Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhưng vẫn còn các thách thức

  • William Ide

Một người đàn ông dừng xe đạp lại để ngắm một bức hình dự án một khu dân cư bên ngoài địa điểm xây dựng trong thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Trung Quốc hôm nay công bố các số liệu chứng tỏ nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới dường như có phục hồi sau gần 2 năm tăng trưởng chậm. Tuy một số người tỏ ý lạc quan rằng các số liệu có nghĩa là kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục nhìn thấy tăng trưởng ổn định trong năm tới, nhiều người khác lo ngại về nguy cơ kéo dài của các điểm yếu trong nước cũng như ở nước ngoài.

Các giới chức Trung Quốc nói kinh tế đã tăng trưởng ở tỷ lệ 7,8% trong năm 2012. Con số này nằm ngay các mức mà chính phủ đã dự kiến, nhưng vẫn còn là mức tăng trưởng chậm nhất mà nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến kể từ năm 1999.

Ông Shaun Rein, giám đốc điều hành Nhóm Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc nói rằng mức tăng trưởng chậm hơn thực ra là lành mạnh. Ông nói trong 10 năm qua, Trung Quốc đã lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư hạ tầng cơ sở và xuất khẩu:

“Ðiều chúng ta cần làm là tạo thêm tiêu thụ và do đó cần phải được chính phủ bật đèn xanh cho các dự án kinh doanh lành mạnh hơn, thay vì chỉ bật đèn xanh cho bất cứ cái gì đem lại tăng trưởng GDP cao hơn bởi vì kết quả đã đưa đến tình trạng ô nhiễm quá nhiều, và đầu tư thực sự thiếu hiệu quả.”

Hướng nền kinh tế tới một mô thức tăng trưởng kinh tế lành mạnh hơn là một trong các thách thức chủ yếu mà các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ phải đối phó.

Các giới chức và kinh tế gia Trung Quốc lâu nay vẫn nói đến sự cần thiết Trung Quốc phải thúc đẩy tiêu thụ trong nước hay vai trò mà người tiêu thụ đóng trong sự tăng trưởng toàn diện của đất nước.

Số bán lẻ, mức đo chủ yếu về chi tiêu của giới tiêu dùng, đã tăng hơn 14% trong năm ngoái. Chính phủ cũng đã thực hiện các nỗ lực thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Ông Trịnh Tân Lập, phó giám đốc ủy ban kinh tế của đảng Cộng Sản, rất lạc quan trong khi phân tích về nền kinh tế khi phát biểu với đài truyền hình CCTV của nhà nước.

Ông Trịnh nói mức chi của người tiêu dùng đã tăng và tiến độ của khu vực kinh tế và đầu tư tư nhân cũng đi lên trông thấy. Ông nói tất cả những sự kiện này chứng tỏ tác động của sự tăng trưởng nội địa đối với nền kinh tế đang tăng thêm.

Ðể thúc đẩy tiêu thụ trong nước thêm nữa, các kinh tế gia thường nêu ra sự cần thiết phải cho phép các cơ sở kinh doanh tư nhân đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đã thực hiện một sự thúc đẩy quan trọng hướng tới tư hữu hóa vào cuối thập niên 1990, nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính phát tác năm 2008, thì chương trình kích hoạt của chính phủ lại chú ý quá nhiều đến các công ty quốc doanh, theo nhận định của chuyên gia phân tích Rein:

"Do đó làm như có tình trạng mất quân bình trong 4 năm vừa qua, khi các cơ sở quốc doanh chiếm quá nhiều trong tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động ở nội địa Trung Quốc. Vậy điều chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện là nghiêng lại và thúc đẩy trở lại các khu vực tư nhân, nhất là các cơ sở kinh doanh cỡ trung bình.”

Ông Hồ Tinh Ðẩu, một giáo sư kinh tế học tại Viện Kỹ thuật Bắc Kinh, nói cải cách tài chính là một vấn đề chủ chốt mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải giải quyết khi họ tìm cách bình thường hoá nền kinh tế. Và bảo đảm rằng các công ty tư nhân tiếp cận với các nguồn tài chính để phát triển công cuộc kinh doanh của họ là một phần cốt yếu trong tiến trình đó.

Ông Hồ nói các công ty quốc doanh độc quyền vốn đã bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc một cách trầm trọng, nhất là nền kinh tế tư nhân. Ông nói việc nhà nước kiểm soát các doanh nghiệp tài chính đã dẫn tới tình trạng tất cả các nguồn tài chính được dành cho doanh nghiệp nhà nước, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc vay tiền và tài trợ.

Ðể giải quyết nhu cầu này chính phủ Trung Quốc đã chấp thuận nhiều khu vực được gọi là thí điểm trong đó các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận các nguồn tài trợ thay thế.

Ông Hồ nói trong khi có thể là hữu ích, các cải cách vẫn chưa đủ. Theo ông, có thể là trong những khu vực thí điểm này sẽ có thêm sự đa dạng trong hệ thống ngân hàng, và tất cả các loại ngân hàng sẽ được thiết lập và sự kiện này sẽ giúp ích cho tình hình. Nhưng ông nói thêm rằng có nhiều phần chắc chúng sẽ không phá vỡ được quyền kiểm soát mà các độc quyền quốc doanh nắm đối với hệ thống tài chính.

Các kinh tế gia nói điều quan trọng là khu vực tài chính phải cải tổ bởi vì nó sẽ giúp Trung Quốc củng cố phát triển nền kinh tế thực thụ. Và họ cho rằng Trung Quốc càng bớt lệ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng thì càng có thêm sức mạnh để vượt qua các cơn bão tài chính toàn cầu.