khu tái định cư Trà Đốc, Sông Tranh 2, cho hay: “Phải làm nhà gỗ để khi động đất mình về nhà gỗ mà ở!”

“Bà con ở đây chỉ biết đi rẫy, đi rừng, hoặc đi làm thuê tứ xứ, chứ từ khi về khu tái định cư đến nay không có đất để canh tác, thiếu đất, không trồng được cái rau cái cỏ chi hết,” anh Nguyễn Văn Trai, xã Trà Đốc, Trà My, tiếp lời.

Người K’ Dong mang họ Hồ, lấy theo họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người K’ Dong luôn tự hào mình là con cháu bác Hồ. Người K’ Dong luôn sẵn sàng hiến đất cho nhà nước xây dựng công trình thủy điện hay bất kì công trình nào có lợi cho nhân dân, cho xã hội. Nhưng lần này, công trình xây lên xong, giá điện vẫn cứ tăng vùn vụt, ở ngay bên thủy điện nhưng người K’ Dong rất ngại bật đèn bởi sợ tốn tiền điện. Và hàng trăm trận động đất kéo qua làm cho đời sống trở nên ngột ngạt, khó thở. Thiếu thốn mọi thứ, nhưng bà con trong khu tái định cư vẫn cố gắng vượt qua mọi nỗi khổ để tồn tại.

Bà Trần Thị Bông, cư dân xã Trà Đốc, huyện Trà My, bên cạnh thủy điện Sông Tranh 2: “Còn rất nhiều đất của dân ở đây chưa được thủy điện đền bù, nhưng khi mở bản đồ ra để khiếu nại thì ông này chỉ sang ông nọ, chỉ qua chỉ lại chẳng ông nào giải quyết hết. Rất là nhiều đất không được đền bù thỏa đáng. Xin các cơ quan cấp tỉnh, cấp cao hơn giải quyết cho dân chúng tôi, vì chúng tôi sống rất là khó khăn, khổ sở!”

Liên tục những trận động đất xảy ra, từng có lệnh ngưng tích nước lòng hồ từ chính phủ nhưng thủy điện Sông Tranh 2 vẫn tích nước để sản xuất điện. Đời sống của người dân quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 trong nhiều năm nay chưa bao giờ hết bất an và khốn khó.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG