Tâm lý gia Ngô Dũng nhận xét về cuộc đời con gái Stalin vừa từ trần tại Mỹ

Josef Stalin và con gái Svetlana năm 1935

Người con gái duy nhất của Stalin, nhà độc tài của liên bang Xô Viết cũ, bà Lana Peters, thường được biết đến nhiều hơn qua tên Svetlana Alliluyeva, vừa qua đời ngày 22 tháng 11 tại Richland Center, bang Wisconsin, Hoa Kỳ vì bệnh ung thư, thọ 85 tuổi. Cuộc đời li kỳ đầy thay đổi lạ lùng của bà từ Liên Bang Xô Viết đào tỵ sang Hoa Kỳ rồi sinh sống ở nhiều nước châu Âu, trở lại Liên Xô rồi quay trở về Mỹ đã được báo chí nhắc đến nhiều trong tuần qua. Câu Chuyện Nước Mỹ kỳ này sẽ lược thuật một số chi tiết liên quan đến một nhân vật đã từng sống trong lòng hai quốc gia hàng đầu thế giới thời chiến tranh lạnh, dựa trên các bài viết loan tải trên báo chí Mỹ. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương sau đây.

Bà Lana Peters, nhũ danh Svetlana Stalina, thường được biết đến nhiều qua tên Svetlana Alliluyeva, là con gái cưng duy nhất của nhà độc tài tàn bạo Josef Stalin của Liên bang Xô Viết cũ. Alliluyeva là tên họ của mẹ bà, bà đã lấy tên này sau khi cha bà mất năm 1953.

Ra đời ngày 28 tháng Hai năm 1926, mẹ mất lúc mới 6 tuổi năm 1932, bà được giao cho người vú nuôi dưỡng.

Theo tin của AP và the New York Times, cuộc đời bà giống hệt như một cuốn tiểu thuyết cổ điển của nước Nga vậy. Bà là con của Josef Stalin, một nhà độc tài tàn bạo khủng khiếp đã đưa hàng triệu người vào lao tù cộng sản, nhưng rất mực thương yêu bà và cung cấp cho bà một cuộc sống nhung lụa của giai cấp đặc quyền đặc lợi trong chế độ.

Bà có hai người anh, một người bị Đức Quốc Xã bắt và hạ sát trong trại tập trung năm 1941. Một người bị nghiện rượu chết năm 40 tuổi.

Là con gái cưng của Stalin, bà là nhân vật nổi tiếng trong nước; ngay từ khi còn nhỏ bà được so sánh với Shirley Temple của nước Mỹ, và hàng ngàn em bé ra đời được đặt theo tên Svetlana. Ngay cả một hiệu nước hoa của Liên Xô cũng mang tên này.

Nhưng cuộc đời không phải bao giờ cũng êm đẹp. Mẹ bà, người vợ thứ nhì của Stalin, đã tự vẫn chết khi bà mới 6 tuổi. Cả chục năm sau bà mới biết được sự thực về cái chết đó, lúc đầu bà được giải thích là mẹ bà chết vì sưng ruột dư.

Trong những năm tháng ở tuổi vị thành niên, cha bà, ông Stalin, bị chìm đắm trong thế chiến thứ hai, trở nên xa cách và đôi khi giận dữ và thô bạo đối với bà.

Trong cuốn hồi ký, bà thuật lại câu chuyện Stalin đầy người yêu đầu tiên của bà đi tù 10 năm ở Siberia vì ông không ưng nhà làm phim người Do Thái này. Bà muốn theo học môn văn chương tại đại học Mascova nhưng cha bà buộc bà học lịch sử. Bà vâng lời ông rồi tốt nghiệp đại học Mascova năm 1949, trở thành một giáo chức và một thông dịch viên, và là người trong giới văn học của liên bang Xô Viết thời đó.

Một năm sau khi tình đầu tan vỡ, bà báo tin cho cha là muốn kết hôn với một người Do Thái khác, tên Grigory Morozov, một bạn học. Bà bị lãnh một cái tát và cha bà từ chối gặp mặt người muốn làm rể ông. Lần này thì bà tự ý kết hôn, năm 1945, sau đó bà sinh được một người con trai, tên Iosif, và 2 năm sau hai vợ chồng bà ly dị.

Cuộc hôn nhân thứ nhì năm 1949 xem chừng được Stalin ưng thuận hơn. Chú rể là Yuri Zhdanov, con trai của Andrei Zhdanov người được coi là cánh tay mặt của Stalin. Hai người có được một cô con gái đặt tên là Yekaterina, nhưng cuộc hôn nhân cũng tan vỡ chẳng bao lâu sau đó.

Stalin chết năm 1953, Svetlana mất đi nhiều đặc quyền. Thập niên 1960 bà yêu một người cộng sản Ấn Độ đến thăm Mascova. Nhà chức trách Xô Viết không cho phép bà kết hôn. Đến khi ông bệnh và qua đời, họ miễn cưỡng cho phép bà đem tro cốt của ông về Ấn Độ năm 1967.

Lúc này bà đã đổi tên họ cha sang họ mẹ là Svetlana Alliluyeva. Một khi sang được Ấn Độ, bà phải né tránh mật vụ K.G.B để tìm đến đại sứ quán Mỹ ở New Delhi xin tỵ nạn chính trị. Dư luận thế giới đổ dồn chú ý vào người con gái của nhà độc tài cộng sản Xô Viết xin tỵ nạn.

Hoa Kỳ tức tốc gửi một nhân viên C.I.A đến bảo vệ và giúp đưa bà qua Ý rồi sang Thụy Sỹ, nhưng lưỡng lự trong việc cho bà nhập cảnh vì sợ gây tổn hại cho quan hệ đang được cải thiện với liên bang Xô Viết. Nhưng cuối cùng Tổng thống Lyndon B. Johnson đã chấp thuận cho bà đến Mỹ tỵ nạn vì lý do nhân đạo.

Lúc đó chính phủ Washington không biết là K.G.B âm mưu ám sát bà. Câu chuyện này được tờ Washington Times dẫn lời các cựu giới chức CIA cho biết vào năm 1992. Tuy nhiên về sau K.G.B bỏ ý định đó vì sợ nếu tiến hành, người ta rất dễ truy nguyên ra ai là kẻ chủ mưu.

Chuyến đi của bà đến New York vào tháng tư năm 1967 được báo chí sôi nổi tường trình.

Cuối năm 1967 tập hồi ký đầu tiên nhan đề "Twenty Letters to a Friend" (Hai Mươi Lá Thư Gửi Bạn) ra mắt độc giả, đem về cho bà 2,5 triệu đô la. Năm 1969 bà cho ra cuốn hồi ký viết về cuộc trốn chạy khỏi Liên Xô mang tựa đề: "Only One Year" (Chỉ Một Năm). Hai tập hồi ký này được liệt kê trên danh sách những tác phẩm bán chạy nhất trong năm.

Tại vùng đất mới, bà hết lời ca ngợi quyền tự do bày tỏ ý kiến mà bà không có ở quê hương của bà. Hãng AP trích dẫn lời bà nói là bà đã ngờ vực về chủ nghĩa cộng sản, giáo điều mà bà được dạy dỗ từ thưở thiếu thời, và bà tin chẳng có người cộng sản hay tư bản, chỉ có những người tốt và những người xấu mà thôi. Bà cũng tuyên bố là không thể có hiện hữu mà không có thượng đế trong trái tim. Đề cập đến người cha, nhà độc tài Stalin, bà viết: "Ông là một người rất đơn giản. Rất thô lỗ. Rất độc ác. Không có gì phức tạp về ông, ông thương yêu tôi và muốn tôi ở bên cạnh, muốn tôi trở thành một con người được dạy dỗ theo chủ nghĩa Mác Xít."

Bộc bạch về bà, bà từng tâm sự "Tôi đổi lập trường từ một người Mác Xít sang Tư Bản" nhưng bà nói bản chất của bà phức tạp hơn thế nhiều và chẳng bao giờ ai hiểu được hết.

Như điều Kremlin e ngại, bà trở thành một vũ khí trong thời chiến tranh lạnh. Năm 1968 bà lên tiếng tố cáo vụ xử án 4 nhân vật bất đồng chính kiến của Liên Xô là "một trò nhạo báng công lý." Lên tiếng trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA phát thanh về Liên Xô, các công dân tại nước đó được nghe bà mô tả trên đài rằng đời sống ở nước Mỹ "tự do, vui tươi và đầy màu sắc rực rỡ."

Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn, bà bày tỏ sự cô đơn và rất nhớ các con còn ở lại quê nhà, môt cái giá rất đắt mà bà phải trả khi đào thoát. Lúc bà ra đi cậu con trai Iosif 22 tuổi và cô con gái Yekaterina mới 17. Năm 1970 bà lập gia đình với ông William Wesley Peters, một nhà kiến trúc học việc với kiến trúc sư lừng danh của thế kỷ thứ 20 của Hoa Kỳ, ông Frank Lloyd Wright. Cuộc hôn nhân này đem lại cho bà một cô con gái tên Olga. Hai ông bà ly dị năm 1973.

Bà Svetlana Alliluyeva trở thành công dân Mỹ năm 1978, và hai mẹ con sang California sinh sống, dọn nhà nhiều lần, đến năm 1982 dọn sang Anh.

Tại đây bà đã liên lạc được với các con của bà ở Nga, và cậu con trai cả, đã trở thành một bác sỹ, hứa sang Anh thăm mẹ. Nhưng rồi bất ngờ, cậu bị từ chối không được phép xuất cảnh. Vì vậy đến năm 1984 bà đem cô gái út trở về Nga. Tại đây bà Lana Peters lên tiếng chỉ trích phương Tây và rằng bà "chẳng có một ngày nào được tự do." Rồi bà và cô con gái Olga được cấp quốc tịch Xô Viết, nhưng đời sống ngày càng tệ hơn. Hai người con của bà ở Nga bắt đầu né tránh bà. Bà và cô út dọn sang Tbilisi, Gruzia, nhưng thấy đời cũng chẳng vui hơn gì Mascova. Chưa đầy 2 năm sau khi trở về Nga, tháng Tư năm 1986, bà và cô con gái út Olga trở về Mỹ. Tại đây bà phản bác lại những lời chỉ trích Tây phương mà bà đã tuyên bố khi trở về Nga nói rằng bà đã bị báo chí diễn dịch sai.

Vào những năm cuối đời, bà sống ẩn dật trong cảnh nghèo khó vì nợ nần và đầu tư thất bại.

Tiến sỹ Ngô Dũng, chuyên gia về tâm lý lâm sàng thuộc đại học Texas, nhận xét về chuyện đào tỵ của bà và chuyện thường xuyên dọn nhà như một hành động chạy trốn bóng hình của người cha vẫn ám ảnh suốt đời bà :

"Chúng tôi nghĩ rằng sống trong một bối cảnh của một người con của một nhà độc tài khét tiếng vào thời đo, bà Lana có những quyền lợi riêng của con của một nhà độc tài, tuy nhiên sau khi bà bắt đầu lớn và trưởng thành, cái tên của người cha đi liền với cái tội ác trong con mắt của thế giới, thành thử khi đến tuổi trưởng thành bà quyết định rời xa quê hương, vì bà muốn trốn khỏi cái tên từng gắn liền với những tội ác của nhân loại."

Đề cập đến chuyến bà Lana Peters trở về Mascova và quay sang chỉ trích các nước phương Tây, tiến sỹ Ngô Dũng giải thích:

"Bà rất thương nhớ những người con mà bà còn để lại ở Liên bang Xô Viết và rất muốn trở về thăm những người con của mình. Đó là tâm trạng của một người mẹ không thể nào cắt đứt khúc ruột của mình, rốt cuộc bà phải trở về xứ sở để thăm lại con trai và con gái bà đã để lại mấy chục năm trời. Cái nghịch lý là khi bà ở bên Mỹ, bà tố cáo chính phủ liên bang Xô Viết và bà từng tố cáo cha bà là một con quái vật tàn bạo, và tố cáo hệ thống Liên bang Xô Viết là một hệ thống chính trị đồi bại, nhưng khi trở về thăm con thì bà lại nói ngược lại, có những tố cáo, những lời không tốt về chính phủ Mỹ, về các nước tây Âu. Chúng tôi nghĩ là về phương diện tâm lý, tình cảm của người mẹ đối với con quá bao la, và bà có thể thay đổi bộ mặt cho phù hợp với bối cảnh chính trị thời đó thì bà mới có thể trở về một cách an bình."

Nhưng chưa đầy 2 năm sau bà lại xin trở về Mỹ, Tiến Sỹ Ngô Dũng đưa ý kiến:

"Tôi nghĩ là bà sống trong một bối cảnh chính trị rất khó khăn. Trong bối cảnh đó tôi nghĩ là bà làm bất cứ cái gì để thăm lại những người con của bà, nhưng trong thâm tâm, bà không chấp nhận một chế độ độc tài. Chính vì vậy mà tôi nghĩ bà đã quyết định ra đi sau khi gặp lại được những người con của mình."