Ngạn ngữ ta có câu “Đàn bà đi biển mồ côi một mình”, diễn tả những hiểm nguy mà một phụ nữ phải đối mặt trong khi sinh nở. Nhờ những phương tiện y khoa trong một khung cảnh sống đầy đủ, những hiểm nguy đó được giảm thiểu tối đa cho phụ nữ. Nhưng không phải ai cũng được hưởng những diễm phúc đó.
Theo tin của CNN, những phụ nữ nghèo ở châu Phi, châu Á thường sinh quá nhiều con vì không biết, hoặc không có được những phương tiện ngừa thai. Tại Niger, trung bình một phụ nữ có trên 7 con. Những nước khác như Uganda, Mali và Somalia, trung bình từ 6 đến 7 con.
Sinh nở quá nhiều và những lần sinh kế tiếp nhau quá gần thường không tốt cho sức khỏe của phụ nữ, nhất là giới nghèo không được dinh dưỡng đầy đủ. Sau mỗi lần sinh nở và nuôi con bằng sữa mẹ, cơ thể người mẹ mất đi rất nhiều các chất sắt, chất calcium và folate, và có thể sinh ra những biến chứng như vỡ tử cung và đặt bào thai trong tình trạng nguy hiểm như sinh ra nhẹ cân hoặc sinh thiếu tháng. Đã vậy sinh nở quá nhiều người mẹ có thể bị những biến chứng như tử cung không đàn hồi dễ bị băng huyết sau khi sinh.
Nếu là một thai phụ và sản phụ thuộc một gia đình nghèo ở một nước nghèo, kể từ khi mang thai đến lúc sinh nở, phụ nữ sẽ không có được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chu đáo để có thể an tâm trong những lần “đi biển mồ côi một mình”.
Chính hiểu rõ những hiểm nguy của các thai phụ và sản phụ trong những hoàn cảnh eo hẹp như vậy và muốn thay đổi tình trạng khốn khổ đó, bà Robin Lim, một phụ nữ Mỹ gốc Philippines, với kỹ năng của một nữ hộ sinh có bằng cấp được huấn luyện, đã đến Indonesia thành lập hiệp hội mang tên Yayasan Bumi Sehat, có nghĩa là Đất Mẹ Lành Mạnh. Hội thiết lập những phòng khám và hộ sinh miễn phí trong các làng ở Aceh và Bali tại Indonesia giúp cho những thai phụ và sản phụ nghèo được mẹ tròn con vuông.
Theo Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, lợi tức trung bình của mỗi gia đình Indonesia chỉ có 8 đô la một ngày. Nhưng chi phí sinh nở tại bệnh viện lại quá cao so với thu nhập, từ 70 đến 700 đô la tùy ca từ dễ đến khó.
Đài CNN thuật lại rằng vào một buổi sáng tinh mơ tại Bali, hai phụ nữ ngủ trên những chiếc chiếu trải ở bên ngoài một bệnh viện, thức dậy để chờ được vào thăm trẻ sơ sinh, con của họ, đang bị bệnh viện cầm giữ vì họ không có tiền trả viện phí. Họ chỉ được phép mang con về chừng nào mà tất cả mọi chi phí bệnh viện được thanh toán đầy đủ.
Bà Robin Lim cho biết bệnh viện cầm giữ các em bé mới sinh, chờ đến khi nào các bà mẹ trả tất cả mọi viện phí rồi họ mới được mang con về là điều rất thường xảy ra tại Indonesia. Tại bệnh viện Bali này, những bà mẹ nào không có tiền trả được phép vào thăm, thay tã, cho con bú hai lần một ngày. Ai may mắn có đủ tiền được mang con về. Những ai không may có thể sẽ phải từ bỏ đứa con thơ, từ bỏ quyền làm mẹ để đứa bé đem cho người khác làm con nuôi.
Bà Robin Lim được cư dân địa phương gọi là “Ibu Robin” có nghĩa là “Mẹ Rubin”
Theo bà Lim, một thai phụ hay sản phụ có thể lo rằng đứa con ra chào đời có được an lành hay không, chứ lẽ ra không cần phải lo: "làm sao tôi trả được tiền bệnh viện".
Bà Lim cho rằng tỉ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong cao tại Indonesia một phần vì viện phí quá cao, người dân không đủ tiền nên khi sinh nở không có được những chăm sóc cần thiết.
Vào ngày 11 tháng 12 vừa qua, bà Robin Lim đã được tuyên dương là “người hùng trong năm 2011” trong số 10 người hùng được chương trình tuyển chọn của đài CNN bình bầu.
Lên tiếng trong buổi lễ trao giải, bà Lim nói:” Hôm nay trên trái đất này, sẽ có 981 bà mẹ đang trong độ tuổi sung mãn nhất thiệt mạng, giống như ngày mai và hôm qua, và tôi xin quí vị hãy giúp để thay đổi chuyện đó.”
Theo bà “mỗi trẻ thơ cần được ra chào đời trong an bình và yêu thương. Mỗi bà mẹ cần được mạnh khỏe. Mỗi vụ sinh nở cần phải được chăm sóc chu đáo trong tình yêu thương. Nhưng thế giới của chúng ta chưa đến được nơi đó.”
Mỗi người được chọn vào danh sách này được tặng thưởng 50 ngàn đô la, riêng bà Robin Lim được chọn là Người Hùng Trong Năm sẽ được tặng thêm 250 ngàn đô la để theo đuổi những điều công ích.
9 người khác trên danh sách người hùng gồm:
Ông Eddie Canales. Ông có một người con trai bị liệt trong tai nạn chơi bóng bầu dục cho đội banh trường trung học năm 2001. Ngày nay hiệp hội Gridiron Heroes do ông sáng lập cung ứng những hỗ trợ tâm lý và tài chính cho cầu thủ các đội banh trường trung học chơi môn bóng này bị chấn thương dây thần kinh tủy sống.
Bà Taryn Davis. Bà đã trở thành góa phụ lúc mới 21 tuổi khi chồng bà, một hạ sỹ nhất thiệt mạng tại Iraq. Năm 2007 bà thành lập Dự án Hỗ trợ Quả phụ Mỹ American Widow Project. Tính cho đến nay, tổ chức bất vụ lợi này đã vận động cộng đồng giúp cho gần 1 ngàn quả phụ trẻ của các quân nhân.
Ông Sal Dimiceli, sáng lập viên tổ chức bất vụ lợi Bây Giờ Là Lúc Trợ Giúp The Time is Now to Help, và qua một cột báo địa phương, mỗi năm ông trợ giúp thực phẩm, tiền thuê nhà, tiền điện nước và những nhu cầu khác cho chừng 500 người.
Ông Derreck Kayongo, sáng lập viên của tổ chức bất vụ lợi Dự án Xà phòng Toàn Cầu Global Soap Project, chuyên thu thập xà phòng dùng dở do các khách sạn bỏ đi, đem về tái chế và phân phát cho các cộng đồng nghèo và những người thiếu thốn ở 10 quốc gia.
Bà Diane Latiker, sống trong một khu xóm nhiều băng đảng bạo động ở Chicago. Bà đã mở cửa tiếp nhận các thanh thiếu niên và thiết lập một chương trình cộng đồng mang tên Kids off the Block để giúp các em thoát khỏi sự chi phối của các băng đảng. Kể từ năm 2003, chương trình này đã giúp hơn 1.500 trẻ.
Ông Patrice Millet, từng bị ung thư. Sau ông cống hiến cuộc đời để giúp trẻ em tại quê hương Haiti của ông. Chương trình bất vụ lợi của ông cung cấp trang cụ, hướng dẫn chơi bóng đá và cung cấp thực phẩm cho hàng trăm tham dự viên sinh sống ở những khu ổ chuột, và dạy các em trở thành công dân có trách nhiệm.
Ông Bruno Serato, một đầu bếp trưởng, kể từ năm 2005 vẫn dọn ăn bữa tối miễn phí cho trẻ em nghèo sống cùng với gia đình ở những nơi tạm cư. Ngày nay ông Serato cung cấp bữa tối 7 ngày một tuần cho hơn 300 trẻ em tại cơ sở the Boys & Girls Club ở Anaheim, bang California.
Ông Richard St. Denis, sáng lập viên tổ chức World Access Project từ năm 2008, cung cấp hàng trăm xe lăn và những dụng cụ khác trợ giúp người tàn tật ở miền quê nước Mexico có thể đi lại được.
Bà Amy Stokes, sáng lập viên tổ chức Infinite Family giúp cho gần 500 trẻ em Nam Phi nghèo khó và chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS tìm được những người đỡ đầu tình nguyện qua internet ở khắp thế giới.
Hôm 11 tháng 12 vừa qua, một phụ nữ Mỹ gốc Philippines đã được trao giải “Người Hùng trong Năm” của cơ quan truyền thông CNN trong năm nay. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này mời quí vị nghe lược qua về 10 nhân vật được đề cử vào danh sách này và đôi nét về người được bình chọn, bà Robin Lim, một phụ nữ đã có nhiều công lao chăm sóc cho các bà mẹ mang thai và các sản phụ nghèo ở Indonesia.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1